TP.Thủ Đức sẽ hiện thực hoá ‘giấc mơ’ công nghệ cao?
TP.Thủ Đức sẽ hiện thực hoá ‘giấc mơ’ công nghệ cao?
TP.Thủ Đức được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM thực hiện “giấc mơ” chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ… mà gần 2 thập kỷ qua loay hoay chưa thành hiện thực.
Còn nhiều dư địa phát triển
Trong phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 – 2021, UBND TP chỉ rõ: việc sáp nhập 3 quận ở phía đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có gồm: Khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (CNC, sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng…
Thực tế, định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ, CNC đã được TP.HCM đặt ra từ những năm 2000, khi thành lập Khu CNC đầu tiên có tổng diện tích 913 ha tại Q.9. Theo tầm nhìn và kế hoạch phát triển, đến năm 2020, Khu CNC sẽ trở thành một trung tâm CNC mạnh của cả nước, nơi cung cấp và nuôi dưỡng những cơ hội sáng tạo khoa học, công nghệ, đóng góp quan trọng để TP.HCM trở thành một trung tâm toàn diện, xứng tầm với các TP lớn trong khu vực Đông Nam Á. Nâng giá trị sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC đạt 35% tổng GRDP của TP. Thế nhưng tổng kết năm 2019, giá trị sản xuất sản phẩm của Khu CNC ước đạt 17 tỉ USD, chiếm khoảng 25 – 27% trên tổng GRDP của TP, chưa đạt mức kỳ vọng 35%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, lý giải nguyên nhân TP chật vật suốt 2 thập kỷ chưa thành công trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế sang hướng CNC là do 3 điểm nghẽn lớn: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về thể chế, ngoài những bất cập cố hữu trong bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương qua trình tự thủ tục nhiêu khê, gây khó khăn rất lớn trong thu hút đầu tư hay phát triển các dự án lớn. Về hạ tầng, cả hạ tầng “cứng” là mạng lưới giao thông, đô thị, thoát nước, cấp điện… cho tới hạ tầng “mềm” gồm viễn thông, mạng, tài chính, tín dụng… và các loại hạ tầng xã hội còn yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Điểm nghẽn thứ ba là chất lượng nguồn nhân lực. TP hiện thiếu trầm trọng nhân lực kỹ thuật cao, tay nghề cao, thiếu chuyên gia, kỹ sư… để phục vụ các công ty lớn về công nghệ.
Ông Châu nhận định TP.Thủ Đức có thể khắc phục hết những điểm nghẽn hiện nay. Cụ thể, Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng TP “mới” phía đông TP.HCM và chắc chắn sẽ có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi được ban hành. Những văn bản pháp luật vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện tính liên thông, đồng bộ cao hơn trước. Điểm nghẽn về thể chế sẽ từng bước được tháo gỡ từ nay đến 2023.
Trong khi đó, những công trình giao thông trọng điểm như tuyến metro số 1, đường vành đai 2, vành đai 3, nút giao thông ĐH Quốc gia… “ôm trọn” khu vực Q.9 đang được xúc tiến triển khai. Sau khi hoàn thành, các công trình này sẽ tạo nên bức tranh hạ tầng tương đối hoàn thiện, đặt nền móng vững chắc để TP.Thủ Đức phát triển. Đồng thời, Q.9 hiện còn nhiều quỹ đất để phát triển, khu cù lao Long Phước cũng vừa được xác định quy hoạch trở thành hậu cần cho Khu CNC, nơi “đáng sống” cho các chuyên gia.
Cùng với đó, Khu CNC Q.9 nằm ngay sát khu đại học, thuận tiện cho việc đào tạo, thu hút, rèn luyện tay nghề cho nguồn nhân lực cao.
Nước đi “2 trong 1”
Theo TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TP.Thủ Đức là ý tưởng đã được nêu ra từ những năm 2006 – 2007. Bắt nguồn từ vị trí “địa kinh tế” – khu Đông nằm trên 2 con sông Đồng Nai và Sài Gòn – TP.Thủ Đức có rất nhiều thuận lợi để xây dựng khu đô thị đổi mới sáng tạo với “cái lõi” là khu đô thị Thủ Thiêm, Khu CNC, ĐH Quốc gia, Công viên văn hóa dân tộc ở Q.9. Việc sáp nhập 3 quận thành TP.Thủ Đức là một nước đi “2 trong 1”: vừa giải quyết bài toán quy hoạch phát triển đô thị tầm cỡ, vừa gắn với nó là đô thị khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, chủ trương là điều kiện cần. Muốn TP.Thủ Đức thật sự phát triển xứng với tiềm năng, phải đảm bảo 3 điều kiện đủ: Thứ nhất là công tác quy hoạch tốt. Cần hướng tới hình thành các trung tâm công nghiệp, CNC, trung tâm khoa học trên cơ sở Khu CNC hiện hữu tại Q.9. Thứ hai là mô hình tổ chức chính quyền phải phù hợp với sự năng động, sáng tạo, tự chủ của một khu đô thị có tầm cỡ. Cuối cùng là chính sách phát triển đổi mới sáng tạo về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng phần mềm, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý định hướng phát triển CNC là đúng, song không nên dàn trải, ngành nào cũng muốn kêu gọi, thu hút mà phải xác định mục tiêu trọng tâm một vài ngành trọng điểm để tập trung đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực tương xứng. Phát triển CNC không phải chiếm đất để xây hàng loạt khu nhà máy to, đẹp mà phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng đầu tư cho ngành nào, dựa trên căn cứ khoa học, theo xu hướng phát triển của thế giới cũng như tiềm lực mà TP.HCM có thể đáp ứng được.
Về chính sách thu hút đầu tư, theo bà Phạm Chi Lan, muốn đón “đại bàng” bên ngoài vào thì Việt Nam cũng phải có các đơn vị, doanh nghiệp (DN), cá nhân giỏi để làm cùng họ, tham gia vào hệ thống quản lý. Đồng thời, cần phát triển các DN Việt từ vai trò phụ trợ dần dần lên cộng tác đắc lực và sau đó nằm trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị tại Việt Nam.
Ngoài ra, không nên chỉ chăm chăm thu hút các DN nước ngoài mà phải có ưu tiên, khuyến khích các DN, đơn vị tại Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hoặc có tiềm năng làm công nghệ. Kéo “đại bàng” về thì phải làm sao để đại bàng sinh ra một đàn đại bàng, không phải sinh ra đàn “chim sẻ”.
HÀ MAI
TNO