Chấm thi tốt nghiệp THPT: Nhiều tỉnh hoàn thành trước ngày 20-8
Chấm thi tốt nghiệp THPT: Nhiều tỉnh hoàn thành trước ngày 20-8
Gấp rút để hoàn thành chấm thi trước ngày 20-8, nhiều hội đồng chấm thi các địa phương đã làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần. Đây là năm các địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn về chấm thi nên nhiều giám khảo bị áp lực.
Theo thầy D. – một trong những giám khảo chấm thi tự luận ở TP.HCM: “Đề thi môn văn tốt nghiệp THPT năm nay thuộc dạng “dễ thở” nên đa số thí sinh đều làm bài tốt, đạt điểm trên trung bình.
Riêng câu hỏi phần đọc – hiểu năm nay rất vừa sức nên hầu hết các em đều đạt trọn vẹn 3 điểm, em nào yếu lắm cũng đạt được 2,5 điểm của phần này.
Hai câu hỏi phần làm văn cũng không khó nên chỉ những thí sinh không học bài hoặc không chịu làm bài mới bị điểm dưới trung bình. Có thí sinh chỉ viết chưa đầy hai trang giấy thi thì không thể đạt điểm 5 được. Cũng may là số thí sinh này không nhiều”.
Điểm văn dự báo phổ biến mức 6-7
“Điểm thi môn văn của học sinh TP.HCM năm nay tăng lên thấy rõ so với năm trước. Đa số thí sinh đạt 6-7 điểm” – đó là nhận xét của nhiều giám khảo chấm thi môn văn tốt nghiệp THPT ở TP.HCM.
Cô M., giám khảo chấm thi môn văn ở TP.HCM, cho biết: “Quy trình chấm thi tự luận năm nay rất chặt chẽ: 1 bài thi sẽ được chấm ở 2 tổ với 2 giám khảo ngồi ở 2 phòng khác nhau, tránh sự thông đồng giữa 2 giám khảo.
Khi ráp điểm, nếu 2 giám khảo chấm lệch nhau hơn 1 điểm sẽ phải mời giám khảo thứ 3 đến chấm và có biên bản đàng hoàng. Tuy nhiên, đáp án môn văn của Bộ GD-ĐT năm nay khá rõ ràng nên việc chấm thi cũng suôn sẻ.
Chỉ có thủ tục chấm là hơi rườm rà và mất thời gian. Ví dụ như 1 thí sinh làm 3 tờ giấy thi là giám khảo phải ký tên rồi ghi đầy đủ họ tên của mình vào 3 tờ giấy đó, trong khi những năm trước chỉ ghi họ tên vào tờ giấy thi đầu tiên, những tờ sau đó giám khảo ký tên là đủ”.
Cô M. nhận định: “Những năm trước, số bài thi ở TP.HCM đạt điểm 8 môn văn rất hiếm, điểm 9 thì càng hiếm hơn. Nhưng năm nay, qua 4 ngày đầu chấm thi, chúng tôi đã chấm nhiều bài đạt điểm 8, điểm 9. Thậm chí, có phòng thi có đến 4 thí sinh đạt được điểm 9.
Đây là kết quả khiến giáo viên chúng tôi rất vui, cảm thấy như được khích lệ khi phải đi chấm thi trong những ngày nắng nóng và căng thẳng vì dịch bệnh COVID-19 như thế này”.
Trong khi đó, cô N. – giáo viên chấm thi môn văn ở TP.HCM – dự đoán: “Phổ điểm môn văn của học sinh TP.HCM năm nay sẽ là 6-7 điểm.
Đề thi năm nay không làm khó thí sinh, các yêu cầu trong đề thi cụ thể, rõ ràng, không gây mơ hồ, không làm cho thí sinh hiểu sai, hiểu lệch vấn đề. Do đó, chúng tôi đang hi vọng TP.HCM sẽ có thí sinh đạt điểm 10 môn văn trong năm nay”.
Tại Hà Nội, kết quả chấm thi được bảo mật trong quá trình chấm. Nhưng theo đánh giá chung của một số giáo viên tham gia chấm môn ngữ văn thì trong số các bài thi đã chấm, phần lớn thí sinh làm được trên mức trung bình.
Nhiều bài thi chạm đến ý nhưng lại trình bày thiếu mạch lạc, lan man, nhất là ở các câu hỏi mở. Những bài như vậy thường chỉ đạt điểm 6-6,5 ở vòng chấm đầu.
Ngược lại, “có bài thi không làm thật tốt tất cả các yêu cầu của đề để đạt điểm cao nhưng trong một số câu lại viết ấn tượng, có cảm xúc chân thật khiến người chấm hào hứng, cảm tình.
Tuy nhiên, để khách quan, giám khảo vẫn phải luôn bám sát hướng dẫn chấm” – cô H.T., một giáo viên ở Hà Nội, nhận xét.
Hội đồng chấm thi TP.HCM cũng cho biết sẽ chọn những bài đặc biệt có điểm 0, 1, 5, 9, 10 để xem xét, nếu cần thì tiến hành chấm kiểm tra để tránh những sai sót không đáng có.
Chấm cả ngày thứ bảy, chủ nhật
Nhiều địa phương phía Bắc đang dốc sức để cố gắng hoàn thành chấm thi trước ngày 20-8. Tại Nam Định, Quảng Ninh, mỗi giám khảo chấm môn ngữ văn sẽ chấm khoảng 50-60 bài/ngày. Tính tới ngày 16-8, các tỉnh này đã hoàn thành khoảng 50% bài thi tự luận.
Theo ông Nguyễn Văn Tuế – trưởng ban chấm thi tỉnh Quảng Ninh, tỉnh này có một số địa bàn bị chia cắt (huyện đảo) nên không thể đưa bài thi vào đất liền, phải tổ chức chấm thi tại chỗ.
Vì khó khăn khách quan nên việc chấm thi ở những nơi này sẽ có thể kéo dài đến ngày 27-8. Còn những địa bàn còn lại của tỉnh sẽ hoàn tất chấm thi cả trắc nghiệm và tự luận vào ngày 20 hoặc 21-8.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tính đến chiều 16-8, TP.HCM đã chấm được hơn 50% bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm. Tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp nhưng không ảnh hưởng đến quá trình chấm thi ở TP.HCM.
Các giám khảo làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật để đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác chấm thi trước ngày 20-8. Sau đó, các bộ phận liên quan sẽ thực hiện việc kiểm dò và gửi dữ liệu cho Bộ GD-ĐT.
Hà Nội là địa phương có đông thí sinh nhất cả nước, với gần 79.000 thí sinh. Theo ông Lê Ngọc Quang – phó giám đốc Sở GD-ĐT, hội đồng chấm thi phải huy động trên 600 người.
Riêng ban chấm thi tự luận đã phải huy động trên 550 người tham gia, trong đó riêng giám khảo là 516 người. Trung bình mỗi giám khảo ở ban chấm thi tự luận của Hà Nội phải chấm trên 300 bài thi, tính cả 2 vòng chấm.
Hà Nội triển khai chấm thi khá bài bản, ban chấm tự luận có 24 tổ chấm. Ngoài phòng chấm riêng cho giám khảo 2 vòng độc lập, còn có các phòng thống nhất điểm, phòng chấm kiểm tra, phòng đối thoại và phòng khớp điểm. Dự kiến khoảng ngày 24-8, Hà Nội sẽ chấm thi xong.
Những bài thi “đặc biệt” được chấm riêng
Giám khảo ở các địa phương khẩn trương chấm thi cả ngày thứ bảy, chủ nhật để sớm hoàn tất việc chấm thi – Ảnh: VĨNH HÀ
Tại Hà Nội có một trường hợp đặc biệt khi làm bài thi khoa học xã hội, thí sinh đã khoanh đáp án phần địa lý vào đề thi, trong khi lẽ ra phải tô phương án trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi thí sinh phát hiện ra thì đã hết giờ làm bài.
Giám thị đã xử lý theo hướng niêm phong riêng bài thi trên, bao gồm cả phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi có phần làm bài của thí sinh, sau khi đã lập biên bản.
Vì thế, bài thi của thí sinh này cũng được chấm theo cách riêng. Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh vẫn được tiến hành quét và chấm máy theo đúng quy trình vì có bài làm môn lịch sử của thí sinh.
Riêng phần địa lý đã làm vào đề thi, theo ông Hà Xuân Nhâm – phó trưởng ban thường trực chấm thi trắc nghiệm, hội đồng đang chờ ý kiến lãnh đạo để xử lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng trường hợp này hội đồng cần tiến hành chấm tay phần thí sinh đã làm trên đề thi, với sự chứng kiến, giám sát của thanh tra chấm thi. Đây là cách giải quyết bảo vệ quyền lợi cho thí sinh.
Ông Nguyễn Văn Tuế – phó giám đốc Sở GD-ĐT, trưởng ban chấm thi tỉnh Quảng Ninh – cũng cho hay hội đồng chấm thi Quảng Ninh có 3 trường hợp tương tự Hà Nội.
Ngày 16-8, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ về kiểm tra chấm thi, hội đồng chấm thi tỉnh Quảng Ninh đã nêu các trường hợp “đặc biệt” này.
Trong 3 thí sinh có 2 thí sinh ghi trả lời phần địa lý vào đề thi, các phần khác vẫn điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Một thí sinh khác điền trả lời vào phiếu phần lịch sử, địa lý nhưng phần giáo dục công dân thì lại ghi vào đề thi.
Ba trường hợp trên cũng đã được giám thị báo cáo trưởng điểm thi và tiến hành thu cả phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi có phần trả lời của thí sinh, lập biên bản và niêm phong.
Trong quy trình chấm thi trắc nghiệm, có những bài thi quét không được do thí sinh vô tình xóa chưa hết vết, hoặc tô phương án trả lời quá mờ…
Những bài thi như vậy được kiểm dò để xác định nguyên nhân và có thể xử lý theo hướng chấm tay với sự chứng kiến, giám sát của các thành phần như quy định.
Sai quy định vì muốn “gọn việc”, làm tắt
Nhấn mạnh việc phải thực hiện đúng quy trình chấm hai vòng độc lập đối với môn thi tự luận, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các hội đồng phải bố trí phòng chấm độc lập giữa giám khảo 1 và 2, tuyệt đối giám khảo 1 và 2 không trao đổi trong quá trình chấm.
“Có trường hợp giám khảo 1 muốn “gọn việc” nên làm thay cả việc của giám khảo 2. Hoặc giám khảo 1 không nắm quy định, ghi điểm thành phần vào bài thi khiến cho giám khảo 2 cứ nhìn vào đó cho điểm theo. Đó là những việc không được phạm vào” – ông Độ lưu ý.
Theo quy định, việc chấm kiểm tra với 5% số bài thi. Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Độ, tùy theo tình hình cụ thể, có thể chấm kiểm tra nhiều hơn 5%, có thể rút ngẫu nhiên một tỉ lệ nhất định để chấm, hoặc có thể chọn các bài thi có điểm cao. Tuy nhiên, nên ưu tiên chấm những bài thi đã qua 2 vòng giám khảo chấm.
“Trường hợp khi chấm kiểm tra, kết quả lệch với 2 giám khảo chấm trước đó, cán bộ chấm kiểm tra phải báo cáo lãnh đạo chấm thi để có phương án xử lý chứ không gặp trực tiếp giám khảo chấm bài thi đó để tự thảo luận” – ông Nguyễn Hữu Độ nhắc nhở.
Ông Độ cũng lưu ý giám khảo chấm tự luận chú ý để không bỏ sót câu không chấm, cộng nhầm điểm thành phần… Đây là những lỗi không đáng có từng xảy ra làm ảnh hưởng đến kết quả bài thi của thí sinh.
Trao đổi với hội đồng chấm thi các tỉnh thành, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ vẫn lưu ý về việc phòng chống COVID-19.
“Các phòng chấm thi phải đảm bảo giãn cách và nhắc nhở giám thị thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Các phòng chấm thi phải được khử khuẩn sau mỗi ngày làm việc” – ông Độ yêu cầu.
Đừng run tay khi cho điểm 10
Tại Nam Định, trao đổi với giám khảo chấm tự luận, ông Cao Xuân Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, yêu cầu giám khảo “đừng run tay khi cho điểm 10”.
Ông nêu lại chuyện năm trước có những bài thi làm quá tốt, nếu cho 9 điểm thì thiệt cho thí sinh, nhưng cho 10 thì run tay. Vì quá thận trọng mà Nam Định tiếng là đất học nhưng lại chưa bao giờ có điểm 10 môn ngữ văn.
“Chấm đúng, khách quan nhưng giám khảo cũng phải có bản lĩnh để đừng run tay khi chấm điểm 10 cho những bài thi xứng đáng” – ông Hùng bày tỏ quan điểm.
32 đoàn kiểm tra chấm thi
Theo chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường, tổng số cán bộ, chuyên viên, giảng viên đại học tham gia 32 đoàn thanh tra tại 63 sở GD-ĐT là 191 người. Trong số đó, có 63 người là cán bộ, giảng viên đến từ 32 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Thời gian thực hiện thanh tra chấm thi trực tiếp của các đoàn từ ngày 11-8 đến 26-8 và có thể kết thúc sớm hơn tùy theo khối lượng bài chấm, tiến độ chấm và nhập điểm của địa phương.