23/01/2025

Trái cây Việt ‘tắc đường’ sang Mỹ vì dịch

Trái cây Việt ‘tắc đường’ sang Mỹ vì dịch

Dịch Covid-19 ảnh hưởng và tác động khiến hoạt động xuất khẩu trái cây từ Việt Nam đi thị trường Mỹ bị ngưng trệ nhiều tuần nay.
Xuất khẩu trái cây đi Mỹ đang khó vì Covid-19 /// CTV
 Xuất khẩu trái cây đi Mỹ đang khó vì Covid-19 CTV
Nguyên nhân là chuyên gia kiểm dịch của Mỹ chưa thể sang Việt Nam trực tiếp chứng nhận cho các lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu.

Nhà vườn đến doanh nghiệp đều gặp khó

Nằm trong số địa phương có diện tích nhãn lớn ở miền Bắc, Hưng Yên đang vào mùa cao điểm thu hoạch nhãn lồng. Những năm trước, các nhà vườn trồng nhãn xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ luôn có giá cao ngất ngưởng thì năm nay dịch Covid-19 khiến dòng sản phẩm cao cấp này mất giá từ 15 – 20%. Không chỉ vậy, các nhà vườn phải tự xoay xở tìm “cửa” tiêu thụ trong nước hoặc bán cho thương lái xuất khẩu đi Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Miền Thiết (xã Hàm Tử, H.Khoái Châu, Hưng Yên), cho biết HTX này có 3 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu đi Mỹ. Năm nay, sản lượng nhãn trên 100 tấn nhưng do thị trường Mỹ ách tắc nên từ đầu vụ đến giờ “chẳng có doanh nghiệp nào dòm ngó đến vườn nhãn”.
“Nhãn chín đến ngày là thu hoạch chứ không chờ được, giá hiện giờ loại cao nhất chỉ được 20.000 – 22.000 đồng/kg trong khi năm ngoái doanh nghiệp thu mua xuất khẩu đi Mỹ giá ổn định trên dưới 30.000 đồng/kg”, ông Thế nói.
Đại diện doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nhiều loại quả: xoài, nhãn, thanh long, chôm chôm… đi Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty T&T, chia sẻ cùng thời điểm này năm ngoái mỗi tuần xuất khẩu khoảng 200 tấn trái cây tươi các loại đi Mỹ. Sang đầu năm nay ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến sản lượng xuất khẩu giảm mạnh, chỉ đạt từ 100 – 150 tấn/tuần và gần một 1 tháng trở lại đây thì “kẹt hẳn luôn rồi”. Theo ông Tùng, để giải quyết số trái cây không thể đi Mỹ, khoảng 20% được doanh nghiệp đưa vào các chuỗi bán lẻ, số còn lại chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Úc, Canada nhưng chỉ được phần nhỏ, còn lại phần lớn đưa vào cấp đông.
“Các hợp đồng xuất khẩu ở mỗi thị trường đều đã ký trước, để chuyển trái cây xuất khẩu trước đây dành cho thị trường Mỹ sang Úc, Canada doanh nghiệp đàm phán với đối tác, chấp nhận giảm giá để tăng lượng xuất khẩu”, ông Tùng nói.
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết các đơn hàng bị ngưng khiến doanh nghiệp rất khó khăn để đảm bảo thu mua nguyên liệu từ các cơ sở sản xuất. Khi thị trường Mỹ bị “tắc” khiến doanh nghiệp mất đi đơn hàng xuất khẩu 30 – 50 tấn trái cây mỗi tuần với các loại quả thanh long, nhãn, sầu riêng cấp đông nhưng rủi ro lớn nhất là mất khách hàng. Đối với nhãn và thanh long, doanh nghiệp đang tìm cách chuyển hướng đưa sang các thị trường đang còn xuất khẩu thuận lợi. Còn lại với sầu riêng vốn là sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ thì cho chế biến sầu riêng đông lạnh xuất khẩu một phần sang Đài Loan, Trung Quốc phần còn lại thì được trữ lại, sẵn sàng chờ thị trường nhập khẩu Mỹ mở cửa trở lại.

Nỗ lực “mở đường” đưa chuyên gia Mỹ trở lại Việt Nam

Dịch Covid-19 khiến con đường đưa trái cây Việt vào một trong những thị trường khó tính, khắt khe nhất thế giới như Mỹ từ tháng 3 đến nay vô cùng trắc trở. Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV – Bộ NN-PTNT), quy định của phía Mỹ, để xuất khẩu vào thị trường này, trái cây phải được xử lý chiếu xạ tại một cơ sở tại TP.HCM được Cơ quan Kiểm dịch động vật thực vật Mỹ (APHIS), thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ chứng nhận. Nhưng sau đó, chuyên gia của Mỹ trực tiếp giám sát và xác nhận các lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu. Nhưng từ tháng 3, các ca bệnh Covid-19 liên tục được phát hiện tại Việt Nam, phía Mỹ rút chuyên gia về nước. Sau khi Cục BVTV trao đổi và đàm phán với APHIS thì công việc này tạm thời được thực hiện bởi nhân viên của APHIS làm việc tại Việt Nam kiêm nhiệm. Trong những tháng dịch Covid-19 tạm lắng, Cục BVTV vẫn tiếp tục làm việc với APHIS để thuyết phục phía Mỹ cử chuyên gia trở lại Việt Nam. Nhưng sau đó, đợt dịch Covid-19 thứ hai với diễn biến phức tạp, nhân viên APHIS tại Việt Nam cũng bị rút khỏi cơ sở chiếu xạ khiến việc xuất khẩu trái cây từ Việt Nam đi Mỹ rơi vào trạng thái đóng băng.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông – Cục BVTV, cho biết thị trường xuất khẩu đi Mỹ bị “tắc” đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ nhãn, thanh long, chôm chôm… khi những loại trái cây này đang vào mùa vụ thu hoạch. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn khi không dễ chuyển hướng thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Để tháo gỡ mở cửa thị trường trở lại, ngoài thương thảo, đàm phán với Mỹ về cử chuyên gia sang Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã gửi văn bản đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cho phép chuyên gia Mỹ sang Việt Nam trên các chuyến bay sớm nhất, trong đó bao gồm cả chuyến bay đón công dân hồi hương.
Sau nhiều ngày trao đổi, phía Mỹ đồng ý sẽ cử chuyên gia trở lại nhưng đi trên máy bay cùng phái đoàn Mỹ đến Hà Nội đồng thời hỗ trợ vận chuyển và đảm bảo hậu cần trong cách ly phòng dịch Covid-19. “Ngày 11.8 vừa qua, phía Mỹ đã cung cấp thông tin về hộ chiếu và chuyên gia sẽ trở lại Việt Nam để thực hiện công việc chứng nhận xuất khẩu trái cây, công việc còn lại là thu xếp chuyến bay sang Việt Nam và các kế hoạch đón tiếp chuyên gia trong thời kỳ dịch Covid-19. Dự kiến trong tháng 9, chuyên gia Mỹ sẽ trở lại Việt Nam nhưng bên cạnh đó chúng tôi vẫn phải nỗ lực đề nghị phía APHIS Hà Nội tiếp tục cử cán bộ làm việc với cơ sở chiếu xạ để tránh việc ngưng trệ xuất khẩu sang thị trường này”, ông Nguyễn Quang Hiếu nói.
Mỹ là thị trường xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam
Theo Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả, trái cây từ Việt Nam đi Mỹ vẫn đạt kết quả ấn tượng với 62 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2019, Việt Nam đứng thứ 9 trong số các nước xuất khẩu nhiều rau quả, trái cây vào Mỹ và Mỹ đang là thị trường xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thị trường này bị tạm ngưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường này. Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường Mỹ đóng băng đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khoảng 20 doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu rau quả vào Mỹ.
PHAN HẬU
TNO