23/12/2024

Cần gì để thành công khi chọn trường nghề?

Cần gì để thành công khi chọn trường nghề?

Từ những câu chuyện thực tế, các khách mời trong toạ đàm ‘Chọn trường nghề cho lối vào đời’ đã chỉ ra những yêu cầu cốt lõi để thành công cho các học viên, sinh viên trường nghề.

 

Cần gì để thành công khi chọn trường nghề? - Ảnh 1.

TS Trần Thanh Hải – Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM – chia sẻ tại tọa đàm – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tọa đàm do báo Tuổi Trẻ và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức sáng 25-8.

Kỹ năng, thái độ để thành công

Sau khi tốt nghiệp THPT, Phạm Đình Song (30 tuổi – Hóc Môn, TP.HCM) cảm thấy chênh vênh, không biết nhiều cánh cửa về ngành, nghề. Chưa được định hướng, Song hoang mang giữa những ước mơ, khả năng và nguyện vọng của gia đình.

Tình cờ, Song biết được và đi theo ngành quản trị nhà hàng – khách sạn với một người bạn nhưng còn mơ hồ.

Một lần đi ngang phòng học pha chế, nhìn các anh chị bartender biểu diễn, Song rất thích. Từ đây, Song tự mày mò đọc, học, rồi xin vào làm ở quán bar, cà phê để có cơ hội thực hành.

Khi đang học năm thứ 2, Song “chơi lớn” ứng tuyển làm pha chế ở khách sạn Caravelle. Qua năm vòng phỏng vấn, Song trúng tuyển trở thành bartender trẻ nhất của khách sạn 5 sao nổi tiếng này.

Giờ đây, đạt được nhiều giải thưởng lớn nhỏ về bartender trong khu vực và trên thế giới, Song nổi tiếng với danh hiệu “phù thủy pha chế”.

“Sau nhiều năm làm việc, tôi có hỏi sếp mình vì sao trước đây lại chọn mình dù không có nhiều kinh nghiệm. Sếp nói rằng, trong hơn 20 người đi phỏng vấn cùng tôi, người mặc quần jean, người áo thun, chỉ có tôi mặc quần tây, áo sơ mi, đóng thùng, thắt cà vạt.

Tôi được trường dạy chú ý từng chi tiết nhỏ, gõ cửa vào phòng như thế nào, kéo ghế ngồi ra sao, trả lời như thế nào. Sếp tôi rất thích về điều này”, Song nói.

Theo Song, với những bạn trẻ lựa chọn con đường giáo dục nghề nghiệp, cái quan trọng là kỹ năng và thái độ. Đó là tiêu chí đầu tiên những nhà tuyển dụng muốn có ở ứng viên.

Bà Bùi Hồng Ngọc – điều dưỡng trưởng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới – cũng xuất thân từ giáo dục nghề nghiệp. Bà kể, ngành điều dưỡng rất thiếu và các nước ngoài rất cần.

“Ở Đức, lao động ngành điều dưỡng rất coi trọng thái độ. 6g giao ca thì 5g30 họ đã có mặt tới. Họ làm suốt 8 tiếng, cầm cái điện thoại một lần nào. Ở Việt Nam, một số điều dưỡng viên thậm chí còn lướt web khi bệnh nhân đến nhờ giúp đỡ”, bà Ngọc nói.

Thay đổi các… thầy cô

Cần gì để thành công khi chọn trường nghề? - Ảnh 2.

Anh Phạm Đình Song tại tọa đàm – Ảnh: NHƯ HÙNG

ThS Trương Quang Trung – phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cao thắng (TP.HCM) – cho biết theo khảo sát trên hơn 1.500 sinh viên, học viên giáo dục nghề nghiệp, phần lớn cho rằng hai lý do hàng đầu chọn trường nghề nằm ở chất lượng đào tạo và khả năng xin việc.

Cụ thể, 1.057 sinh viên chọn trường nghề vì đào tạo tốt, 718 chọn vì dễ xin việc, 628 vì có kỷ luật tốt. Yếu tố học phí không phải ưu tiên hàng đầu, trong đó chỉ 574 bạn chọn học nghề vì có chi phí thấp.

Về kỹ năng, thái độ, ông Trung cho biết nhà trường luôn cố gắng xây dựng tác phong công nghiệp, tuy nhiên cần nhiều thời gian.

Ông Trung kể thay đổi được triển khai ngay từ các giảng viên. “Quy định 8 giờ dạy hay họp không phải là 8 giờ có mặt. Vì vậy chúng tôi quy định nếu có mặt 8 giờ coi như đi trễ. Nhưng phải 2 năm như vậy, thầy cô mới quen”, ông Trung nói.

Với các học viên, sinh viên, trường không có hẳn một môn kỹ năng mềm mà tích hợp vào các dự án, đồ án.

“Đến khi sắp đến doanh nghiệp thực tập, chúng tôi sẽ nhấn mạnh với các em một kỹ năng duy nhất: gọi và nghe điện thoại. Vì đây là yêu cầu đầu tiên để gây ấn tượng cho người sử dụng lao động”, ông Trung nói.

Bà Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II – chia sẻ, những năm trước đây trường yêu cầu chính các giảng viên phải gắn liền với doanh nghiệp khi giảng dạy. Thậm chí, trường tổ chức những buổi cho thầy cô đến các doanh nghiệp học hỏi để có thể dạy phù hợp với thực tế hơn.

Ngoài ra, trường cũng tích cực tham gia các dự án trong và ngoài nước để giảng viên có thêm cơ hội cọ xát, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.

Cho học sinh trải nghiệm sớm

 

_mg_1620

Ông Đỗ Mạnh Tuấn – Phó trưởng bộ phận tiền sảnh khách sạn Majestic – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Đỗ Mạnh Tuấn – Phó trưởng bộ phận tiền sảnh khách sạn Majestic – kể câu chuyện một hội nghị người do người Nhật tổ chức ở TP.HCM.

Lịch ghi bắt đầu 9 giờ thì đúng 9 giờ tổ chức, dù ít hay nhiều người. Ông Tuấn cho biết nhiều sinh viên khi ra trường mới đi làm không quan tâm đến những chuyện nhỏ như đúng giờ, nhưng đây lại là điểm trừ rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng.

“Ngoại ngữ tốt cũng là điều các bạn trẻ học nghề ngày nay cần cải thiện mới có thể cạnh tranh không chỉ với lao động trong nước, mà còn trong khu vực”, ông Tuấn nói.

Để các bạn trẻ biết hơn đến giáo dục nghề nghiệp, ông Tuấn cho rằng các trường nghề có thể thường xuyên đến các trường phổ thông để cho các em hình dung cụ thể từng ngành như thế nào.

Chẳng hạn, khi thấy tận mắt và hiểu rõ nghề bếp, các em mới có thể bắt đầu yêu thích và lựa chọn đi theo.

TRỌNG NHÂN
TTO