26/12/2024

Vắcxin Nga hướng đến thị trường Á – Phi

Vắcxin Nga hướng đến thị trường Á – Phi

Nhật báo kinh doanh Vedomosti của Nga đầu tuần này nêu ước tính tới cuối năm 2021, nhà phát triển vắcxin Nga kỳ vọng có thể giành ưu thế khoảng 1/4 thị trường vắcxin ngừa COVID-19 toàn cầu với giá trị ước tính hơn 75 tỉ USD.

 

Vắcxin Nga hướng đến thị trường Á - Phi - Ảnh 1.

Nghiên cứu vắcxin trong một phòng thí nghiệm của Nga – Ảnh minh họa: Reuters

Không ai biết những tác động lâu dài của vắcxin này. Chúng ta không biết nó sẽ ảnh hưởng ra sao tới tình trạng miễn dịch của con người, tới bệnh ung thư hay các chức năng sinh sản.

Bác sĩ Yevgeny Timakov, Trung tâm y khoa Lider-Medicina tại Matxcơva

“Cho tới nay, các nước ở châu Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á đã tỏ ra hết sức quan tâm tới vắcxin Nga” – ông Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị đầu tư ngân sách cho quá trình phát triển vắcxin Sputnik V, cho biết. Cho đến nay, đã có 20 quốc gia đặt mua 1 tỉ liều vắcxin của Nga.

Vì sao chọn Á – Phi?

Cũng theo ông Kirill Dmitriev, Nga sẽ hợp tác với 5 nước khác để sản xuất 500 triệu liều vắcxin Sputnik V mỗi năm và theo thời gian sẽ nâng dần quy mô sản lượng.

Ông Sergey Shulyak, CEO của Tập đoàn DSM Group, một hãng nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực dược phẩm có trụ sở tại Matxcơva, cho rằng Nga rất kỳ vọng vào việc có thể cung cấp vắcxin ngừa corona do nước này phát triển tại châu Á.

“Thị trường châu Âu sẽ không mua vắcxin của Nga vì những lý do địa chính trị. Chưa kể là châu Âu cũng có nhà sản xuất vắcxin của chính họ có thể hỗ trợ việc này. Ở Mỹ và Canada, tình huống cũng tương tự”, chuyên gia Shulyak phân tích.

“Mặt khác, về truyền thống, Nga có mối quan hệ địa chính trị gần gũi với cả châu Á và châu Phi, do đó những thị trường này hứa hẹn hơn với chúng tôi”, chuyên gia này nói tiếp.

Ngay từ đầu, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chứng tỏ là người ủng hộ nồng nhiệt với vắcxin COVID-19 của Nga. Bản thân ông Duterte đã cam kết sẽ tiêm Sputnik V trong tháng 5-2021.

RDIF cũng cho biết Ấn Độ và Indonesia là hai trong số các nước bày tỏ quan tâm tới vắcxin Sputnik V. RDIF tiết lộ những kế hoạch bắt đầu sản xuất đại trà Sputnik V tại Ấn Độ và Hàn Quốc trên cơ sở hợp tác với các quỹ đầu tư quốc gia (SWF) ở nước sở tại.

Sắp tiêm chủng đại trà

Hãng tin TASS (Nga) ngày 16-8 thông báo giai đoạn 3 thử nghiệm vắcxin Sputnik V dự kiến được tiến hành trong 7-10 ngày tới với 20.000 – 30.000 người ở vùng thủ đô Matxcơva sau khi được Bộ Y tế Nga cấp phép.

Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya, đơn vị phát triển vắcxin Sputnik V, cho biết lần thử nghiệm này có thể gọi là đợt tiêm chủng đại trà vì liên quan hàng chục ngàn người. Theo ông Alexander Gintsburg – viện trưởng Viện Gamaleya, đợt thử nghiệm lần này trung bình có thể mất 4-5 tháng.

Cho tới nay, vấn đề được giới y khoa thế giới lo ngại chính là việc Nga phê duyệt vắcxin Sputnik V khi chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 liên quan tới hàng ngàn người. Đây được coi là phần không thể thiếu trong quá trình đánh giá bất cứ vắcxin nào.

Ngay Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng của Nga – một tổ chức phi chính phủ đại diện cho các công ty dược lớn – cũng đã từng hối thúc Điện Kremlin trì hoãn việc phê chuẩn vắcxin Sputnik V cho tới khi hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3.

Dù vậy, một số nhà khoa học Nga bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này đã quá vội vàng khi phê chuẩn vắcxin. Ông Sergey Voznesenskiy, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN University), cho biết Nga không có ý định phổ biến Sputnik V trước khi tiến hành các thử nghiệm giai đoạn 3.

Theo ông Sergey Voznesenskiy, mục đích chính của việc đăng ký vắcxin Sputnik V lúc này là để giải quyết các thủ tục hành chính rườm rà cần thực hiện, mà theo ông phải mất ít nhất hai tháng, để có thể sản xuất đại trà vắcxin. Chuyên gia này cho biết kế hoạch hiện tại của Nga là tiến hành đồng thời thử nghiệm vắcxin giai đoạn 3 và bắt đầu chuẩn bị sản xuất đại trà Sputnik V.

“Việc đăng ký vắcxin không có nghĩa việc sản xuất đại trà sẽ sớm diễn ra. Chúng tôi sẽ phải chờ các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 trong nhiều tháng nữa. Nhưng khi những thử nghiệm đó hoàn tất trước năm 2021, chắc chắn chúng tôi sẽ có một vắcxin đã đăng ký và một nguồn cung cụ thể của nó” – ông Sergey Voznesenskiy nói.ó thể được gọi là ‘đại tiêm chủng’ khi số người được tiêm loại vắcxin này lên tới hàng chục ngàn người.

D.KIM THOA
TTO