26/12/2024

Xoay xở giữ chân nhân viên mùa dịch

Xoay xở giữ chân nhân viên mùa dịch

Không phát sinh doanh thu, nguồn tài chính dự phòng cạn kiệt…, các khách sạn, công ty du lịch buộc phải cho nhân viên nghỉ không lương ngày càng nhiều hơn.

 

Xoay xở giữ chân nhân viên mùa dịch - Ảnh 1.

Lượng khách đến các điểm tham quan không còn sôi động do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong ảnh: Khách được đo thân nhiệt trước khi vào tham quan Hội trường Thống Nhất – Ảnh: T.T.D.

Ước tính đến nay, khối khách sạn 3-5 sao ở TP.HCM đã cho đến 90% số nhân viên nghỉ việc không lương.

Tình hình còn căng thẳng khi thời gian tới, các khách sạn phải đối mặt với tình trạng sự kiện, tiệc cưới bị hủy, hoãn trong khi công suất phòng qua đêm nhiều khách sạn ở TP.HCM chưa đến 5%.

Tung dịch vụ mới, tạo việc làm cho nhân viên

Những ngày này, bên cạnh việc tuân thủ những yêu cầu về vệ sinh phòng dịch để giữ an toàn cho khách quý và nhân viên, khách sạn Mia (TP.HCM) đưa ra ý tưởng mới: phục vụ thực khách thưởng thức ẩm thực ngay tại bancông riêng trong phòng của khách sạn, thay vì ở không gian nhà hàng.

Theo đó, khách được phục vụ chu đáo với những món ăn chế biến tỉ mỉ từ những nguyên liệu tươi ngon, thực khách sẽ có điều kiện ngắm hoàng hôn…

Khi công suất qua đêm của các khách sạn hạng sao rớt thê thảm, ý tưởng này giúp các phòng vẫn “sáng đèn” nhưng vẫn giải quyết được tâm lý ngại dịch của khách. Một khách sạn 5 sao khác là Majestic cũng tung ra chương trình giảm 45% tất cả dịch vụ cho khách hàng sinh năm 1975 trong những ngày qua.

Khách sạn Caravelle có gói trải nghiệm khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế giá 1,2 triệu đồng, với các dịch vụ gồm 1 phòng ngủ tối đa 2 người lớn và 1 trẻ dưới 12 tuổi, ưu đãi 10% cho dịch vụ đưa đón sân bay và dùng bữa tại tất cả nhà hàng trong khách sạn…

Dù với hình thức gì, các khách sạn cũng cho thấy nỗ lực tìm đủ cách để kéo doanh thu, tạo thêm việc làm cho nhân viên. Nhưng dịch COVID-19 quay trở lại khiến cho mọi nỗ lực của doanh nghiệp trong việc phục hồi kinh tế trở nên chật vật hơn.

Ông Trương Đức Hùng, tổng giám đốc khách sạn Grand Sài Gòn, cho biết trong điều kiện khách du lịch quốc tế không còn, các chương trình sự kiện, tiệc cưới cũng phải hủy và hoãn vì dịch, khách sạn chỉ còn biết tập trung vào mảng nhà hàng, ẩm thực.

Để phục vụ nhu cầu của thực khách thưởng thức đặc sản các địa phương, khách sạn Grand Sài Gòn đã giới thiệu chương trình món ăn đặc sản địa phương được chính các đầu bếp đại diện các món ăn đặc sản ở địa phương đến truyền đạt công thức nấu, giới thiệu tại khách sạn.

“Khách là những doanh nhân, gia đình ở TP thích ăn những món ngon địa phương nhưng điều kiện đi lại khó khăn do dịch nên họ có thể thưởng thức ngay tại nơi mình ở. Cũng nhờ mảng nhà hàng nên từ sau khi kết thúc đợt dịch thứ nhất, các hoạt động trong khách sạn ấm dần lên” – ông Hùng cho biết.

Bà Nguyễn Phương Anh, giám đốc tiếp thị và truyền thông khách sạn Park Hyatt, cho biết bên cạnh những gói giảm giá, ưu đãi để kéo dài thời gian lưu trú của khách, khách sạn này còn tổ chức thêm những tour du lịch khám phá trong ngày, giúp khách bớt cảm thấy nhàm chán nếu chỉ ở TP.HCM.

Xoay xở giữ chân nhân viên mùa dịch - Ảnh 2.

Nguồn nhân lực ngành khách sạn vốn đã thiếu nay phải đứng trước thách thức ảnh hưởng của dịch COVID-19 – Ảnh: N.BÌNH

Mắc kẹt với bài toán nhân sự…

T., làm việc ở một khách sạn 5 sao tại Q.1 (TP.HCM), cho biết ban giám đốc khách sạn vừa phê duyệt danh sách cắt giảm nhân sự tháng 8, hơn 30% lao động sẽ nghỉ việc không lương. Trước đó, khách sạn này cũng đã cắt giảm gần 20% nhân sự trong tháng 7 vì không có doanh thu phát sinh.

“Tôi đang làm ở bộ phận hành chính cũng phải nghỉ làm xen kẽ, chấm công chỉ bằng một nửa số ngày so với trước” – T. chia sẻ. Với tình hình hiện nay, khách sạn không cầm cự được đến cuối năm, sẽ có thêm nhiều lao động phải nghỉ việc.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho biết việc các khách sạn giảm nhân viên, cho nghỉ việc là điều không tránh khỏi trong thời điểm hoạt động của cơ sở lưu trú phục vụ du lịch gần như ngưng trệ vì dịch. Tuy nhiên, đây là việc chẳng đặng đừng bởi ngành khách sạn, du lịch vốn rất thiếu nhân sự lành nghề.

“Dịch ập đến, nguồn nhân lực trong ngành càng bị vỡ vụn, nhiều người phải nghỉ việc tìm nghề khác kiếm sống. Nếu không giữ được người lúc này, các doanh nghiệp phải đối mặt với khủng hoảng nhân sự sau dịch, đặc biệt trong giai đoạn ngành du lịch phục hồi sau dịch” – ông Thọ nói.

Ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ du lịch TST Tourist, cũng cho rằng hoạt động du lịch ngưng trệ không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp lúc này mà cả nhân sự khi dịch đi qua.

Khoảng 80-90% nguồn nhân lực này đã nghỉ làm bởi dịch bệnh, phần lớn phải tìm kiếm một công việc mới, khiến cho ngành du lịch mất đi những lao động chất lượng cao. Nếu quay trở lại với nghề, những người này cũng phải mất vài tháng mới bắt lại nhịp.

“Các doanh nghiệp du lịch đang được sự hỗ trợ giảm thuế và đặc biệt là gói hỗ trợ cho nguồn nhân lực hướng dẫn viên, người làm trong lĩnh vực khách sạn để họ bám trụ được với nghề, cầm cự sau khi dịch bệnh được kiểm soát” – ông Duy đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết hiệp hội sẽ tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất cần chú trọng các giải pháp giữ nguồn nhân lực du lịch, vì trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh hiện nay, những lao động chất lượng cao chuyển sang các ngành khác sẽ khó quay trở lại nên rất cần các chính sách để giữ chân nguồn nhân lực này, trong đó có chính sách tín dụng để vay vốn chi trả lương cho nhân viên.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, việc tái đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng quan trọng không kém các nỗ lực khác, bởi TP.HCM vẫn đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn hướng dẫn viên tiếng Hàn cũng như một số lĩnh vực khác.

Đề xuất được vay lại 50% số tiền đã ký quỹ

Để giải quyết tình trạng cần có kinh phí để chi trả lương, duy trì hoạt động, một phương án được doanh nghiệp đề xuất là cho phép rút tiền ký quỹ hoặc doanh nghiệp ký quỹ ở ngân hàng nào thì được vay lại ở đó với lãi suất ưu đãi.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trong hoàn cảnh hiện nay nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể vay 50% trên số tiền ký quỹ để trả lương cho nhân viên, chi phí vận hành. Phương án này đã được một số nước áp dụng, như Trung Quốc đã giải tỏa đến 80% tiền đặt cọc cho lữ hành, thời hạn hoàn đến tháng 2-2022.

Khoảng 90% nhân viên khách sạn 3-5 sao nghỉ việc không lương

Cùng với các chương trình kéo khách, các khách sạn cũng triển khai những biện pháp an toàn giúp khách an tâm, ngay cả bút để ở quầy lễ tân cho khách dùng xong cũng phải được khử trùng, thực đơn nhà hàng có thêm phiên bản web, khách có thể scan mã QR để xem trên điện thoại nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp với quyển menu truyền thống, hệ thống thông gió và lọc khí cũng phải được nâng cấp…

“Những thông tin cụ thể, rõ ràng như vậy sẽ tạo được sự yên tâm cho khách cũng như thể hiện được cam kết an toàn của khách sạn đối với khách hàng” – bà Phương Anh , giám đốc tiếp thị và truyền thông khách sạn Park Hyatt, nói.

Dù các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực tung ra dịch vụ mới nhưng theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, khối khách sạn 3-5 sao đã cho đến 90% số nhân viên nghỉ việc không lương, tình hình còn căng thẳng khi bắt đầu những thông tin râm ran khách sạn rao bán tài sản.

NHƯ BÌNH
TTO