24/12/2024

Gói hỗ trợ lần 2: Nên mở rộng đối tượng được hỗ trợ

Gói hỗ trợ lần 2: Nên mở rộng đối tượng được hỗ trợ

Sau khi Bộ LĐ-TB & XH đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó do dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng cần mở rộng nhóm người lao động được hỗ trợ, đồng thời loại bỏ các điều kiện quá khắt khe.

 

Gói hỗ trợ lần 2: Nên mở rộng đối tượng được hỗ trợ - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Ngọc (60 tuổi, bán bánh hàng rong ở TP.HCM đã 25 năm, quê Bình Định) cho biết vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

* Ông Lê Quang Trung (nguyên cục phó Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH):

Bớt đi điều kiện khắt khe

Ngay cả việc có thêm gói hỗ trợ đợt 2 vẫn chưa thể bao trùm hết các đối tượng người lao động, bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, kéo dài. Theo tôi, các địa phương có thể chấp nhận “bội chi”, thậm chí đi vay để mở rộng hỗ trợ người lao động, những người dân yếu thế.

Các cơ quan chức năng cũng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện và sửa đổi những thủ tục, điều kiện được hưởng hỗ trợ. Phải làm sao để nhiều đối tượng được tiếp cận tiền hỗ trợ chứ không nên đưa ra nhiều điều kiện quá khắt khe. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện, như có chính sách bảo lãnh tín dụng, “thưởng lãi suất”… để khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

* TS Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên viện trưởng Viện KH-LĐ&XH)

Khai báo qua phần mềm để nhận hỗ trợ

Việc có thêm 1 gói hỗ trợ nữa cho người lao động là cần thiết. Tuy nhiên, các nhóm lao động bị ảnh hưởng khác nhau, mỗi người lại có hoàn cảnh riêng, thời gian phục hồi khác nhau… Việc cào bằng hỗ trợ cũng như các thủ tục như gói hỗ trợ lần 1 là chưa hiệu quả.

Muốn xác định mức độ bị ảnh hưởng của các nhóm nêu trên một cách nhanh chóng và chính xác, cần ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm khai báo như phần mềm Bluezone. Người lao động sẽ sử dụng phần mềm để khai báo xem mức độ ảnh hưởng như thế nào, bao nhiêu người liên quan bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng sẽ thẩm định lại những thông tin này để có những hỗ trợ chính xác hơn, đồng thời lưu trữ những thông tin này để làm cơ sở cho công tác hỗ trợ, đào tạo nghề…

Việc hỗ trợ nên thông qua các trung tâm việc làm, thay vì qua địa phương sẽ không hiệu quả, dễ bị cào bằng.

* Ông Phạm Anh Thắng (trưởng đại diện VP Bộ LĐ-TB&XH tại phía Nam):

Tập trung hỗ trợ nhóm giảm sâu thu nhập

Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dự báo cuối quý 3 và quý 4, tỉ lệ lao động mất việc làm sẽ tiếp tục tăng mạnh. Do vậy, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, việc đưa ra gói hỗ trợ thứ 2 đối với người lao động bị mất việc, kể cả lao động có hợp đồng lẫn lao động khu vực phi chính thức, là cần thiết.

Tuy nhiên, để kịp thời hỗ trợ người lao động, cần nới lỏng các điều kiện để người mất thu nhập có thể dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ. Với các đối tượng còn lại (gia đình chính sách, có công, hộ nghèo…) nên căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh để có giải pháp hỗ trợ, vì nhóm người mất việc, mất thu nhập rất lớn.

* Ông Phan Đình An (chủ tịch UBND P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Cần phương án hỗ trợ hiệu quả, căn cơ

Với gói hỗ trợ đợt 2, cần xét mở rộng đối tượng chưa được nhận hỗ trợ đợt 1, đồng thời nới lỏng điều kiện xác minh, xét duyệt. Bởi ngoài những người bán hàng rong, thợ sửa xe, bán vé số… được hỗ trợ đợt 1, còn nhiều người như bưng bê, bốc vác, thợ hồ, phụ hồ… cũng bị ngưng việc do dịch bệnh nhưng chưa được hỗ trợ.

Đặc biệt, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả, căn cơ hơn bởi việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền vừa khó khăn cho cơ quan chức năng lại không thuận lợi cho đối tượng nhận hỗ trợ (phải chứng minh đủ điều kiện). Theo tôi, nên có chính sách cho vay tín chấp, không tính lãi, với mức vay thấp… đảm bảo giải quyết nhu cầu bữa ăn, sinh hoạt tối thiểu cho người gặp khó.

Ngoài ra, có thể hỗ trợ thông qua việc giảm giá trực tiếp trên nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… vừa kích cầu vừa giúp người nghèo, người khó khăn có được hàng hóa thiết yếu hằng ngày.

* Ông Lê Minh Tấn (giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM):

Đề xuất thêm 7 nhóm lao động được hỗ trợ

Thực tế thực hiện gói hỗ trợ lần 1 tại TP.HCM cho thấy ngoài 7 nhóm đối tượng hỗ trợ được đưa ra trong quyết định 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ, còn nhiều ngành nghề chưa được đề cập, nhiều người lao động tự do gặp khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ dù đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Do đó, sở đã kiến nghị TP xem xét thêm 7 nhóm công việc khác chịu ảnh hưởng bởi dịch (như giúp việc, bảo vệ, bưng bê, chăm sóc sức khỏe…), đồng thời đề xuất thay đổi nhiều quy định được cho là khó khăn, quá ngặt nghèo. Chẳng hạn, với quy định người dân cần phải có xác nhận chưa nhận hỗ trợ ở nơi thường trú hoặc tạm trú, sở đề xuất chỉ cần quy định người dân có mặt tại nơi đăng ký nhận hỗ trợ, kèm theo cam kết chưa nhận hỗ trợ ở địa phương khác để được xem xét. Khi đó, người dân mới được tạo điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn.

V.THỦY

Chỉ… nghe nói, không thấy tiền hỗ trợ

Nhiều người lao động nghèo, bị mất thu nhập do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã không nhận được khoản tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng vì nhiều thủ tục, điều kiện khó khăn.

Không được hỗ trợ vì không phải hộ nghèo

Bán hàng rong ở khu vực trung tâm TP.HCM hơn 5 năm nay, chị Kim Cương (quê miền Trung) cho biết từ sau tết đến giờ hầu như không buôn bán được do dịch Covid-19, trong khi tiền trọ lên tới 2 triệu đồng/tháng. “Nhưng muốn nhận được hỗ trợ, vợ chồng tui phải làm xác nhận chưa nhận được hỗ trợ ở quê, mà tiền đâu chạy ra chạy vô trong khi tiền hỗ trợ cũng không nhiều”, chị Kim Cương cho biết.

Chị Trần Thị Xuân Hương (bán hàng rong ở TP.HCM) cho biết khi TP giãn cách xã hội, chị về lại quê nhưng địa phương từ chối hỗ trợ với lý do gia đình chị buôn bán và có con đi làm, trong khi con trai mới ra trường đi làm cũng phải về nằm nhà vì mất việc. Ông Long – một người dân chạy xe ôm ở quận 5 và có vợ bán bánh mì (đều trên 60 tuổi) – cũng chẳng nhận được tiền hỗ trợ, dù hai vợ chồng đều làm hồ sơ gửi lên phường.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Bé (41 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng bán dạo các loại gương lược, hộp quẹt… quanh Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng không được xét nhận khoản tiền hỗ trợ dù phải nghỉ bán để về quê trong đợt giãn cách xã hội ở TP.HCM trước đó. “Địa phương nói chúng tôi không thuộc diện hộ nghèo nên đâu xét hỗ trợ, trong khi vợ chồng tôi đang thuê nhà ở trọ đi bán dạo để gửi tiền về quê nuôi ba đứa con, khó khăn lắm”, chị kể.

Khảo sát hơn 30 hộ, hỗ trợ 2 hộ

“Khi yêu cầu các tổ trưởng, tổ phó khu phố đi khảo sát các hộ gia đình có người bị mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch, chúng tôi cũng gấp rút làm, ngày nào cũng đi cả ngày để làm cho nhanh vì người dân người ta mong. Nhưng cuối cùng, hơn 30 trường hợp khó khăn trong tổ chỉ có 2 hộ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng” – ông V.A.L., tổ trưởng một tổ dân phố tại TP.HCM, cho biết.

Theo ông V.A.L., để nhận được hỗ trợ, theo quy định phải có đăng ký tạm trú KT3 và giấy xác nhận chưa nhận hỗ trợ ở nơi thường trú, nhưng đa số là dân lao động, xe ôm, cắt tóc, phụ quán từ miền Trung và miền Bắc vào, làm sao về quê xác nhận được vì tiền hỗ trợ không đủ tiền xe đi lại. “Nên khi nghe có đợt hỗ trợ lần 2, nhiều người bảo không đăng ký vì mất công mà không được gì”, ông V.A.L. nói.

Do đó, theo ông V.A.L., cần bỏ quy định phải có tạm trú KT3 bởi vì trong số những người từ tỉnh thành khác đến TP thuê trọ để làm ăn, có rất ít người đáp ứng được yêu cầu này. “Đừng đưa ra nhiều điều kiện quá khắt khe. Chẳng hạn, thay vì phải xác nhận chưa nhận hỗ trợ ở nơi thường trú, chỉ cần xét người dân đang có mặt ở nơi tạm trú và trực tiếp mang giấy tờ tùy thân đến nhận là đủ”, ông V.A.L. đề xuất.

VŨ THỦY

ĐỨC BÌNH – THÁI AN
TTO