Thủ tướng: Quyết liệt hơn nữa để giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng: Quyết liệt hơn nữa để giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng lưu ý rằng các trở ngại, khó khăn đã được các bộ, ngành, địa phương chỉ ra, phải nhanh chóng được xử lý dứt điểm.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, bộ, ngành bàn giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được tổ chức sáng qua 21-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chỉ sau một tháng triển khai quyết liệt và đồng bộ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước trong công tác điều hành, giám sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, vẫn còn đến 31 bộ, cơ quan trung ương và 13 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 35%, đặc biệt là các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần “nghiêm túc chấn chỉnh, thay đổi quyết liệt hơn nữa” vì đây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị cũng như người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
Với 350.000 tỉ đồng (tương đương 55% tổng vốn đầu tư công năm 2020) còn lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc ở các dự án, giải ngân hết trong năm nay để hoàn thành mục tiêu giải ngân 630.000 tỉ đồng vốn đầu tư công của năm 2020.
Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao trong những tháng cuối năm.
Thủ tướng lưu ý rằng các trở ngại, khó khăn đã được các bộ, ngành, địa phương chỉ ra, từ việc giao kế hoạch vốn còn bất cập, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều nơi thực hiện còn chậm hay quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, thanh quyết toán còn phức tạp… phải nhanh chóng được xử lý dứt điểm.
Lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đang có các dự án trọng điểm phải quyết liệt thực hiện, “tránh trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm thủ tục vừa khởi công”.
Đặc biệt, ông yêu cầu không được để xuất hiện tình trạng thông thầu, gian lận, hối lộ, vi phạm công chức trong quá trình giải ngân.
“Dù có phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng không thể để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, để có khối lượng mà bỏ qua quy trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Gặp khó trong khâu giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31-7-2020 hơn 193.000 tỉ đồng, đạt 40,9% kế hoạch. Ước giải ngân đến 31-8-2020 sẽ trên 221.000 tỉ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% kế hoạch, vốn ngân sách địa phương đạt 55,1%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng khó khăn nhất trong việc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương là công tác giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù còn nhiều vướng mắc.