24/01/2025

Người nuôi không kham nổi tiền thức ăn, 200ha cá mú bị bỏ đói, chờ giải cứu

Người nuôi không kham nổi tiền thức ăn, 200ha cá mú bị bỏ đói, chờ giải cứu

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng trăm tấn cá mú ở TP Cam Ranh (Khánh Hoà) đang gặp cảnh tồn đọng khiến nhiều người nuôi phải bỏ đói cá vì không kham nổi tiền mua thức ăn.

 

Người nuôi không kham nổi tiền thức ăn, 200ha cá mú bị bỏ đói, chờ giải cứu - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân lo lắng khi cá đã quá lớn nhưng không thể xuất bán được – Ảnh: MINH CHIẾN

Khác với khung cảnh thu mua cá rộn ràng mọi năm, hiện nay vùng nuôi cá mú rất ủ ê vì cá không thể xuất bán được.

Anh Trần Văn Thanh, ở thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) cho biết vài tháng nay việc tiêu thụ cá mú diễn ra rất chậm. Thương lái mua với số lượng có hạn, chỉ khoảng vài trăm ký đến dưới 1 tấn.

Những năm trước, giá cá mú khá ổn định từ 160.000 – 240.000 đồng/kg, nhưng hiện nay vì ảnh hưởng dịch COVID-19, giảm xuống chỉ còn 90.000 – 110.000 đồng/kg tùy loại. Sau khi trừ chi phí khấu hao thì người nuôi lỗ khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg.

“Nhà tôi có 12 ao nuôi cá mú, mỗi ao đầu tư trên 700 triệu đồng. Giờ cá mú rớt giá dữ quá lại tiêu thụ chậm nên còn tồn hơn 7 tấn cá thịt chưa bán được. Để giảm bớt chi phí đầu tư, tôi phải hạn chế cho cá ăn. Trước kia chúng được ăn cách ngày nhưng giờ phải 4 – 5 ngày mới được ăn lại, lượng thức ăn cũng không nhiều như trước”, anh Thanh buồn rầu.

Tương tự, gia đình ông Hồ Văn Hiệp, người cùng thôn Hiệp Thanh, cũng lo lắng vì đang tồn trên 100 tấn cá mú các loại chưa xuất được. Trong đó, 2/3 sản lượng là cá mú đã nuôi được trên 1 năm, trung bình mỗi con đạt trọng lượng từ 1 – 2kg.

“Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên giá cá mú liên tục giảm và không có ai mua, nếu có cũng chỉ mua lẻ được vài tạ. Nhà tôi phải đem một ít lên chợ bán nhưng không lời lãi gì. Vì vậy, gia đình tôi cũng như các hộ nuôi khác đành “bấm bụng” hạn chế cho cá ăn. Không biết cầm cự được bao lâu nữa”- anh Hiệp nói.

Không riêng gì người nuôi, ngay cả thương lái cũng lao đao vì giá cá mú, chị Phạm Ngọc Tỏ, một thương lái tại TP Cam Ranh, cho biết cá mú là mặt hàng tươi sống nên không thể trữ được, buộc phải mua cầm chừng.

“Bây giờ dịch bệnh không thể xuất bán ra nước ngoài, chủ yếu là tiêu thụ trong nước như nhà hàng, khách sạn, các quán ăn… nhưng sức tiêu thụ cũng rất hạn chế”- chị Tỏ cho biết.

Theo Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, hiện toàn thành phố đang nuôi trên 200ha cá mú. Trong đó xã Cam Thịnh Đông là vùng nuôi lớn nhất với trên 100ha, chủ yếu là cá mú lai và sản lượng cá thịt của xã đang tồn đọng ít nhất khoảng 30 tấn.

Người nuôi không kham nổi tiền thức ăn, 200ha cá mú bị bỏ đói, chờ giải cứu - Ảnh 2.

Chương trình giải cứu cá mú tại siêu thị Coopmart Nha Trang – Ảnh: MINH CHIẾN

Nhằm chia sẻ khó khăn người nuôi cá, siêu thị Coopmart Nha Trang cũng đã thực hiện chương trình “Giải cứu cá mú Cam Ranh” từ tháng 7-2020 (với giá 160.000 đồng/kg) đã tiêu thụ được hàng chục tạ cá mú.

Ông Lê Minh Hải – trưởng Phòng kinh tế TP Cam Ranh – cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cá mú Cam Ranh. “Trước mắt sẽ triển khai các chương trình tiêu thụ trong nước, “giải cứu cá mú”, đồng thời kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi cho người nuôi”- ông Hải nói.

Tôm hùm cũng gặp khó

Ngoài cá mú, người nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa cũng gặp nhiều khó khăn do giá tôm xuống thấp, hiện chỉ từ 450.000 – 500.000 đồng/kg tôm hùm xanh loại 1.

Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị siết chặt, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến thị trường tiêu thụ trong nước.

 

MINH CHIẾN
TTO