23/01/2025

Căng thẳng eo biển Đài Loan xưa và nay: Bao năm xa cách đại lục

Căng thẳng eo biển Đài Loan xưa và nay: Bao năm xa cách đại lục

Gần đây, quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan lại liên tục căng thẳng. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, Đài Loan từng trải qua không ít biến động chính trị và quá trình dài “xa cách” với Trung Quốc đại lục.
Du khách tham quan mô hình thu nhỏ của tòa nhà Đài Bắc 101 có chiều cao 508 m /// AFP
Du khách tham quan mô hình thu nhỏ của tòa nhà Đài Bắc 101 có chiều cao 508 mAFP

Căn cứ kháng chiến

Vào năm 1544, các con tàu hải dương của Bồ Đào Nha bắt đầu gọi vùng đất này với cái tên Ihla Formosa, tức “hòn đảo xinh đẹp”, và cái tên này vẫn được người phương Tây tiếp tục sử dụng cho đến sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, theo Cổng thông tin của chính quyền Đài Loan.
Năm 1624, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã thành lập một khu định cư quy mô nhỏ trên bờ biển tây nam của Đài Loan. Vùng đất này giờ đây là Đài Nam. Vài năm sau, họ tiếp tục xây thêm một căn cứ khác ở phía bắc tại Đạm Thủy. Người Hà Lan kinh doanh các mặt hàng như đường, gạo, tiêu, tơ lụa và sa tanh, đồ gốm sứ, hạt nhục đậu khấu và quế.
Công việc kinh doanh tại đây vô cùng khởi sắc, và lẽ ra người Hà Lan còn muốn bám trụ lâu hơn, trước khi xuất hiện một nhân vật gọi là Trịnh Thành Công, danh tướng kiệt xuất thời kỳ cuối nhà Minh đầu nhà Thanh.
Tướng Trịnh Thành Công, được phương Tây gọi tên Koxinga, là người ủng hộ nhiệt thành của nhà Minh, trước khi triều đại này bị quân Mãn Châu lật đổ vào năm 1644. Dựng lên ngọn cờ phản Thanh phục Minh, tướng Trịnh tổ chức kháng chiến chống nhà Thanh, nhưng bị đánh bại vài lần nên lùi về phương nam.
Đến năm 1660, tướng Trịnh phát hiện đảo Đài Loan và cho rằng có thể trú đóng ở đây để tiếp tục kháng chiến. Ông và những người trung thành vượt biển sang Đài Loan, tổ chức một hạm đội đánh bật thế lực của Công ty Đông Ấn Hà Lan khỏi hòn đảo vào năm 1661 – 1662, rồi lập ra vương quốc Đông Ninh. Sau đó chẳng bao lâu thì ông qua đời vì bệnh sốt rét.
Vương quốc Đông Ninh chỉ tồn tại 21 năm cho đến khi triều Mãn Thanh dưới thời hoàng đế Khang Hy thôn tính vào năm 1683. Từ đó, hòn đảo trở thành một phần của Phúc Kiến. Tuy nhiên, triều đình nhà Thanh không muốn phát triển hòn đảo vì muốn loại trừ nguy cơ nơi này bị biến thành căn cứ kháng chiến.

Thuộc địa của Nhật

Vào thời điểm chiến tranh Nha phiến bùng nổ giữa Anh và triều Mãn Thanh, Đài Loan trở thành mục tiêu chiếm đóng của các thế lực phương Tây. Sau chiến tranh với Nhật, triều Mãn Thanh thua cuộc và ký vào Hiệp ước Shimonoseki vào ngày 17.4.1895, cắt nhượng các đảo Đài Loan và Bành Hồ (một quần đảo nằm tại eo biển Đài Loan, ở phía tây đảo Đài Loan) cho Nhật.
Quân đội Nhật đã mất 6 tháng để trấn áp các cuộc khởi nghĩa. Hàng ngàn lính Nhật đã thiệt mạng, nhưng không phải là do chiến đấu, mà vì nhiễm dịch bệnh ở vùng đất mới. Nhà cầm quyền Nhật bắt đầu nhận ra phải ưu tiên đối phó bệnh sốt rét và dịch tả. Vì thế, trong 20 năm đầu tiên dưới thời Nhật cai trị, người dân Đài Loan có được sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế công cộng. Nạn nghiện thuốc phiện cũng được ngăn chặn. Mạng lưới đường sá nhanh chóng mọc lên, hệ thống đường sắt được mở rộng và phát triển, các công trình công cộng liên tục được xây dựng. Đến bây giờ, những người Đài Loan cao tuổi vẫn đề cập một cách hãnh diện về nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm quy hoạch đô thị, vào thời Nhật cai trị, theo báo The Los Angeles Times.

Quốc Dân đảng cầm quyền

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Trung Quốc giành lại quyền kiểm soát Đài Loan. Năm 1946, ông Tưởng Giới Thạch và phu nhân Tống Mỹ Linh lần đầu tiên đến thăm Đài Loan, vào thời điểm cuộc đàm phán giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng đang trong tình thế căng thẳng. Qua chuyến thăm, ông Tưởng Giới Thạch phát hiện lợi thế của Đài Loan và bắt đầu lưu ý đến hòn đảo này.
Đến năm 1949, sau khi thất bại trước Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch cùng thế lực Quốc Dân đảng của ông đã rút về Đài Loan và bắt đầu tổ chức bộ máy chính quyền. Đến năm 1952, Nhật Bản ký kết Hiệp ước San Francisco, chính thức từ bỏ tất cả chủ quyền đối với lãnh thổ này và Quốc Dân đảng dưới thời Tưởng Giới Thạch bắt đầu cầm quyền tại Đài Loan. Từ đó đến nay, Bắc Kinh vẫn theo đuổi chính sách nhất quán “một Trung Quốc” và luôn yêu cầu thống nhất Đài Loan về đại lục. (còn tiếp)
Hơn 70 năm sau khi kết thúc Thế chiến 2, sự ảnh hưởng của Nhật Bản vẫn tiếp tục tồn tại trong xã hội Đài Loan. Những tòa nhà công cộng được xây dựng từ thời Nhật Bản vẫn là điểm đến ưa thích ở Đài Bắc và những thành phố khác, trong khi dấu ấn của Nhật tiếp tục kéo dài trong lĩnh vực ẩm thực, văn hóa và thời trang.
THUỴ MIÊN
TNO