Viễn cảnh chiến tranh tàng hình
Viễn cảnh chiến tranh tàng hình
Không quân Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến phối hợp các nền tảng khí tài tàng hình nhằm đối phó những hệ thống phòng không tối tân của các thế lực quân sự thời nay.
Để chọc thủng các lá chắn phòng không thời hiện đại, không quân Mỹ đang tư duy nội dung tác chiến mới, dựa trên hoạt động phối hợp giữa các nền tảng khí tài tàng hình như tiêm kích F-35, oanh tạc cơ B-2 và “Quái thú Kandahar” – biệt danh của dòng máy bay không người lái bí ẩn RQ-170.
Đây là một phần của báo cáo không quân có tựa đề “Sự kiện diễn tập không lực quy mô lớn” (LFTE), mà Đài Fox News vừa đăng tải. Báo cáo được thực hiện với mục tiêu khám phá các công nghệ “chưa từng triển khai”, như phần mềm, vũ khí và chiến thuật…
Diễn tập bộ ba tàng hình
“LFTE phân tích các chiến thuật và xác suất thành công của F-35 trong việc nâng cao năng lực “Đè bẹp phòng không đối thủ” (SEAD) nhằm hỗ trợ cho các nền tảng tàng hình (LO), bao gồm B-2 và RQ-170, trong phạm vi tác chiến trên thực tế”, báo cáo ghi rõ.
Không hề ngạc nhiên khi các nền tảng tàng hình trên được sắp xếp phối hợp tác chiến với nhau dựa trên các kịch bản chiến thuật cụ thể, điểm đặc biệt của LFTE là xoáy vào nghiên cứu các công nghệ đang trỗi dậy, và các ứng dụng chưa từng được triển khai trước đây. Dựa vào thông tin thu được, năng lực của các dòng máy bay chiến đấu tàng hình sẽ được phân tích kỹ lưỡng và vận dụng nhuần nhuyễn hơn khi tung vào thực chiến.
Cụ thể, không quân Mỹ đã tiến hành diễn tập LO từ ngày 4 – 6.8 tại căn cứ không quân Nellis ở bang Nevada, theo website của không quân Mỹ. Thiếu tá Theodore Ellis, một chỉ huy cấp phi đội của không quân Mỹ, cho hay cuộc diễn tập đã nêu lên một số câu hỏi, như khả năng tích hợp hệ thống và chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng tàng hình. Qua việc phối hợp này, không quân Mỹ bám sát mục tiêu thành lập mạng lưới các máy bay có thể tương tác với nhau, vừa cho phép chiến đấu độc lập, vừa đóng vai trò là các mắt xích trong một hệ thống rộng hơn. Chẳng hạn, tiêm kích F-35 có thể chia sẻ thông tin với F-22, gia tăng năng lực tác chiến của cả hai.
Bên cạnh đó, RQ-170 cũng truyền dữ liệu định vị, thông tin của mục tiêu hoặc những tin tức tình báo trực tiếp cho các nền tảng khí tài khác mà không cần thông qua trung tâm điều phối, hạn chế được thời gian khai hỏa của vũ khí. Năng lực này được dự kiến sẽ càng tăng mạnh với việc cài đặt trí thông minh nhân tạo vào các hệ thống, cũng như bổ sung thêm các cảm biến phân tích thông tin và tăng mức độ bảo mật. Theo hướng tiếp cận này, bản thân thông tin sẽ trở thành vũ khí then chốt để giành phần thắng trong chiến tranh.
Viễn cảnh B-21 gia nhập
Ngoài việc gia tăng năng lực tương tác giữa F-35, B-2, RQ-170, cuộc diễn tập còn tập trung vào SEAD, nhằm đối phó các hệ thống phòng không tối tân như S-500 của Nga. Theo kế hoạch, RQ-170 sử dụng công nghệ tàng hình để tìm ra lá chắn phòng không của đối thủ, kế đến gửi dữ liệu mục tiêu cho F-35 gần đó để nhanh chóng giáng đòn tấn công. F-35 cũng được kiểm tra năng lực mở ra “hành lang an toàn” cho B-2 hoặc tiêm kích thế hệ thứ 4 tham chiến. Trong tương lai, một khi dòng máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới là B-21 được bổ sung cho các lực lượng, kịch bản sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm tăng cường lợi thế tấn công tàng hình của không quân Mỹ.
Theo tạp chí The National Interest dẫn nguồn thạo tin, phần mềm của B-21 sẽ rút ngắn đáng kể thời gian “phát hiện-và-khai hỏa”. Một chuyên gia tàng hình, trung tướng đã về hưu David Deptula, trưởng khoa Viện Mitchell về nghiên cứu hàng không vũ trụ, trụ sở tại Arlington, bang Virginia, gọi cách tư duy trên của không quân Mỹ là biện pháp sống còn, cho phép các nền tảng tàng hình tồn tại trong thời đại kỹ thuật số.
Không quân Mỹ cũng tiến hành nâng cấp phần mềm cho B-2, cụ thể là trang bị bộ xử lý máy tính nhanh gấp 1.000 lần cho dòng oanh tạc cơ, chuẩn bị sẵn sàng để kết nối với dòng B-21 được trang bị phần mềm cảm biến và xử lý dữ liệu tối tân.
THUỴ MIÊN
TNO