22/01/2025

Dư địa giảm lãi suất hẹp

Dư địa giảm lãi suất hẹp

Ngân hàng Nhà nước mới có công văn “thúc” các nhà băng tiếp tục giảm lãi suất, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng lãi vay sẽ giảm thêm, nhưng dư địa để giảm ở thời điểm hiện nay thực tế không còn nhiều.
Dư địa giảm lãi suất thấp - Nguồn: Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam /// ẢNH: NGỌC THẮNG - ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN
Dư địa giảm lãi suất thấp – Nguồn: Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam ẢNH: NGỌC THẮNG – ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN

Giảm nhiều, vốn sẽ rời ngân hàng?

Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng mặt bằng lãi suất (LS) gần 1 tháng nay khá ổn định. Các ngân hàng (NH) đang giữ LS huy động tiền đồng ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trên thị trường liên NH ngày 7.8, LS kỳ hạn qua đêm chỉ 0,22%/năm; 1 tuần 0,34%/năm; 1 tháng 0,61%/năm; 3 tháng 1,77%/năm; 6 tháng 3,5%/năm; 9 tháng 4,5%/năm. Tương tự, LS huy động từ khách hàng kỳ hạn dưới 6 tháng từ 3 – 4,25%/năm; từ 6 tháng trở lên từ 4 – 7,5%/năm. Trong khi LS cho vay phổ biến từ 6 – 9%/năm đối với ngắn hạn, riêng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên có LS vay ở mức 5%/năm; 9 – 11%/năm đối với trung dài hạn.
Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Phân tích khối NH – Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, nhận xét: Các NH đã giảm LS huy động trong tháng 6 và 7 nên chi phí vốn phần nào đã giảm, hỗ trợ các nhà băng giảm LS cho vay. Thế nhưng, LS đầu vào cũng khó giảm mạnh hơn vì e ngại dòng vốn phần nào sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác. Trong khi NH vẫn muốn duy trì biên lợi nhuận thì khả năng giảm mạnh LS nói chung sẽ khó diễn ra.
Theo ông Thành, chỉ số biên lợi nhuận (hay chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí phải trả của NH, gọi tắt NIM) bình quân của các NH trong 6 tháng đầu năm nay giảm khoảng 0,4%, xuống còn 3,2% so với mức 3,6% vào cuối năm 2019. NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng tới trong bối cảnh cầu tín dụng yếu. Ước tính chỉ số NIM của hệ thống NH đến cuối năm sẽ giảm về khoảng 3%. Thực tế ở đợt Covid-19 đầu tiên, các NH đã giảm khá mạnh lãi vay từ chính lợi nhuận của mình. Thế nhưng lợi nhuận nửa cuối năm nay của các nhà băng dự báo sẽ tiếp tục giảm nên dư địa giảm lãi từ nguồn này cũng hẹp cửa.

Đầu vào, đầu ra đều khó giảm

Thanh khoản hệ thống NH thời gian gần đây khá tốt nhưng ông Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng dư địa giảm LS thêm là khá khó.
Các mức LS điều hành của NH Nhà nước hiện nay đang dao động từ 3 – 4,5%/năm (LS tái chiết khấu và tái cấp vốn), LS trần huy động vốn dưới 6 tháng 4,25%/năm. LS huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của các NH vào khoảng 6 – 7%/năm. Trong khi đó lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm ở mức 4,19%. Như vậy, chênh lệch giữa LS huy động và lạm phát rất thấp nên muốn cắt giảm LS cần phải giảm được tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới. Nếu không, người gửi tiền sẽ tìm cách chuyển dịch dòng vốn sang các kênh tài sản khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ. Vừa qua, NH Nhà nước đưa ra dự thảo điều chỉnh thời gian thực hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng lên, điều này phần nào bớt gây sức ép lên LS huy động trung dài hạn trong thời gian tới.
Với LS cho vay lại càng khó. Trong thời gian qua, các NH đã giảm lợi nhuận để giảm lãi vay, việc này sẽ phải thực hiện nhiều hơn nếu muốn tiếp tục giảm LS cho vay. Thế nhưng, cái khó cho NH là vấn đề nợ xấu có thể phát sinh trong thời gian tới khi khách hàng gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến dòng tiền trả nợ. Dẫn đến NH phải trích lập dự phòng nhiều, lợi nhuận giảm và dư địa để giảm lãi vay hẹp.
Ở khía cạnh khác, lãnh đạo một NH phân tích các nhà băng có khả năng sẽ giảm LS huy động để giảm lãi vay đầu ra do tăng trưởng huy động đang nhanh hơn so với tín dụng. Tuy nhiên, LS huy động cũng chỉ có thể giảm thêm 0,5%/năm trong thời gian tới, làm sao đảm bảo mức trung bình khoảng 6%/năm, cao hơn lạm phát quanh 4% để duy trì LS thực dương dù không cao. Ở mức này, sẽ không ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi tiết kiệm bởi các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán hiện nay giảm, vàng thì tăng quá cao nên nhiều người lo ngại rủi ro. Giảm đầu vào, lãi vay có thể giảm thêm nhưng không nhiều.
Nếu việc trích lập dự phòng trong 6 tháng cuối năm không có biến động lớn thì dự báo lợi nhuận bình quân của ngành cả năm 2020 sẽ tăng trưởng xoay quanh 5% so với năm 2019. Đây là mức dự báo thấp nếu so với dự báo tăng trưởng ở mức 12% vào cuối quý 1/2020.
Ông Quản Trọng Thành
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO