23/01/2025

Trừng phạt các công ty Trung Quốc cải tạo Biển Đông, Mỹ toan tính gì?

Trừng phạt các công ty Trung Quốc cải tạo Biển Đông, Mỹ toan tính gì?

‘Mỹ có rất nhiều mục đích khi làm điều này, từ việc buộc họ phải trả giá cho các hành vi xấu đến khuyến khích các chính phủ, công ty toàn cầu đánh giá lại mối quan hệ với những công ty này’, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh ngày 26-8.

 

Trừng phạt các công ty Trung Quốc cải tạo Biển Đông, Mỹ toan tính gì? - Ảnh 1.

Các tàu nạo vét Trung Quốc tham gia bồi đắp trái phép Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh: AMTI/CSIS

Trong một động thái được xem là lần đầu tiên, liên bộ Ngoại giao và Thương mại Mỹ ngày 26-8 đã áp lệnh trừng phạt nhắm vào hơn 24 công ty và các cá nhân Trung Quốc dính líu tới việc cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là 24 công ty Trung Quốc bị đưa vào chung danh sách trừng phạt với Huawei và các công ty công nghệ khác. Những công ty này bị Mỹ trừng phạt vì lo ngại an ninh quốc gia và dính líu tới hoạt động Mỹ cho là xâm phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Theo báo New York Times, đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng danh sách này để trừng phạt các công ty liên quan tranh chấp Biển Đông.

‘Việc các công ty này bị áp lệnh trừng phạt như vậy đồng nghĩa sẽ đặt dấu chấm hết cho việc họ mua các công nghệ và mọi sản phẩm khác xuất xứ Mỹ, từ chất bán dẫn đến cả bàn chải đánh răng cũng phải được sự đồng ý và phê duyệt trước’, New York Times khẳng định.

‘Cơ sở cho các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ như quý vị đã thấy là tuyên bố của Mỹ hồi tháng trước về vấn đề tranh chấp hàng hải ở Biển Đông’, quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ nhấn mạnh trong cuộc họp báo qua điện thoại do cơ quan này tổ chức ngày 26-8 (giờ Mỹ).

‘Chúng tôi kiên định theo đuổi phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông và tuyên bố rõ hồi tháng trước các yêu sách của Trung Quốc là phi pháp. Mỹ muốn làm rõ điều này để hỗ trợ các quốc gia ven biển Đông Nam Á duy trì chủ quyền và phản ánh sự lo ngại của Mỹ trước các chiến thuật cưỡng ép trắng trợn của Trung Quốc’, vị này khẳng định.

Gọi các công ty bị trừng phạt là công cụ trong ‘chiến thuật săn mồi’ của Trung Quốc, quan chức ngoại giao Mỹ cho biết ‘Washington có nhiều mục tiêu khác nhau, từ việc buộc họ phải trả giá cho các hành vi xấu đến khuyến khích các chính phủ, công ty toàn cầu đánh giá lại mối quan hệ với những công ty này’.

Một trong những cái tên nổi trội nhất danh sách trừng phạt là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC). Không chỉ tham gia vào quá trình bồi đắp và xây dựng trái phép các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, Mỹ xác định CCCC còn là nhà thầu hàng đầu được Bắc Kinh sử dụng trong sáng kiến ‘Vành đai, con đường’.

Đối với các cá nhân bị trừng phạt thị thực, quan chức ngoại giao Mỹ tiết lộ đã xác định xong và lệnh trừng phạt có hiệu lực lập tức sẽ khiến ‘hàng chục người không thể tới Mỹ’, song từ chối công bố tên chi tiết.

Cũng trong cuộc họp báo ngày 26-8, đại diện Bộ Thương mại Mỹ khẳng định mọi hợp đồng mua bán sản phẩm có yếu tố Mỹ với 24 công ty Trung Quốc vừa bị trừng phạt phải nhận được sự đồng ý của Washington.

Mỹ sẽ siết chặt giám sát để đảm bảo rằng người dùng cuối cùng không phải là các công ty này, kể cả khi các hàng hóa này được sản xuất ở nước ngoài hay người đứng tên mua là một công ty khác.

Như vậy, dù trừng phạt các công ty Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông, Mỹ lại hướng đến rất nhiều thứ rộng hơn.

Không chỉ ngăn chặn các công ty này tiếp cận công nghệ Mỹ, Washington còn muốn đánh tiếng cảnh báo nước khác các hành vi của công ty nhà nước Trung Quốc, đặc biệt trong sáng kiến ‘Vành đai, con đường’ vốn luôn bị Mỹ chỉ trích là chiến lược ngoại giao bẫy nợ.

DUY LINH
TTO