26/12/2024

Ứng dụng TikTok bị điều tra tại Pháp

Ứng dụng TikTok bị điều tra tại Pháp

Thêm một cơ quan bảo vệ dữ liệu người dùng, lần này của Pháp, xác nhận đã mở cuộc điều tra những cáo buộc vi phạm dữ liệu riêng tư của ứng dụng chia sẻ video Tiktok.

 

Ứng dụng TikTok bị điều tra tại Pháp - Ảnh 1.

Biểu tượng ứng dụng TikTok trên màn hình điện thoại – Ảnh: AFP

Theo hãng tin Bloomberg, Cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Pháp (CNIL) cho biết đã mở cuộc điều tra sau khi nhận được đơn khiếu nại hồi tháng 5.

Tuy nhiên CNIL từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những cơ sở khiếu nại cũng như lộ trình công bố phán quyết về vấn đề này.

Người phát ngôn của cơ quan có trụ sở tại Paris cho biết CNIL “đặc biệt thận trọng với công ty đó (TikTok – PV), nhất là liên quan tới khiếu nại này và những vấn đề cũng như các khiếu nại khác mà ủy ban điều tra sẽ nhận được”.

Tiktok chưa phản hồi thông tin về sự việc với Bloomberg.

Tháng 6 năm nay, các quan chức bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ phối hợp tiến hành điều tra (nếu có) về công ty của Trung Quốc sau khi ủy ban bảo vệ dữ liệu của Hà Lan trong tháng 5 thông báo đang tiến hành điều tra chính sách bảo vệ dữ liệu trẻ em của TikTok.

Cơ quan giám sát dữ liệu của Vương quốc Anh cũng sắp tiến hành một cuộc điều tra tương tự.

Trong lúc này TikTok còn đối mặt với sức ép gia tăng tại Mỹ. Tuần qua Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp (có hiệu lực sau 45 ngày kể từ khi ban hành) cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty mẹ của TikTok là ByteDance vì những nguy cơ an ninh quốc gia.

HIện tại tập đoàn Microsoft đang trong quá trình đàm phán để thâu tóm mảng hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand.

TikTok vẫn luôn bác bỏ chuyện công ty này bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát cũng như chuyện dữ liệu cá nhân của người dùng ứng dụng bị xâm phạm.

Năm 2017, CNIL từng yêu cầu ứng dụng WhatsApp của Facebook dừng chia sẻ dữ liệu người dùng với công ty mẹ khi chưa được phép. Cơ quan này của Pháp cũng đã phạt công ty Google của Alphabet 50 triệu euro (59 triệu USD) vì những cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của EU.

Liên minh EU với 27 quốc gia thành viên là nơi có một số luật bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt nhất thế giới. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU cho phép chính quyền có thể xử phạt số tiền lên tới 4% tổng doanh thu thường niên toàn cầu của một công ty với những vi phạm nghiêm trọng nhất.

ĐẮC LUÂN
TTO