15/11/2024

Chữa bệnh trong vùng dịch: Các bác sĩ đa năng

Chữa bệnh trong vùng dịch: Các bác sĩ đa năng

Đến những vị bác sĩ giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể ngờ có một ngày họ sẽ phải ứng dụng nghiệp vụ của ngành công an, nhà tâm lý học và cả nhân viên tổng đài… trong công tác khám, chữa bệnh. 
Bác sĩ Phạm Việt Thành, Phó khoa Khám bệnh của TTYT TP.Đông Hà, lấy thông tin, truy vết của một F1 /// Ảnh: THANH LỘC
Bác sĩ Phạm Việt Thành, Phó khoa Khám bệnh của TTYT TP.Đông Hà, lấy thông tin, truy vết của một F1   ẢNH: THANH LỘC
Thế nhưng, giữa mùa dịch Covid-19 này, không có gì là không thể…

Khi bác sĩ là… “công an”

Sáng 14.8, Quảng Trị đã có 7 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận, TP.Đông Hà đã giãn cách xã hội được hơn 4 ngày, cũng không ngột ngạt, chỉ vắng lặng hơn ngày thường. Nhưng ở Trung tâm y tế (TTYT) TP.Đông Hà, nơi vừa được Sở Y tế tỉnh Quảng Trị kích hoạt hệ thống “Bệnh viện an toàn”, cách ly và điều trị cho các đối tượng F1 và các ca bệnh Covid-19, mọi sự tất bật hơn nhiều bên ngoài dãy hàng rào im ắng.
Ấy thế mà bác sĩ (BS) Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc TTYT TP.Đông Hà, vẫn mở đầu câu chuyện qua điện thoại với tôi bằng một giọng đùa tếu táo: “Có những ngày này, mình mới thấy mình có cả năng khiếu làm… công an”. Khi tôi chưa thể tìm ra “mối liên hệ biện chứng” nào giữa nghề có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, được huấn luyện các kỹ năng điều tra với nghề thầy thuốc cứu người, thì BS Dũng giải đáp luôn: “Năng khiếu này mình phát hiện khi truy vết các F1, F2, F3 của những người nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 đấy”.
Vị BS đương kim Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ của tỉnh Quảng Trị này bảo rằng để có những thông tin về lịch trình của các bệnh nhân Covid-19 chỉ vỏn vẹn trên 1, 2 tờ giấy A4 để cung cấp cho truyền thông, dư luận, là cả một sự nỗ lực của y tế và chính quyền cấp cơ sở. BS Dũng bảo rằng hãy thử một lần đi theo nhân viên điều tra giám sát cộng đồng chạy ngoài đường cả trưa nắng, mong tìm được nhà người liên quan (đôi lúc không có địa chỉ cụ thể mà chỉ là một mảnh giấy vẽ sơ đồ) mà trong đầu còn lo nếu tìm đúng nhà chắc gì họ đã cho gặp, để lắng nghe khuyến cáo… thì sẽ hiểu.
Và khi đã đưa được các F1 về khu cách ly tập trung thì các BS mới bắt đầu thể hiện năng khiếu của những điều tra viên. Có 3 lý do để những người nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 không bao giờ khai đúng, đủ lịch trình của mình ngày đầu vào cách ly. Một số chủ quan, nghĩ “bệnh tật sẽ “né” mình”; số khác thực sự hốt hoảng, không nhớ gì cả; cá biệt có trường hợp không hợp tác, giấu giếm rồi thậm chí chửi bới cả BS. “Bình thường thì đơn giản nhưng có lúc như đang… đấu trí ấy. Nhiều người F2 ban đầu giấu giếm nhưng khi các F1 “nâng hạng”, họ nháo nhào khai báo và yêu cầu xét nghiệm”, BS Dũng nói.
Trong khi đó, BS Phạm Việt Thành, Phó khoa Khám bệnh của TTYT TP.Đông Hà, người thường xuyên ngồi bàn “khai báo y tế” các F1, cho biết mình ghi chép không khác gì công an, ngày nào cũng mời F1 lên hỏi, với những câu hỏi tương tự nhau. “Làm thế nào để họ khai báo đúng, đủ là cần phải có… nghiệp vụ. Mình phải vừa gợi mở, vừa định hướng, đôi khi là vờ “dọa” một tí. Có trường hợp mời người nghi nhiễm lên khai tận 5 lần, chắc họ giận, nhưng là việc phải làm thôi”, BS Thành cảm thán.
Cả 2 BS này đều thừa nhận rằng công tác truy vết này vẫn phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân. Nên các “BS công an” này không phải lúc nào “cứng” cũng thành công. Có khi BS lại phải vào vai “chuyên gia tâm lý” để dỗ dành, năn nỉ và sử dụng công cụ hữu hiệu là nhắn tin Zalo, Facebook với những người trong khu cách ly.

“Nhân viên tổng đài” bất đắc dĩ

Trong mùa dịch, nhiều BS còn bảo bản thân không khác gì nhân viên tổng đài, giải đáp mọi thắc mắc “trên trời, dưới biển” liên quan đến Covid-19. “Nhiều khi nghĩ lại tôi cũng… phục mình, sao đủ kiên nhẫn để hầu chuyện nhiều người thế. Vợ ở nhà điện thoại, nói có 30 giây đã la oai oái “sao nói lắm thế”, còn người ta điện hỏi như nhân viên tổng đài cả chục phút thì vẫn luôn… ngoan: “Dạ, tôi vẫn nghe đây”, BS Dũng nói.
Chữa bệnh trong vùng dịch: Các bác sĩ đa năng1

Việc khai báo y tế đúng, đủ là tối quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19

Vị BS này thống kê trung bình mỗi ngày anh nhận khoảng 100 cuộc điện thoại tương tự nhau liên quan đến các thắc mắc về Covid-19, những ngày có ghi nhận thêm ca bệnh mới ở địa phương thì số cuộc gọi sẽ tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, BS Lê Quang Hận, Phó trưởng khoa Đông y – Phục hồi chức năng (TTYT TP.Đông Hà) kể rằng ngoài những người có quen biết, có lưu số trong danh bạ, anh còn nhận được nhiều cuộc gọi từ số máy lạ hoắc. Mỗi lần như thế, anh biết trước sẽ làm việc của “nhân viên tổng đài”.
“Thường thì mình phải giải thích tuần tự về các thông tin mới, diễn biến mới cũng như các quy định của Bộ Y tế đối với phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19. May mắn thì gặp người hiểu biết nắm bắt nhanh, chứ xui gặp người chậm chậm thì mất cả chục phút. Có người vừa không hiểu chuyện lại hỏi cắc cớ, một hồi rồi họ quát tháo “Các anh làm ăn thế à?” rồi cúp máy cái rụp”, BS Dũng cười như mếu.

Làm tất cả, chỉ nhận lời cảm ơn

Mùa Covid-19, các BS có thể làm công an, chuyên viên tâm lý, nhân viên tổng đài, thậm chí là lao động chân tay như hôm TTYT Đông Hà phải tập trung toàn lực dọn dẹp lập khu cách ly và điều trị tập trung cho F0, F1 chỉ trong 2 ngày, sau khi có lệnh của Sở. Nhưng như một lời hứa với trái tim người thầy thuốc, họ chỉ nhận lời cảm ơn. “Mùa dịch, ai cũng khó khăn, thật khó nghĩ khi đưa tay nhận một món quà cảm ơn từ bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân của mình”, một vị BS chia sẻ.
Lời cảm ơn đó đơn giản chỉ là một tin nhắn mộc mạc: “Bác Lợi ở thị trấn Ái Tử đã cách ly ở TTYT Đông Hà từ ngày 4 đến 8.8 sau đó lên cơ sở Giáo dục cũ. Bác đã xong cách ly ngày 13.8. Cho bác gửi lời cảm ơn đến các cháu, đến những người chăm sóc, phục vụ ở cả hai khu cách ly. Các cháu và mọi người rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng vẫn rất hòa nhã, nhiệt tình, tận tâm và chu đáo. Xin chúc các cháu và mọi người sức khỏe, bình an”.
Chữa bệnh trong vùng dịch: Các bác sĩ đa năng2

Những tin nhắn, lời cảm ơn của những người từng cách ly tại TTYT TP.Đông Hà

“Kỳ công” một chút thì như lời cảm ơn được gõ trong file word trên 2 trang A4 của chị Trần Thị Lan Anh (được cách ly theo dõi ở TTYT TP.Đông Hà từ 6 đến 11.8). Chị viết: “Tôi được đưa vào cách ly lúc 0 giờ đêm, với tâm lý người đi cách ly F1, tôi đã rất hỗn loạn, tuy nhiên những câu nói tưởng chừng như đơn giản của các cán bộ y tế đã làm tôi yên lại. Trong lúc tôi chỉ biết lo lắng cho bản thân, gia đình bạn bè thì họ vẫn chạy khắp nơi, khám cho chúng tôi, lo thuốc men, dụng cụ y tế, điều kiện vật chất, đó, chính những con người đó mới vất vả thật sự…”.
Và điều mà chị Lan Anh nuối tiếc chính là suốt cả mấy ngày cách ly chị đã không thể nhìn thấy được mặt cán bộ y tế nào đã chăm nom cho chị… Tôi cũng có đọc một bài báo gọi khu tập trung cách ly F1 là “ở nơi… vô diện”, rằng ở đó các y, BS hao hao nhau trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, khẩu trang và kính chống giọt bắn… tưởng như thật nhợt nhạt. Nhưng đằng sau lớp áo đó là trái tim nóng bỏng, muốn giúp đời, hy sinh bản thân đổi lại sự bình an cho người khác. Họ là những BS thời… Covid-19.
(còn tiếp)
Câu chuyện “dở khóc dở cười” về việc bệnh nhân 833 khai báo nhầm địa chỉ một quán ăn, vừa làm cho một bà chủ quán ở Quảng Trị bị cách ly tập trung “oan” vừa khiến ngành chức năng phải mướt mồ hôi tìm và đưa đi cách ly 2 ca F1 khác (bà chủ quán và nhân viên phục vụ mà bệnh nhân 833 thực sự vào ăn) là một ví dụ cho việc truy vết chính xác sẽ quyết định rất lớn đến sự thành bại của công tác chống dịch Covid-19. Và rõ ràng kỹ năng này, không một giảng đường y khoa nào dạy các bác sĩ cả, ngoài trường đời.
NGUYỄN PHÚC
TNO