Giữa ồn ào giá điện mới, vốn lại đổ vào điện mặt trời, điện gió
Giữa ồn ào giá điện mới, vốn lại đổ vào điện mặt trời, điện gió
Hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước liên tục đẩy mạnh đầu tư phát triển điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) mới công bố quyết định góp vốn thành lập Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí (PV Power REC) có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 60 tỉ đồng. Trong đó PV Power góp 51% vốn, tương đương với 30,6 tỉ đồng. Theo kế hoạch đã từng công bố, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng điện của công ty với 55 MW, con số đến năm 2035 sẽ tăng lên 9% với 855 MW.
Chỉ cách đây mấy ngày, UBND tỉnh Quảng Bình đã thông báo dự án Cụm trang trại điện gió B&T đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư 8.904 tỉ đồng, gồm trang trại điện gió B&T 1, công suất 100,8 MW, với kế hoạch vận hành vào cuối năm nay và trang trại điện gió B&T 2, công suất 151,2 MW, với kế hoạch vận hành tháng 6.2021. Công ty cổ phần Điện gió B&T là công ty con của Công ty cổ phần AMI AC Renewables thuộc Công ty AC Energy của Tập đoàn Ayala – Philippines. Công ty này đã đầu tư Nhà máy điện mặt trời AMI Khánh Hòa với công suất 50 MWp, vận hành từ tháng 5.2019 và trang trại điện mặt trời BMT tại Đắk Lắk có công suất 30 MW, vận hành từ tháng 4.2019…
Cũng trong cuối tháng 7, ngân hàng TPBank và Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) ký hợp tác trong việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như dự án điện gió, nhà máy điện mặt trời, dự án điện mặt trời áp mái. Theo đó, TPBank sẽ tài trợ 11.000 tỉ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo trong vòng 2 năm do Bamboo Capital thực hiện. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thời gian qua BCG đã triển khai các dự án điện mặt trời lớn tại Long An, Bình Định, Vĩnh Long…
Hàng loạt công ty trong và ngoài nước đã rót vốn tham gia vào năng lượng tái tạo còn có thể kể đến như Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group), Tập đoàn TTC, Bim Group, Sunseap (Thái Lan), Sao Mai…
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính tới hết tháng 7, cả nước có 42.694 hệ thống điện mặt trời áp mái được phát triển, với công suất 917 MWp. Do có sự đầu tư lớn vào lĩnh vực này nên EVN phải lên tiếng cảnh báo về việc một số khu vực do Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tổng công ty Điện lực miền Nam quản lý đã có dấu hiệu vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện.
AN YẾN
TNO