Nhận biết những cảnh báo về sức khoẻ nam giới
Nhận biết những cảnh báo về sức khoẻ nam giới
Một số sự cố riêng tư của nam giới như: đau tinh hoàn, bỗng nhiên bầm tím ở khu vực nhạy cảm nhất… là những cảnh báo khẩn cấp về sức khoẻ tình dục.
Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Kiên, Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội): “Nam giới cần lưu ý các dấu hiệu bất thường để đi khám ngay, tránh bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và vấn đề sinh sản”. Sau đây là những tình huống nếu gặp phải thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bầm tím
Dương vật bị bầm tím có thể xảy ra trong những tình huống “đời thường” như: sau quan hệ tình dục, sau khi bị tác động… Nhưng vấn đề chung nhất cần lưu ý, bầm tím dương vật là biểu hiện không thể bỏ qua, vì rất có thể bạn đã bị gãy “súng”.
Vỡ vật hang (gãy “súng”) có thể gây ra các biến chứng nặng nề như: mất cương cứng, đau khi cương; ở thể nặng có thể không còn khả năng giao hợp, biến dạng gấp khúc dương vật, hình thành mảng xơ cứng… Gãy “súng” là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật sớm.
Một số biểu hiện của bệnh: dương vật bầm tím, sưng nề; đau; dương vật bị vẹo lệch, biến dạng; tiểu đau, buốt, rát, tiểu ra máu, xuất tinh ra máu…
Không sờ thấy tinh hoàn
Một nam giới bình thường sẽ có 2 tinh hoàn nằm trong bìu, tất cả những trường hợp chỉ có một bên tinh hoàn hoặc không sờ thấy có tinh hoàn trong bìu đều là dấu hiệu bất thường. Hơn nữa, ẩn tinh hoàn có thể bị vô sinh, ngay cả khi chỉ bị ẩn tinh hoàn một bên. Bên tinh hoàn bị ẩn có nguy cơ bị ung thư hoặc sẽ gặp phải những nguy cơ tiềm tàng khác.
Khi trẻ vừa sinh ra có thể tinh hoàn sẽ chưa xuống bìu ngay, nhưng sau 6 tháng nếu tinh hoàn của trẻ vẫn chưa xuống bìu thì hãy nghĩ đến phẫu thuật hạ tinh hoàn cho trẻ. Tốt nhất nên điều trị khi trẻ dưới 2 tuổi.
Ở độ tuổi trưởng thành, hạ tinh hoàn không mang nhiều giá trị về mặt chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn mà mục đích chính chỉ để giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn và các biến chứng khác.
Bất thường bao quy đầu
Bình thường, nam giới khi đến tuổi trưởng thành thì lớp da bao ngoài dương vật (gọi là da quy đầu) sẽ tuột khỏi phần quy đầu khi dương vật cương cứng hoặc khi dùng tay kéo ngược phần da quy đầu để lộ hoàn toàn quy đầu.
Ở một số nam giới, lớp da này vẫn dính lấy toàn bộ phần đầu dương vật chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để thoát nước tiểu, do đó nước tiểu thường còn sót lại bên trong bọc da, đóng cặn, gây khó khăn cho việc giữ gìn vệ sinh.
Bệnh về bao quy đầu chia làm 2 dạng: hẹp bao quy đầu (da quy đầu trùm kín phần đầu dương vật và không lộn xuống được hoặc lộn khó khăn, lộn bị chặt, có vòng thắt) và dài da bao quy đầu (da bao quy đầu dài trùm quy đầu, có thể dùng tay lộn được).
Hậu quả, người bệnh dễ bị viêm nhiễm vùng quy đầu, viêm niệu đạo, khó khăn trong quan hệ, nghẹt da quy đầu (ở người hẹp bao quy đầu) và nguy hiểm hơn là có nguy cơ bị ung thư dương vật cao hơn người bình thường.
Với bé trai, bố mẹ nên lộn phần quy đầu dương vật vệ sinh hằng ngày cho trẻ. Khi phát hiện hẹp bao quy đầu, dài da bao quy đầu gây khó vệ sinh hay viêm nhiễm…, ở độ tuổi trưởng thành việc xử trí sẽ phức tạp hơn (thông thường sẽ phải cắt bao quy đầu).
Khi nam giới nhận thấy bất thường nêu trên, cần được bác sĩ nam khoa ở các cơ sở y tế uy tín tư vấn và điều trị.
Chảy dịch mủ đầu dương vật cũng là một trong những biểu hiện không được bỏ qua. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp do nhiễm khuẩn, bao gồm: lậu, nấm chlamydia, nhiễm khuẩn tiết niệu. Bệnh thường lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chung đồ lót với người mắc bệnh.
Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tinh hoàn, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn huyết, vô sinh… Đã có rất nhiều trường hợp vô sinh thứ phát sau khi bị viêm niệu đạo. Trường hợp gặp triệu chứng trên, cần gặp bác sĩ nam khoa ngay, nhịn tiểu ít nhất 6 giờ để kết quả xét nghiệm được chính xác.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Kiên (Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)
NAM SƠN
TNO