26/12/2024

Bộ Công thương đề xuất bỏ cách tính ‘điện 1 giá’ trong dự thảo biểu giá điện bán lẻ

Bộ Công thương đề xuất bỏ cách tính ‘điện 1 giá’ trong dự thảo biểu giá điện bán lẻ

Chiều 18.8, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp chủ trì cuộc họp cùng Cục Điều tiết điện lực, trao đổi xung quanh Dự thảo sửa đổi Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Bộ Công thương bỏ đề xuất giá điện 1 bậc /// Ảnh Ngọc Thắng
Bộ Công thương bỏ đề xuất giá điện 1 bậc  ẢNH NGỌC THẮNG
Trước đó, giá điện đã gây “bão” dư luận khi vào các tháng cao điểm nắng nóng, hoá đơn điện sinh hoạt của nhiều hộ tăng vọt. Đặc biệt, biểu giá điện 6 bậc (càng dùng nhiều giá càng cao) được cho là không phù hợp và khách hàng vốn không có sự lựa chọn nào khác.
Trong dự thảo sửa đổi, Bộ Công thương đã “linh hoạt” đưa ra 2 phương án với nhiều sự lựa chọn khác nhau. Phương án 1 tính theo 5 bậc (hiện đang áp 6 bậc) và phương án 2 gồm 2 cách tính: một là 2A (5 bậc và 1 giá 145% giá bình quân) và 2B (5 bậc và 1 giá 155% giá bình quân).
Với phương án 1 giá, mức giá bán lẻ được đưa ra bằng 145% và 155% so với giá bình quân. Theo Bộ Công thương, việc thực hiện phương án 1 giá thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh, số lượng khoảng trên 18,7 triệu khách, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay, sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 – 39.000 đồng. Ngoài ra, không thực hiện được mục tiêu tiết kiệm điện.
Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người dân, chuyên gia phản đối phương án điện 1 giá. Bởi họ cho rằng, điện 1 giá mà tăng 1-1,5 lần so với mức giá bình quân là quá cao.
Với phương án 5 bậc giá, Bộ Công thương rút xuống từ 6 bậc, nhưng giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn. Chẳng hạn, ngay từ bậc 2, với hộ dùng từ 101 kWh trở lên đã áp giá cao hơn giá điện bình quân 8%, nên tính ra người dùng sẽ phải trả cao hơn so với cách tính hiện tại trên cùng 1 số lượng điện tiêu thụ.
Tương tự, giá điện 1 bậc lại áp giá bình quân cao hơn giá bình quân hiện tại từ 1,5 – 2 lần, người tiêu dùng chọn trả bằng giá điện bình quân cũng thiệt hơn so với hiện nay.

Bộ Công thương đề xuất bỏ cách tính 'điện 1 giá' trong dự thảo biểu giá điện bán lẻ - ảnh 1

Người dân phản ánh về giá điện ẢNH VĨNH HOÀNG

Nhiều ý kiến góp ý xác đáng

“Chúng tôi xin cảm ơn những ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia về dự thảo sửa đổi biểu giá bán lẻ điện. Trong đó có rất nhiều ý kiến xác đáng, đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách điều hành giá điện”, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói.
Cơ sở đưa ra các phương án tính giá điện kể trên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, là để đảm bảo các mục tiêu tiết kiệm điện, hài hoà lợi ích giữa các đối tượng…
Sau khi có ý kiến đóng góp từ dư luận, Cục này cho rằng, nhiều ý kiến đóng góp là xác đáng và qua nghiên cứu, xin đề xuất bỏ phương án 2A và 2B, chỉ còn lại phương án 1 tính giá điện theo 5 bậc.
“Dù 2 phương án này ưu việt, cho khách hàng có thêm sự lựa chọn, nhưng không khuyến khích được khách hàng tiết kiệm điện. Cục kiến nghị cho rút khỏi dự thảo phương án 2A và 2B, chỉ đề xuất 1 phương án giảm 6 bậc hiện tại xuống 5 bậc, và điều chỉnh các bậc cho phù hợp”, ông Tuấn nói.
Bộ Công thương đề xuất bỏ cách tính 'điện 1 giá' trong dự thảo biểu giá điện bán lẻ - ảnh 2

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: “Dù là phương án nào 5 bậc hay 3 bậc cũng phải đảm bảo giá điện bình quân không bị thay đổi”  ẢNH TIÊU PHONG

Phương án 1 giá điện khó khả thi

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, phương án 1 giá điện rất khó khả thi trong thực tế và đi ngược lại nhiều nguyên tắc và mục tiêu quan trọng, dù phương án này tạo ra sự thuận tiện, dễ hiểu, dễ tính cho người dân.
Phân tích cụ thể hơn, theo ông Trần Tuấn Anh thì điện là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất, tác động sâu rộng tới tất cả người dân, nên khi dư luận quan tâm, bức xúc vì giá điện tăng cao, Bộ đã tập trung đánh giá, nghiên cứu và xây dựng biểu giá điện mới để giải quyết ngay vướng mắc. Trong đó, nguyên tắc cơ bản là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người sử dụng điện, đặc biệt người nghèo, yếu thế. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng của bộ đã nỗ lực nghiên cứu, đưa vào dự thảo và xin ý kiến rộng rãi về cơ chế điện 1 giá.
Phương án này có điểm thuận lợi là dễ tính, dễ hiểu và tăng thêm lựa chọn cho người dân, tuy nhiên theo ông Trần Tuấn Anh nó không phù hợp và khó khả thi.
Không phù hợp vì không khuyến khích tiết kiệm điện, không đảm bảo được mục tiêu số 1 cân đối đủ điện để phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, an ninh năng lượng. Không khả thi vì đánh đồng tất cả các đối tượng, bất kể ai dù giàu hay nghèo cũng áp chung thì không phù hợp. Đặc biệt, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
“Điện 1 giá như nhiều chuyên gia phân tích có thể thực hiện được nhưng chỉ khi có đầy đủ điều kiện khác đi kèm. Đặc biệt là thị trường điện cạnh tranh và nhà nước đã có công cụ, hình thức khác để hỗ trợ cho đối tượng khó khăn. Một tiêu chí khác là phương án giá điện phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho EVN để doanh nghiệp còn tái đầu tư phục vụ phát triển và bảo vệ năng lượng hệ thống quốc gia. Dự thảo đưa ra nhiều phương án và chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu vào sẽ gây khó khăn”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Về giá điện bậc thang, theo Bộ trưởng, người dân còn băn khoăn về giá tính cho từng bậc thang cũng như khoảng cách trong từng bậc.
“Chúng ta tiếp tục tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề nghị Cục Điều tiết lắng nghe, phân tích, làm rõ các ý kiến đóng góp”, người đứng đầu Bộ Công thương yêu cầu.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công thương, thì dù là phương án nào 5 bậc hay 3 bậc cũng phải đảm bảo giá điện bình quân không bị thay đổi. “Phải khẳng định trong giai đoạn phát triển hiện nay đòi hỏi yêu cầu cao, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng thì không còn cách nào khác ngoài giá điện bậc thang mới đáp ứng được mục tiêu. Nhưng giá như nào, bậc ra sao thì phải tính toàn cho thật kỹ. Làm sao phương án đưa ra phải đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, thiết thực, hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Công thương yêu cầu.
Sau khi hoàn thiện, làm rõ phương án 5 bậc thang, tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà quản lý, chuyên môn khoa học để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cao, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định vào quý III.
ANH VŨ
TNO