24/01/2025

Lúng túng với điện mặt trời nông nghiệp

Lúng túng với điện mặt trời nông nghiệp

Ngoài lý do vượt khả năng giải toả của lưới điện, nhiều dự án điện mặt trời (ĐMT) kết hợp với sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được ngành điện lực ký hợp đồng mua bán điện với lý do chưa xác định đây là ĐMT áp mái hay ĐMT mặt đất.

 

Lúng túng với điện mặt trời nông nghiệp - Ảnh 1.

Các công nhân trồng đinh lăng tại một dự án điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông – Ảnh: NGỌC HIỂN

Sau khi Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, hàng ngàn dự án đã được đầu tư và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán điện với điện lực do vướng mắc trong xác định loại hình này.

Áp mái hay mặt đất?

Để tận dụng không gian trang trại của dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV thương mại tổng hợp CAS đã đầu tư hệ thống ĐMT trên mái nhà với tổng công suất cả cụm dự án gần 3MW. Thay vì lắp mái tôn, chủ đầu tư dự án này lắp tấm pin trên khung đỡ làm mái nhà để cây trồng bên dưới vẫn có ánh sáng.

Tuy nhiên, sau gần một năm đưa vào hoạt động, dự án này vẫn chưa được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) ký hợp đồng mua bán điện, mà chỉ ghi nhận sản lượng phát lên lưới của EVN với lý do không lắp tấm pin mặt trời trên mái trong khi chưa có quy định về việc lắp tấm pin thay thế cho mái nhà. Số tiền từ ĐMT đã ghi nhận đến nay khoảng 15-16 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp (DN) này vẫn chưa được nhận.

“Việc thay mái tôn bằng tấm pin mặt trời vừa giảm sử dụng vật liệu xây dựng ảnh hưởng môi trường vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp chứ không phải làm mái thấp, lắp thêm tấm lợp để được thanh toán tiền điện” – bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú, giám đốc Công ty CAS, nói. Đồng thời cho biết nếu lắp thêm tôn chống nóng lên mái trước khi lắp các tấm pin năng lượng sẽ che mất ánh sáng và làm tăng nhiệt độ bên dưới, ảnh hưởng đến cây trồng.

Ông L. – tổng giám đốc một DN – cho biết đã đầu tư một số dự án nông nghiệp kết hợp với ĐMT trên mái nhà tại khu vực Tây Nguyên, nhưng đến nay vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với EVN do chưa có tiêu chuẩn phân biệt đâu là dự án ĐMT mái nhà (với giá bán điện hiện nay là 1.943 đồng/kWh) và đâu là ĐMT mặt đất (giá 1.644 đồng/kWh).

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiến (chủ trang trại nông nghiệp hữu cơ Tân Tiến, Bình Thuận) cũng cho biết đã đầu tư 12 dự án ĐMT, đưa vào vận hành từ năm 2019 nhưng đến nay chỉ có 2 dự án được ký hợp đồng với EVN. 10 dự án còn lại mới chỉ được gắn đồng hồ và ghi nhận sản lượng lên lưới do EVN chưa xác định được đây là dự án ĐMT áp mái hay ĐMT mặt đất.

Lúng túng với điện mặt trời nông nghiệp - Ảnh 2.

Trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời trên mái nhà tại Ninh Thuận của một doanh nghiệp vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán điện – Ảnh: C.T.

Trang trại bị vướng

Ông Trần Anh Đông – giám đốc Công ty TNHH Giải pháp điều khiển và tự động hóa (nhà đầu tư ĐMT) – cho biết việc yêu cầu các dự án ĐMT kết hợp với nông nghiệp phải lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái tôn là yêu cầu “phản khoa học”.

“DN làm nông nghiệp hữu cơ muốn tận dụng ánh sáng nên chỉ lắp tấm pin mặt trời mà không lắp đặt thêm mái tôn để tiết kiệm chi phí, bảo đảm tuổi thọ của tấm pin. Trong khi đó, để “hợp thức”, một số DN bắn mái tôn lên là có thể ký hợp đồng dù công trình xây dựng đơn giản hơn” – ông Đông nói.

Tuy vậy, giám đốc một DN đầu tư ĐMT thừa nhận đang có tình trạng nhiều DN chạy đua xây dựng ĐMT kết hợp với nông nghiệp để hưởng giá ưu đãi. Chưa kể một số DN còn xây dựng cụm dự án với tổng công suất lên đến 4 – 5MW để né quy định không làm thủ tục bổ sung quy hoạch với các dự án có công suất dưới 1MW. “Chính sách vẫn chưa rõ ràng, thiếu nhất quán nên cả ngành điện lẫn các DN đều lúng túng” – vị này khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Quang Lâm – phó tổng giám đốc EVN – cho biết ngành điện vẫn chưa thể ký hợp đồng và thanh toán tiền điện cho trang trại Tân Tiến và Công ty Cas do chưa xác định được giá mua điện từ hệ thống này là ĐMT mái nhà hay ĐMT mặt đất theo quyết định số 13. Nhiều hệ thống ĐMT theo hình thức trang trại nông nghiệp tương tự cũng bị vướng về vấn đề này.

“EVN đã đề nghị Bộ Công thương sớm hướng dẫn các tiêu chí để phân biệt giữa hệ thống ĐMT mái nhà và ĐMT mặt đất” – ông Lâm cho biết. Trong văn bản gửi Bộ Công thương vào ngày 10-8, EVN tiếp tục đề nghị bộ này có văn bản hướng dẫn nhằm gỡ rối đối với các dự án ĐMT mái nhà theo hình thức trang trại nông nghiệp.

Điện mặt trời áp mái phát triển nóng

Thông tin từ EVN cho biết chỉ trong tháng 7-2020, cả nước đã có 19.810 dự án ĐMT trên mái nhà được lắp đặt với công suất 541,66 MWp, chiếm hơn 50% công suất các dự án ĐMT trên mái nhà lắp đặt từ trước đến nay (925,8 MWp), với tổng số tiền điện mà EVN đã thanh toán cho khách hàng là 374,2 tỉ đồng.

Ngoài ra, có 4.850 dự án ĐMT trên mái nhà với tổng công suất 2.860 MWp đăng ký thực hiện trong năm 2020, nhưng EVN không thỏa thuận đấu nối 759 hệ thống với tổng công suất 640 MWp do vượt khả năng giải tỏa của lưới điện.

Chờ Bộ Công thương gỡ vướng

Tại cuộc họp tháo gỡ vướng mắc cho ĐMT mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết việc Chính phủ đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển ĐMT nhằm tăng nhanh công suất ĐMT trong thời gian ngắn.

Trong đó, chính sách giá ĐMT mái nhà (theo quyết định 13 thay thế quyết định 11) là 8,38 cent/kWh (tương đương khoảng 1.943 đồng/kWh), cao hơn giá ĐMT mặt đất (1.644 đồng/kWh), có hiệu lực đến hết năm 2020 nhằm khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà để tiết kiệm nguồn tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.

Ông Vượng thừa nhận việc triển khai quyết định 13 có những khó khăn, vướng mắc nhất định trong thực tế. Do đó Bộ Công thương sẽ rà soát và sớm có văn bản hướng dẫn để ngành điện khỏi lúng túng trong việc xác định hình thức đầu tư nhằm áp chính sách giá cho phù hợp.

NGỌC HIỂN
TTO