‘Thị trường ngầm’ mua bán bài báo khoa học: Góc khuất ‘đau đớn’
‘Thị trường ngầm’ mua bán bài báo khoa học: Góc khuất ‘đau đớn’
Nhiều chuyên gia cung cấp câu chuyện về góc khuất ‘đau đớn’ sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài ‘Thị trường ngầm’ mua bán bài báo khoa học.
Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài “Thị trường ngầm” mua bán bài báo khoa học, chúng tôi được cung cấp thêm rất nhiều câu chuyện từ các nghiên cứu sinh, nhà khoa học về góc khuất “đầy đau đớn” lâu nay trong giới nghiên cứu. Đồng thời, họ lên tiếng “kêu cứu” cho nền học thuật của nước nhà.
Muôn kiểu ra giá
Ông N.T, giảng viên trường ĐH K. tại TP.HCM, kể: “Cách đây chưa lâu, tôi và một đồng tác giả có gửi bài cho tạp chí E.M, một tạp chí uy tín về kinh tế được xếp hạng của nhà xuất bản lớn có tên T.F. Vì tin tưởng đây là nhà xuất bản lớn và tạp chí lớn nên chúng tôi rất kỳ vọng. Tuy nhiên, sau khi nhận bài, tạp chí này đã từ chối đăng.
Vài hôm sau, họ gửi email cho tôi ngỏ ý chuẩn bị ra một ấn phẩm đặc biệt nhưng vì không có tài trợ nên nếu tôi muốn đăng thì hãy đóng phí 2.500 USD. Tôi liên hệ hỏi ý kiến đồng tác giả và cùng quyết định không đăng bài. Chúng tôi nhất trí phải đấu tranh tới cùng nên đã viết email gửi thẳng đến nhà xuất bản, khiếu nại vì sao lại có chuyện trả phí vô lý này. Rất may, vì đây là nhà xuất bản có tiếng tăm nên họ đã làm việc với tổng biên tập tạp chí và thay người điều hành khác. Còn bài báo, chúng tôi đã gửi và được đăng ở một tạp chí khác có xếp hạng cao hơn mà không phải trả đồng nào”.
Câu chuyện không chỉ có thế. Ông N.T cho biết rất kinh ngạc khi sau này biết thêm thông tin là vị tổng biên tập của tạp chí này có hợp đồng thỏa thuận với một trường ĐH lớn ở TP.HCM, theo đó mỗi bài mà trường này đăng phải trả 1.500 USD.
Một nhà nghiên cứu khác đang công tác tại một trường ĐH cho biết trường cũng đang khuyến khích các bài báo xuất bản quốc tế và từ năm 2019 thì mức thưởng cho các bài báo Q1, Q2, Q3 (chỉ số xếp hạng) và Scopus (cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) tăng lên rất đáng kể, với mức hàng trăm triệu đồng cho bài Q1.
“Chính điều này khiến một số anh em đã bất chấp để đăng bài, thậm chí họ đóng hàng ngàn đô la, vì nghĩ rằng một khi bài được đăng, số tiền thưởng sẽ gấp nhiều lần số tiền bỏ ra ban đầu. Thời gian đăng bài chỉ trên dưới 1 tháng. Thật chua xót và lãng phí khi nhà trường phải chi số tiền thưởng lớn cho các công trình xuất bản dỏm như thế. Vài người trong số họ đang là giáo sư, phó giáo sư, nhưng công trình xuất bản của họ vẫn đăng trên các tạp chí kém chất lượng”, nhà nghiên cứu này nói.
|
Trong khi đó, ông H.T, giảng viên trường ĐH H. ở TP.HCM, đang cảm thấy không còn niềm tin vì tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện xót xa trong giới khoa học. Ông H.T kể: “Tôi làm nghiên cứu sinh rất nhiều năm nay nhưng đến thời điểm này quá chán nản, không muốn hoàn thành nữa. Mỗi khi tìm tạp chí để đăng bài, tôi đều bị ra giá, thậm chí còn có môi giới. Có vị giáo sư ra giá 30 triệu đồng/bài đăng. Mấy tạp chí xoàng xoàng ở TP.HCM cũng có giá 10 – 15 triệu đồng/bài. Không đóng tiền thì bài có tốt mấy cũng không được đăng”.
Kiếm tiền bằng cách đăng báo quốc tế
Giáo sư H.N, đang làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, chỉ ra một số nhà khoa học trẻ ăn lương biên chế một nơi, thậm chí nhận tiền đề tài của cơ quan, nghiên cứu bằng ngân sách nhà nước, công việc thực nghiệm theo nhóm, nhưng khi đăng bài quốc tế thì tên tác giả lại ghi một mình và địa chỉ lại là tên một trường ĐH nọ – nơi có vị trí xếp hạng đã và đang lên vù vù. Từ đó cho thấy “thị trường” mua bán bài báo khoa học rất tinh vi và bằng nhiều hình thức khác nhau. “Có lần, một nhà khoa học hỏi tôi có muốn kiếm tiền bằng cách đăng báo quốc tế không và chỉ cách”, Giáo sư H.N khảng khái.
Trưởng bộ môn một trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cảm thán: “Việc công bố học thuật quốc tế trong lĩnh vực xã hội nhân văn cũng đang gặp tình trạng tương tự. Chẳng hạn, có trường mạnh tay theo đuổi giải pháp “mua bài”, tức là trả tiền khá cao để mua bài báo ISI/Scopus. Đó là một cách tiếp cận chạy theo năng suất chứ chưa đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả”.
Tiến sĩ này cho biết luôn phản đối cách làm của các trường ĐH hiện nay là thưởng tiền lớn cho các bài báo quốc tế. “Việc đó cho thấy thiếu tầm nhìn về giá trị học thuật. Người đăng bài giá trị thật thì thấy như thể mình đang phải ngửa tay nhận hỗ trợ tiền. Kẻ cơ hội thì tính toán ngay lời lỗ để mua bài, trở thành tác giả của một bài báo quốc tế, thế là được ca ngợi và thưởng lớn. Giá trị “giả hiệu” bỗng dưng hiên ngang có chỗ đứng trong giới ĐH. Tất cả những việc này khiến những trí thức có lòng tự trọng rất đau đớn mà không biết phải làm gì để ngăn chặn”, vị trưởng bộ môn bày tỏ. (còn tiếp)
MỸ QUYÊN
TNO