25/12/2024

Dịch COVID-19 đang thách thức quản lý tài chính công các quốc gia

Dịch COVID-19 đang thách thức quản lý tài chính công các quốc gia

Các tổ chức, định chế tài chính thế giới lo ngại chính phủ nhiều quốc gia chưa ghi nhận được tính chính xác các cam kết và can thiệp tài chính trong dịch COVID-19 do cách thức ghi nhận các thông tin tài chính chưa toàn diện.

 

Dịch COVID-19 đang thách thức quản lý tài chính công các quốc gia - Ảnh 1.
Chính phủ các nước được khuyến cáo không nên dựa vào biện pháp tăng thuế để giải quyết cân bằng tài chính trong khủng hoảng dịch COVID-19 – Ảnh: N.BÌNH

Đại dịch COVID-19 khiến chi tiêu chính phủ các nước trên thế giới tăng đáng kể, lên tới con số đáng kinh ngạc 9.000 tỉ USD, theo tính toán của tổ chức Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF). Điều này đòi hỏi các quốc gia cần có thông tin tài chính và cách lập thông tin tài chính tốt hơn nhằm quản lý tài chính công hiệu quả trong lúc này.

Trong báo cáo mới được công bố ngày 19-8 về Tài chính công bền vững trong COVID-19, ba tổ chức ACCA, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đã kêu gọi chính phủ các quốc gia cần thay đổi cách thức lập báo cáo tài chính, chuyển sang lập báo cáo tài chính theo cơ sở dồn tích quản lý tài chính, chú ý đến giá trị ròng của khu vực công.

Điều này có nghĩa một số quốc gia sẽ phải thay đổi từ kế toán cơ sở tiền mặt sang cơ sở dồn tích. Phương pháp kế toán dồn tích sẽ ghi nhận tài sản, nguồn vốn, doanh thu và chi phí dựa trên nguyên tắc dự thu – dự chi.

Ba tổ chức trên lo ngại rằng với cách ghi nhận truyền thống, chính phủ nhiều nước chưa ghi nhận được chính xác các cam kết và can thiệp tài chính do cách thức ghi nhận các thông tin tài chính chưa toàn diện.

Trong khi bằng cách thực hiện lập báo cáo tài chính theo cơ sở dồn tích, các chính phủ sẽ được hưởng lợi nhờ nâng cao tính rõ ràng của tình hình tài chính công đảm bảo nguồn tài chính cho các phản ứng tiếp theo của chính phủ, cải thiện giá trị đồng tiền và ra quyết định tài chính bền vững hơn.

Ông Ed Olowo-Okere, giám đốc Khối quản trị toàn cầu của WB, cho rằng đại dịch đòi hỏi các chính phủ phải cân bằng giữa thắt chặt và kiểm soát với tăng tốc độ và tính linh hoạt trong quản lý tài chính công.

Để cải thiện tình hình tốt hơn, Bộ Tài chính các nước cần nhiều công cụ quản lý ngân sách công tốt hơn nhằm duy trì phúc lợi của người dân.

“Chính phủ các nước cũng có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào biện pháp tăng thuế hoặc thắt lưng buộc bụng bằng cách đánh giá tình hình tài chính theo cách tính mới, để có được cái nhìn tổng thể về tài chính công bền vững”, các chuyên gia khuyến nghị.

N.BÌNH
TTO