21/12/2024

WHO: 90% ngân sách đối phó đại dịch Covid-19 vẫn chưa có

WHO: 90% ngân sách đối phó đại dịch Covid-19 vẫn chưa có

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng thế giới chỉ mới cam kết chi khoảng 10% số tiền cần thiết để đối phó đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm đã vượt mốc 20 triệu trên toàn cầu.
Một tình nguyện viên được tiêm vắc xin Covid-19 thử nghiệm tại Brazil /// Reuters
Một tình nguyện viên được tiêm vắc xin Covid-19 thử nghiệm tại Brazil REUTERS
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo vẫn còn “khoảng trống lớn toàn cầu” giữa số tiền các nước đã cam kết với số tiền cần thiết để chống chống đại dịch Covid-19.
Hãng Reuters dẫn lời ông Tedros cho biết số tiền đã cam kết chỉ đạt 10% mức cần thiết. Kể từ khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc vào tháng 12.2019, dịch bệnh đã lan ra hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“3 tháng tới là giai đoạn then chốt của cơ hội tăng quy mô tác dụng của sáng kiến tiếp cận các công cụ chống Covid-19 (ACT). Tuy nhiên, để tận dụng thời gian này, chúng ta cần gia tăng cấp vốn”, ông nhấn mạnh.
Theo Tổng giám đốc WHO, thế giới cần đến hơn 100 tỉ USD chỉ dành cho vắc xin. “Đây chỉ là con số nhỏ nếu so với 10.000 tỉ USD đã được đầu tư tại các nước G20 nhằm đối phó với hậu quả của đại dịch”, ông phân tích.
Theo AFP,  tính đến sáng 11.8, thế giới ghi nhận tổng cộng 20.004.254 ca mắc với 733.929 ca tử vong và 12.218.090 ca hồi phục.
Sau hơn 7 tháng, nhiều điều “không tưởng” tại một số nước đã trở thành hiện thực như việc mọi du khách phải đeo khẩu trang tại các điểm du lịch ở Paris (Pháp), trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi mọi người đừng tuyệt vọng.
“Đằng sau những số liệu này là đau khổ và chịu đựng rất nhiều. Nhưng tôi muốn nói rõ: vẫn còn chồi xanh hy vọng. Chưa bao giờ quá trễ để xoay chuyển dịch bệnh”, theo ông Tedro.
Tổng giám đốc WHO nêu ví dụ một số nước khống chế thành công dịch Covid-19 như Rwanda và New Zealand.

Trong khi nhiều nước vẫn hứng chịu đại dịch Covid-19 hoành hành dẫn đến tác động kinh tế nặng nề, nhiều người đang theo dõi sát sao tình hình vắc xin.

Theo WHO, có 165 vắc xin đang được nghiên cứu, bào chế trên thế giới, trong đó có 6 loại đang ở giai đoạn 3 thử nghiệm trên người.
Tuy nhiên, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cảnh báo rằng vắc xin ngừa Covid-19 có thể “chỉ là một phần của câu trả lời”, đồng thời chỉ ra những căn bệnh như bại liệt, sởi vẫn không bị loại trừ hoàn toàn dù đã có vắc xin.
KHÁNH AN
TNO