23/12/2024

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bị tấn công lừa đảo nhiều nhất Đông Nam Á

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bị tấn công lừa đảo nhiều nhất Đông Nam Á

Trong nửa đầu năm 2020, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng các vụ tấn công lừa đảo qua mạng nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bị tấn công lừa đảo nhiều nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bị tấn công lừa đảo nhiều nhất Đông Nam Á. – Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê công bố ngày 25-8 của hãng bảo mật Kaspersky, tội phạm mạng liên tục tấn công lừa đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB) tại Đông Nam Á. Có tổng cộng hơn 1,6 triệu sự cố nhằm vào các công ty có từ 50-250 nhân viên, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu cho thấy trong nửa đầu năm nay, Indonesia, Malaysia và Việt Nam là những nước có số tấn công vào SMB cao nhất khu vực. Cụ thể, số vụ tấn công vào doanh nghiệp SMB Việt Nam là 464,3 nghìn vụ. Quốc gia đứng thứ hai là Indonesia với số vụ tấn công là 406,2 nghìn vụ, trong khi quốc gia đứng thứ ba là Malaysia lại có khoảng cách khá xa với chỉ 269,5 nghìn vụ. Singapore có số lượng email lừa đảo ít nhất Đông Nam Á nhưng vẫn tăng 60,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, trên quy mô toàn cầu, Brazil là quốc gia có số tấn công email lừa đảo cao nhất trong quý 2020, tiếp theo là Nga, Pháp, Columbia và Hoa Kỳ.

Ông Yeo Siang Tiong, tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, cho biết: “Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, tấn công lừa đảo vẫn là mối đe dọa ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, giai đoạn quý 1 đến quý 2-2020. Điều này có thể được lý giải bởi thực tế là các biện pháp giãn cách được thực hiện khắp Đông Nam Á từ cuối tháng 3, sau đó đến đầu quý 2-2020 hàng triệu nhân viên bắt đầu làm việc từ xa”.

Trên toàn cầu, các chiêu thức lừa đảo hàng đầu bao gồm sử dụng virus corona làm mồi nhử, lừa đảo để bán khẩu trang, kêu gọi quyên góp cho quỹ nghiên cứu vắcxin, lợi dụng nỗi sợ hãi đối với dịch bệnh, hoặc tiền thưởng/bồi thường liên quan đến đại dịch.

Ngoài ra, còn có những chiêu thức như đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên, thông báo quan trọng từ nhân sự hoặc quản trị viên, yêu cầu kiểm tra mật khẩu khẩn cấp, thông cáo báo chí khẩn cấp, thông báo sao lưu qua email…

“Tội phạm mạng lợi dụng sự hỗn loạn để thực hiện các cuộc tấn công phi kỹ thuật như email lừa đảo. Bằng cách đưa các chủ đề và cụm từ đang được quan tâm liên quan đến đại dịch COVID-19 vào tin nhắn gửi đi, khả năng để người dùng nhấp vào liên kết hoặc tệp đính kèm bị nhiễm mã độc tăng lên rất nhiều. Các mối đe dọa cũng khó theo dõi hơn qua mạng gia đình cá nhân.

Ngoài ra, thực tế là khi căng thẳng về mặt tinh thần, chúng ta sẽ dễ mắc sai lầm hơn. Làm việc tại nhà làm tăng rủi ro an ninh mạng, do đó SMB cần thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ dữ liệu và tài chính của tổ chức”, ông Yeo nói thêm.

ĐỨC THIỆN
TTO