23/01/2025

Căng thẳng tiền đồn phía bắc Biển Đông

Căng thẳng tiền đồn phía bắc Biển Đông

Tình hình liên quan quần đảo Đông Sa, ở phía bắc Biển Đông, đang trở nên căng thẳng sau khi cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều có những động thái quân sự đáng chú ý.
Xe bọc thép đổ bộ Type-05 diễn tập cùng trực thăng chiến đấu và tàu đổ bộ vận tải Type-071 /// CHINAMIL
Xe bọc thép đổ bộ Type-05 diễn tập cùng trực thăng chiến đấu và tàu đổ bộ vận tải Type-071    CHINAMIL

Trung Quốc “dàn trận”, Đài Loan “điều binh”

Theo tờ South China Morning Post, Đài Loan vừa điều động 200 binh sĩ thủy quân lục chiến khẩn cấp tới quần đảo Đông Sa. Quần đảo này nằm ở phía bắc Biển Đông và hiện do Đài Loan kiểm soát.
Động thái trên của Đài Bắc diễn ra sau khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy xe bọc thép đổ bộ Type-05, các hệ thống tên lửa – pháo phản lực đa nòng PHL-16 và PCL-191 đã được điều động đến Chiến khu miền Đông của Trung Quốc. Đây là chiến khu chịu trách nhiệm khu vực eo biển Đài Loan. Đồng thời, các loại khí tài và vũ khí trên được cho là nhằm mục tiêu vào Đài Loan.
Cụ thể, xe bọc thép đổ bộ Type-05 có thể chở được 8 binh sĩ và có khả năng di chuyển ở tốc độ 65 km/giờ trên bộ, còn dưới nước đạt gần 30 km/giờ, tầm hoạt động lên đến 500 km. Về hỏa lực, loại khí tài này có thể tích hợp pháo chính 30 mm hoặc pháo 105 mm tương đương xe tăng, hoặc tên lửa chống tăng HJ-8 với tầm bắn từ 3 – 4 km. Hiện tại, các loại tàu vận tải đổ bộ Type-071 và tàu đổ bộ Type-072, mà hải quân Trung Quốc đang vận hành, đều có thể mang theo xe bọc thép Type-05.
Còn PCL-191 là hệ thống phóng đa nòng với mỗi phương tiện vận chuyển có thể tích hợp 8 ống phóng pháo phản lực 370 mm có tầm bắn 350 km, hoặc 2 ống phóng tên lửa 750 mm tầm bắn lên đến 500 km. Hệ thống PHL-16 thì có thể khai hỏa pháo phản lực 370 mm với tầm bắn lên đến 220 km. Trong khi đó, khoảng cách hai bờ eo biển Đài Loan chỉ 180 km, nên PHL-16 lẫn PCL-191 đều có thể tấn công nhiều điểm ở đảo Đài Loan. Trung Quốc đã triển khai một lữ đoàn PCL-191 đến thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến, vốn được xem là điểm gần nhất với Đài Loan.
Căng thẳng tiền đồn phía bắc Biển Đông1

Lược đồ vị trí quần đảo Đông Sa  ĐỒ HỌA: H.Đ

Ngoài ra, tờ South China Morning Post gần đây dẫn một số nguồn tin trong quân đội Trung Quốc tiết lộ sẽ điều động một nhóm tác chiến tàu sân bay tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông. Cuộc tập trận được cho là có nhiều khả năng diễn ra trong tháng 8 này.
Cuộc tập trận bao gồm nhiều nội dung như tập trận tàu sân bay, các loại chiến hạm khác cũng như khả năng chiến đấu của nhiều loại khí tài. Cũng theo nguồn tin trên, cuộc tập trận sẽ còn bao gồm cả nội dung nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đi qua khu vực quần đảo Đông Sa. Ngoài ra, còn có một cuộc tập trận đổ bộ lên đảo, nhưng nguồn tin không chia sẻ địa điểm tiến hành tập trận.

Vai trò tiền đồn

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Gần đây, Trung Quốc có những động thái quân sự thể hiện mục tiêu nhằm vào Đông Sa, bởi có 3 lý do khiến cho quần đảo này có vai trò quan trọng như một tiền đồn mà cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều muốn kiểm soát”. Giải thích rõ hơn, ông Nagao chỉ ra 3 lý do cụ thể.
Thứ nhất, Đông Sa nằm ở rìa phía nam trong chiến lược vành đai bảo vệ mà Đài Bắc xây dựng nhằm ngăn chặn từ xa lực lượng quân sự của Trung Quốc đại lục trong trường hợp hai bên bùng nổ chiến sự. Ngược lại, với Bắc Kinh thì Đông Sa là bàn đạp có thể dùng để đổ bộ lên phía nam Đài Loan.
Thứ hai, với Bắc Kinh, Đông Sa cũng là khu vực ngăn chặn các hoạt động giữa Đài Loan với Hồng Kông.
Thứ ba, Đông Sa án ngữ ở vị trí cửa ngõ kênh Ba Sĩ vốn nằm trên hải trình mà hải quân Trung Quốc thường sử dụng để tiến về khu vực tây Thái Bình Dương hoặc băng xuống Biển Đông rồi hướng đến nam Thái Bình Dương.
Hồi tháng 4, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã đi qua kênh Ba Sĩ để tiến về phía nam của Biển Đông. Chính vì thế, nếu kiểm soát được Đông Sa, hải quân Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương mà các bên khác khó có thể theo dõi.
Chính vì vị trí mang tính tiền đồn quan trọng, nên Đông Sa trở thành điểm nóng khi quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng.
Nhật sẵn sàng ứng phó tàu cá Trung Quốc ở Senkaku/ Điếu Ngư
Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) nhận lệnh sẵn sàng đáp trả nguy cơ hàng chục tàu cá Trung Quốc được tàu hải cảnh hộ tống xâm phạm lãnh hải quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tờ The Sankei Shimbun (Nhật Bản) hôm qua (10.8) đưa tin Bắc Kinh đã thông báo với Tokyo rằng lệnh cấm tàu cá Trung Quốc hoạt động quanh Senkaku/Điếu Ngư sẽ hết hiệu lực vào ngày 16.8. Tờ báo dẫn lời một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết thông báo này là nhằm biện minh cho các hành động khiêu khích sắp tới. Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố đã ra lệnh cho JMSDF có biện pháp sẵn sàng ứng phó, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Phúc Duy
Washington – Bắc Kinh lại căng thẳng vì Đài Bắc
Nhân chuyến thăm Đài Loan 3 ngày, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar hôm qua ca ngợi sự thành công của vùng lãnh thổ này trong công tác ứng phó đại dịch Covid-19. Đây là chuyến thăm chính thức cấp cao nhất đến Đài Loan của một quan chức Mỹ trong hơn 4 thập niên qua.
“Tôi thật vinh dự khi được ở đây để truyền tải thông điệp về sự ủng hộ mạnh mẽ và tình hữu nghị từ Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Đài Loan”, Reuters dẫn lời ông Azar phát biểu.
Phản ứng diễn biến trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua đã đưa ra tuyên bố phản đối việc ông Azar thăm Đài Loan. Cùng ngày, các chiến đấu cơ Trung Quốc bay qua đường trung tuyến (ranh giới Trung Quốc đại lục – Đài Loan) ở eo biển Đài Loan, lọt vào tầm ngắm của tên lửa phòng không Đài Loan.
Liên quan bất đồng giữa Washington với Bắc Kinh, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien vừa đưa ra cáo buộc về việc một nhóm tin tặc liên hệ với chính quyền Trung Quốc tấn công mạng các hệ thống phục vụ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới.
Phúc Duy
NGÔ MINH TRÍ
TNO