23/12/2024

Mở nút thắt đón ‘đại bàng’ – Kỳ1: Chật chội, muốn ‘bay’ không dễ

Mở nút thắt đón ‘đại bàng’ – Kỳ1: Chật chội, muốn ‘bay’ không dễ

Ấn Độ tung 5,5 tỉ USD thu hút một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Samsung. VN đã có tổ công tác đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng còn nhiều việc phải gỡ để có thể đón sự chuyển dịch dòng vốn FDI.

 

Mở nút thắt đón đại bàng - Kỳ1: Chật chội, muốn bay không dễ - Ảnh 1.

Nhà máy Samsung trong Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đang phải tìm cách đón những nhà đầu tư lớn – những “đại bàng” – đến VN “làm tổ”, thì có các doanh nghiệp VN đang làm ăn tốt, những dự án tiềm năng sẵn có lại đang khó “bay cao”.

Gọi tên cũ: nút thắt hạ tầng

Khu công nghiệp Tràng Duệ (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Hải Phòng) là một trong những địa chỉ hấp dẫn phía Bắc với không ít nhà đầu tư.

Theo quy hoạch, Tràng Duệ có quy mô 400ha, nhưng đến nay tỉ lệ lấp đầy đã đạt tới 90%, với tổng vốn đầu tư là 10 tỉ USD. Trong đó, LG Display đang trở thành hạt nhân khi chiếm tới gần 9 tỉ USD, với các nhà máy của tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc là LG và chuỗi vệ tinh đi kèm.

Thế nhưng, khi LG muốn mở rộng quy mô, khu công nghiệp hiện hữu lại không thể đáp ứng. Ông Bùi Ngọc Hải, phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, xác nhận với Tuổi Trẻ về việc Hãng LG đã đặt vấn đề mở thêm nhà máy mới ngay tại thời điểm này. Yêu cầu đặt ra chỉ cần thành phố mở thêm đất đai, hạ tầng đảm bảo.

“Thành phố cũng rất sốt ruột. Song để mở rộng diện tích đất phải qua nhiều quy trình, thủ tục. Thành phố đang làm quy hoạch chung để đưa diện tích mở rộng vào, xin ý kiến HĐND, các bộ thẩm định rồi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh, bổ sung. Hi vọng hết quý III, sang quý IV được phê duyệt, chưa kể thời gian để lập quy hoạch riêng cho khu, hoàn thiện hạ tầng” – ông Hải nói.

Đảm nhiệm vai trò là trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM từ đầu năm 2020, ông Nguyễn Anh Thi cũng nhận thấy có nhiều sức ép khi Khu công nghệ cao TP.HCM vốn được xem là “địa chỉ đỏ” hấp dẫn. Nhưng với tỉ lệ lấp đầy đạt tới 85%, quỹ đất còn lại rất khiêm tốn để có thể đón được những dòng vốn chất lượng.

Không chỉ VN hấp dẫn

Giữa tháng 6, trên website của Samsung Vina thông tin về việc tập đoàn này sẽ dời phần lớn dây chuyền sản phẩm màn hình máy tính sang Khu công nghệ cao TP.HCM. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thông tin này ngay sau đó được rút xuống và Samsung không có bất kỳ xác nhận nào.

Thực tế tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều thông tin về khoản đầu tư của Samsung lên tới hàng trăm triệu đôla để mở nhà máy sản xuất màn hình điện thoại thông minh, làm cơ sở cho việc sản xuất màn hình các thiết bị khác tại Ấn Độ cũng đã được các cơ quan chức năng nước này xác nhận và các phương tiện truyền thông đưa tin.

Có rất nhiều lý do để dòng vốn ngập ngừng, thậm chí quay đầu. Ông Nguyễn Đình Nam, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của IPAVIETNAM, nhìn nhận Samsung đang có xu hướng chuyển dịch sang Ấn Độ tốt hơn VN khi nước này có kênh tiếp cận hiệu quả hơn.

Ấn Độ vốn được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ, đặc biệt là VN, bởi không chỉ có thị trường lớn mà nước này còn có chiến lược thu hút đầu tư rất rõ ràng, bài bản. Đơn cử như việc dành quỹ đất, nay Samsung có thể hưởng lợi từ các ưu đãi vốn cao hơn trong 20 năm…

Mở nút thắt đón đại bàng - Kỳ1: Chật chội, muốn bay không dễ - Ảnh 2.

Tránh “trên trải thảm, dưới rải đinh”

Để hấp dẫn vốn ngoại, tăng đầu tư và việc làm trong nước, quan trọng hàng đầu là môi trường đầu tư.

Ông Nguyễn Hải Minh – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) – dẫn chứng một công ty đa quốc gia của Đức được mời gọi, “trải thảm đỏ”, hứa hẹn ưu đãi. Thế nhưng khi thực hiện, Luật đầu tư quy định được hưởng ưu đãi nhưng Luật thuế lại chỉ ưu đãi với công ty thành lập mới. Do đã mở công ty đại diện từ trước, doanh nghiệp này không muốn mở thêm pháp nhân mới, khiến việc hưởng ưu đãi gặp khó.

“Tại sao phải mở hai công ty? Xin mở chi nhánh ở địa phương đầu tư vẫn không được. Hỏi qua hỏi lại hai bộ 7 năm, giờ lại truy thu vài trăm tỉ. Đó là những chuyện mà cộng đồng châu Âu truyền tai nhau, tự nhiên nói đến VN đã là điểm trừ rồi” – ông Minh nói và cho rằng thủ tục hành chính doanh nghiệp FDI than phiền nhiều, đặc biệt với những vấn đề cần hai bộ trở lên giải quyết, thường hay “đổ qua đổ lại”.

Kỳ vọng về tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về thu hút FDI song ông Vũ Tú Thành – phó giám đốc điều hành khu vực thuộc Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) – nhấn mạnh quan trọng nhất là chính sách phát triển doanh nghiệp nội địa, là những “chim sẻ” trong nền kinh tế.

Bởi một trong những lý do các nhà đầu tư FDI công nghệ quan tâm và quyết định đầu tư vào VN là bán được sản phẩm công nghệ. Khi đội ngũ doanh nghiệp Việt còn èo uột, quy mô nhỏ thì không phải là lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia.

Vì vậy ông Thành bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ cắt giảm chi phí kinh doanh, làm lợi cho doanh nghiệp nội địa. Đồng thời, cần thay đổi tư duy về việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp, cần phải nhìn ở góc độ tổng thể.

Thay vì chỉ tập trung thu thuế của doanh nghiệp đầu tư, cần tạo môi trường thúc đẩy các doanh nghiệp cùng phát triển, thúc đẩy thị trường, giúp tăng trưởng các nguồn lực, tăng thêm GDP và tạo việc làm sẽ mang lại lợi ích lớn hơn…

Nhiều rào cản, lại vừa thêm “bệnh” sợ trách nhiệm

Lãnh đạo một tập đoàn lớn của Mỹ đầu tư tại TP.HCM chia sẻ: muốn các “đại bàng” lớn rót vốn, kéo theo chuỗi cung ứng, thì trước hết hạ tầng phải tốt, đất đai phải sẵn sàng, nhân lực dồi dào…

Nhưng quan trọng nhất là môi trường kinh doanh. Cho rằng có tình trạng “đi thụt lùi của chính sách”, vị này cho hay vừa qua dịch COVID-19, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm nhân viên nên cần mở rộng các hệ thống hạ tầng đi kèm. Tuy nhiên, thay vì chỉ cần làm mọi thủ tục qua một cửa trước đây thì nay phải “chạy lòng vòng” qua nhiều cửa.

Xây nhà vệ sinh, nhà gửi xe cũng yêu cầu báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm khi văn bản pháp lý hướng dẫn chưa đầy đủ hoặc không rõ ràng càng gây nên sự trì trệ khiến doanh nghiệp phải “chịu trận”.

Apple tạm hoãn kế hoạch sản xuất iPhone tại VN

Giám đốc đối ngoại Luxshare (Trung Quốc), ông Tang Due Bang, xác nhận đại diện Apple đã đến tham quan nhà máy của Luxshare tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Theo AppleInsider, cơ sở trên là một trong những nơi làm việc cho Apple tại VN.

“Phía Apple liên tục khảo sát điều kiện sản xuất iPhone của xưởng Luxshare tại Bắc Giang… Apple đánh giá cao tiềm năng của Bắc Giang và những người lao động siêng năng” – ông Bang nói và cho biết công xưởng rộng 30ha này được xây trong vòng 5 tháng sau lời yêu cầu mở rộng sản xuất từ phía Apple.

Đầu tư tại Bắc Giang của Luxshare quy mô 28.000 công nhân, Luxshare tính sẽ thu hút thêm khoảng 50.000-60.000 công nhân nếu đạt thỏa thuận sản xuất iPhone cùng Apple.

Tuy nhiên, một phần của cơ sở trên chưa đáp ứng yêu cầu từ Apple, đặc biệt là khu ký túc xá công nhân. Đây được cho là điểm chính khiến Apple không phê duyệt kế hoạch sản xuất iPhone tại đây. Luxshare cũng đang tìm cách mở rộng thêm cơ sở sản xuất với hai lô đất bên ngoài khu công nghiệp. Hai lô đất này đang chờ chính quyền chấp thuận cho xây dựng.

NGUYÊN HẠNH

Cần cải cách mạnh hơn nữa

 

img_3065intel 1(read-only)

Nhà máy của Intel trong Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: HOÀNG AN

Không chỉ các doanh nhân Việt mà cả những “ông lớn” FDI như Intel đều kỳ vọng VN sẽ cải cách quy trình thủ tục hành chính mạnh hơn nữa.

Panasonic được xem là tập đoàn sản xuất điện tử lớn nhất của Nhật Bản dẫn đầu làn sóng chuyển dịch, khi tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở Thái Lan để chuyển sang VN vào cuối tháng 5.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Morita Ken – giám đốc phụ trách nhân sự, kế hoạch, pháp chế, truyền thông và công nghệ thông tin Panasonic Việt Nam – cho biết đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu về sản xuất của hãng.

Lý do: việc sản xuất tại VN và phân phối cho các thị trường mục tiêu sẽ có lợi thế về chi phí hơn so với Thái Lan, giúp Panasonic có thể cung cấp các sản phẩm cạnh tranh hơn.

Lãnh đạo Panasonic cũng đánh giá VN là một nền kinh tế tăng trưởng tích cực, tiềm năng cho cả nội địa và xuất khẩu. 4/5 mảng lĩnh vực của Panasonic đã dược đầu tư vào VN với 5 nhà máy.

Với những nhà đầu tư Mỹ, việc dịch chuyển ở quy mô lớn được đánh giá thận trọng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kim Huat Ooi – phó chủ tịch, tổng giám đốc Intel Products Việt Nam (IPV) – cho biết nhà máy đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM là nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) lớn nhất trong hệ thống của Intel toàn cầu.

Tháng 3 vừa qua, IPV đạt mốc cho xuất xưởng sản phẩm thứ 2 tỉ, cho thấy vai trò quan trọng của sản xuất tại VN. Tuy nhiên, do đây là nhà máy với tiêu chuẩn công nghệ, công suất lớn nhất trong hệ thống ATM nên đòi hỏi phải đáp ứng yếu tố năng lực và năng suất, gắn với nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Chúng tôi luôn chủ động trao đổi các đề xuất với các cấp để cùng tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục, mong muốn các cơ quan Chính phủ nên cải thiện sự chồng chéo quy trình xử lý các thủ tục và vận hành linh hoạt hơn trong cách xử lý các quy định cụ thể, đặc biệt với quy định chưa có hướng dẫn cụ thể” – ông Kim nói.

Tiềm năng từ những “đại bàng” đã đến

Kể câu chuyện một số tập đoàn đa quốc gia đang có nhà máy tại Trung Quốc đến Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM thăm dò đầu tư, ông Nguyễn Anh Thi cho rằng không dễ để họ “bê nguyên” nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam.

“Họ có chiến lược lâu dài, ít nhất giảm dần đầu tư, sản lượng ở nhà máy cũ và xúc tiến kế hoạch đầu tư nhà máy mới với quá trình tới hàng chục năm” – ông Thi nói. Ông này cũng cho rằng xu hướng chuyển dịch rõ nhất hiện nay không phải là các “đại bàng mới” mà là những “đại bàng” đang hiện hữu.

Bằng chứng thực tế là nhiều doanh nghiệp nằm trong Khu Công nghệ cao TP.HCM trước đây có vị trí không cao trong chuỗi cung ứng nay đã nhận được đơn hàng nhiều hơn từ các tập đoàn đa quốc gia.

NGỌC AN
TTO