24/01/2025

Mông Cổ trong vòng xoáy ‘tam quốc’

Mông Cổ trong vòng xoáy ‘tam quốc’

Với dân số hơn 3,2 triệu người, Mông Cổ chật vật giữa cuộc đua tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 /// AFP
Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19  AFP
Các động thái của Trung Quốc, Nga và Mỹ ở lục địa Á – Âu đặt chính phủ Mông Cổ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nhưng vẫn cố giữ lập trường trung lập với chiến lược “nước láng giềng thứ 3”, theo tờ South China Morning Post.

Dè dặt trước Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Hình ảnh Mông Cổ trong cuộc đua tranh giành sức ảnh hưởng của các nước lớn được thể hiện rõ qua vai trò “quan sát viên” trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vốn là một liên minh chính trị, kinh tế và an ninh lục địa Á – Âu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov hồi tháng 7 kêu gọi Mông Cổ làm thành viên chính thức của SCO, tuy nhiên ông khẳng định Nga không có ý định gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn của Mông Cổ.
Các nhà phân tích nhận định Mông Cổ lo ngại việc gia nhập SCO sẽ bị chỉ trích là chống phương Tây, đe dọa mối quan hệ của nước này với Mỹ lẫn phương Tây. Chuyên gia Mendee Jargalsaikhan thuộc Quỹ châu Á – Thái Bình Dương (Canada) cho rằng với danh tiếng “chống lại phương Tây” của SCO, Mông Cổ khó có thể sớm hành động theo lời kêu gọi từ Nga.

“Tam quốc” tranh giành sức ảnh hưởng

Đang giữ ghế Chủ tịch SCO năm nay, Nga muốn chào đón Mông Cổ làm thành viên chính thức SCO vì quân đội Mông Cổ nhận vũ khí, tập trận chung thường niên với Nga kể từ năm 2008, theo chuyên gia Dmitry Stefanovich tại Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (Nga).
Nga đồng thời thúc đẩy việc mở rộng SCO, bao gồm tái cân nhắc nỗ lực xin làm thành viên của Iran. “Những động thái này cho thấy Nga muốn giữ vị thế dẫn đầu trong SCO, cùng lúc làm giảm sức ảnh hưởng và quyền lực mềm của Trung Quốc trong tổ chức này”, chuyên gia Raffaello Pantucci tại Viện Nghiên cứu RUSI (Anh) nhận định.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác và kêu gọi Mông Cổ gia nhập SCO kể từ khi ông Khaltmaagiin Battulga nhậm chức tổng thống hồi năm 2017, theo AFP. Chuyên gia Pantucci cho rằng Trung Quốc cũng muốn Mông Cổ là thành viên SCO nhằm loại trừ “khuynh hướng nghiêng về phương Tây”. Bên cạnh đó, Bắc Kinh lo ngại Mông Cổ có thể trở thành cơ sở để phương Tây “can thiệp hoặc thúc đẩy nền dân chủ ở sân sau của Trung Quốc”, theo ông Pantucci.
Tuy Mỹ không quan tâm nhiều đến SCO, nhưng Washington muốn Mông Cổ duy trì thể chế dân chủ và tăng cường mối quan hệ với các quốc gia khác, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo chuyên gia Alicia Campi thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Chuyên san Nikkei Asian Review đánh giá SCO chưa đủ sức hấp dẫn để Mông Cổ phải quyết định gia nhập. Theo ông Campi, sức ảnh hưởng của SCO đã bị suy giảm do không có quy tắc rõ ràng nhằm bảo vệ thành viên về mặt chính trị lẫn quân sự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Do đó, Mông Cổ vẫn giữ vai trò “quan sát viên” của SCO suốt 16 năm qua, tiếp tục duy trì chính sách “nước láng giềng thứ 3” và nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác với các nước phương Tây. Bên cạnh Nga, Trung Quốc, các quốc gia được Mông Cổ xem là “láng giềng thứ 3” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) và Hàn Quốc.
Được thành lập năm 2001, SCO ban đầu bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, sau đó Ấn Độ và Pakistan gia nhập năm 2017. SCO có 4 quốc gia tham gia với vai trò “quan sát viên” là Afghanistan, Belarus, Iran, Mông Cổ và 6 đối tác đối thoại gồm Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài những cuộc tập trận chung chống khủng bố và mối đe dọa an ninh khác, các quốc gia thành viên SCO còn hợp tác để giải quyết nạn buôn bán ma túy và đảm bảo an ninh mạng.
PHÚC DUY
TNO