Quan hệ EU – Nga: Mập mờ cũ
Quan hệ EU – Nga: Mập mờ cũ
Việc EU chính trị hóa vấn đề sức khoẻ của thủ lĩnh phe đối lập ở Nga Alexei Navalny cho thấy sự mập mờ cũ trong chiêu thức ứng xử của EU với Nga.
Hiện có sự dè chừng, nghi ngại lẫn nhau giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Nga liên quan diễn biến tình hình chính trị quyền lực và xã hội nội bộ ở Belarus. Thêm vào đó, Nga và EU cũng bất đồng về tình trạng sức khỏe của thủ lĩnh phe đối lập ở Nga Alexei Navalny.
Chuyện ở chỗ ông Navalny vừa được Đức đón sang chữa bệnh. Ở Nga, các thầy thuốc Nga khẳng định ông Navalny không hề bị đầu độc. Vừa sang tới Đức, người này được xét nghiệm với kết quả là có khả năng đã bị đầu độc.
Ngay lập tức, chuyện bệnh tình của ông Navalny được chính trị hóa. Xưa nay, những chuyện như thế không hiếm dù trắng đen khó phân minh, nhưng đã có khá nhiều tiền lệ giữa EU với Nga về những vụ việc tương tự. Lần nào cũng vậy, EU hay một số thành viên EU điều tra riêng chứ không mời Nga tham gia điều tra và rồi đều đi đến kết luận là cáo buộc Nga đứng sau vụ việc, dù phía cáo buộc không đưa ra được bất cứ chứng cứ cụ thể nào để chứng minh.
Sự mập mờ này được EU và một số nước thành viên tận dụng triệt để ở những mức độ khác nhau như công cụ gây áp lực trong các mối quan hệ của họ với Nga, cụ thể trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền.
Mục đích chính EU là cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin về chính trị và tác động trực tiếp tới tình hình chính trị xã hội ở Nga, hậu thuẫn những lực lượng đối lập, qua đó tạo sức ép đối với ông Putin. Việc sử dụng chiêu thức cũ này cho thấy EU nói chung và một số thành viên EU nói riêng vẫn chưa hết bế tắc ý tưởng chính sách trong xử lý quan hệ của họ với Nga.
PHẠM LỮ
TNO