Vàng tăng mạnh, nhà đầu tư vẫn lỗ đậm
Vàng tăng mạnh, nhà đầu tư vẫn lỗ đậm
Giá vàng tăng liên tục, phá vỡ mọi kỷ lục nhưng cũng nhanh chóng quay đầu đi xuống trong vài ngày qua khiến người mua từ lãi chuyển sang lỗ đậm.
Lỗ 4 triệu đồng chỉ sau một đêm
Thị trường vàng bắt đầu nổi sóng mạnh khi giá kim loại quý trên thế giới đã vượt qua mốc 2.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 4.8. Trong nước, ngay lập tức, vàng SJC nhảy vọt lên 59 triệu đồng và tiến dần lên 60 triệu đồng/lượng. Đến ngày 7.8, vàng SJC đã bứt phá, bán ra cao nhất lên 62,4 triệu đồng/lượng khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Thế nên bất chấp mức giá đang cao kỷ lục mọi thời đại, vẫn có nhiều khách hàng ôm tiền đổ vào vàng khi dự báo con sóng này sẽ tiếp tục dâng cao.
Trưa ngày 7.8 tại trụ sở Công ty SJC (Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM), chúng tôi chứng kiến có khách hàng ôm 3,3 tỉ đồng đến mua hơn 53 lượng. Thế nhưng chỉ sau một đêm, giá vàng thế giới lẫn trong nước cùng lao dốc. Vàng SJC bán ra chỉ còn 60,3 triệu đồng/lượng, mua vào là 58,5 triệu đồng/lượng. Tính nhanh, vị khách hàng mua vào 53 lượng ở giá 62 triệu đồng/lượng 1 ngày trước đó, nếu đem bán ra thì ngay lập tức, mỗi lượng vàng sẽ bị lỗ 3,5 triệu đồng. Với hơn 53 lượng vàng đã mua, sau một đêm, vàng đã khiến chủ nhân bốc hơi khoảng 185,5 triệu đồng. Với những khách chốt mua ngay giá đỉnh 62,4 triệu đồng/lượng, số lỗ còn cao hơn. Và số này không hề nhỏ. Trong bài viết tường thuật trực tiếp thị trường vàng ngày 8.7 ở Công ty SJC, chúng tôi đã cận cảnh số lượng khách hàng mua sỉ giá vàng ở mức đỉnh rất nhiều.
Ngay cả nhiều khách hàng kịp mua giá thấp trước đó thì mức lãi thật sự không như mức tăng công bố rằng vàng miếng SJC đã tăng thêm 2,37 triệu đồng/lượng/tuần. Chị Lan Ngọc (Q.3, TP.HCM) kể trong ngày đầu tháng 8, chị quyết tâm thử vận may lấy tiền ra mua 1 lượng vàng khi giá đang xoay quanh 58 triệu đồng/lượng. Trong tuần thấy giá vàng tăng liên tục, chị mấy lần định bán ra nhưng lại chần chừ sợ “ăn non”. Đến sáng thứ bảy vừa rồi, vàng sụt giảm mạnh, sợ lỗ chị vội vàng đem bán luôn, lãi hơn 1 triệu đồng/lượng.
“Cứ nói một tuần tăng mấy triệu, đâu dễ thế. Như tôi đó, nếu không canh kịp thì lỗ rồi còn gì”, chị Lan Ngọc nói. Ngay cả những khách hàng nào “lướt sóng” sáng mua giá thấp, chiều thấy vàng nhảy vọt bán ra cũng không lãi bao nhiêu vì bị các công ty vàng sử dụng “kỹ thuật phòng hộ” giảm mạnh giá mua vào. Đơn cử, sáng ngày 6.8, vàng SJC bán ra là 59,5 triệu đồng/lượng, đến trưa cùng ngày giá bán nhảy lên 62 triệu đồng/lượng. Nhưng chẳng có khách hàng nào kiếm được khoản lãi 2,5 triệu đồng/lượng như công bố vì giá mua vào vàng SJC chỉ ở mức 60,5 triệu đồng/lượng, tương đương người mua chỉ có lãi 1 triệu đồng/lượng, còn 1,5 triệu đồng đã chảy vào túi công ty vàng…
Giá vàng có thể tăng đến 4.000 USD/ounce?
Sau khi giá kim loại quý vượt mức 2.000 USD/ounce vào đầu tuần qua, ông Frank Holmes, Giám đốc điều hành của Công ty US Global Investors, đưa ra dự báo giá sẽ lên 4.000 USD/ounce (tương đương 112 triệu đồng/lượng, quy đổi theo giá USD tại Vietcombank hiện nay) trong thời gian tới. Sự điều chỉnh giá có thể xảy ra trong thời gian tới, nhưng các nhà đầu tư vàng nên mua vào khi giá giảm với kỳ vọng lạm phát sẽ tăng và lãi suất thực âm.
Trước đó, Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) vừa đưa ra dự báo giá vàng với 3 kịch bản, trong đó kịch bản cao nhất là giá vàng thế giới sẽ vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce (tương đương khoảng 84 triệu đồng/lượng) vào quý 1/2021. Vào đầu tháng 4, Ngân hàng Bank of America đã nâng mục tiêu giá vàng trong vòng 18 tháng tới có thể tăng lên 3.000 USD/ounce, cao hơn 50% so với mức dự báo 2.000 USD/ounce đưa ra trước đó…
Nhà đầu tư ôm hết rủi ro
Việc lỗ đậm hay lãi không đáng kể của người mua vàng trong tuần qua dù giá vẫn tăng mạnh chủ yếu do mức chênh lệch giữa giá mua và bán của các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý thay đổi chóng mặt. Cụ thể trong sáng 6.8, khi vàng SJC vẫn còn dưới 60 triệu đồng/lượng thì chênh lệch giữa giá mua và bán của công ty này chỉ là 1,25 triệu đồng/lượng.
|
Nhưng đến khi vàng nhảy lên trên 62 triệu đồng mỗi lượng thì mức chênh lệch đã kéo lên 1,5 triệu đồng. Một ngày sau đó, mức chênh lệch tiếp tục tăng lên 1,6 triệu đồng/lượng. Đặc biệt vào đầu ngày 8.8 khi vàng sụt giảm thì khoảng cách tại SJC đã lên đến 1,9 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch cao gấp 4 – 5 lần trong thời điểm vàng đứng yên. Thậm chí chênh lệch giá tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam trong cuối tuần qua được kéo lên 2,3 triệu đồng/lượng trong khi một tuần trước đó mức chênh lệch chỉ là 1,64 triệu đồng/lượng…
Không chỉ phòng vệ bằng mức chênh lệch giữa giá mua – giá bán, chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới cũng được đẩy lên cao trong tuần qua. Có thời điểm, vàng trong nước cao hơn thế giới gần 5 triệu đồng/lượng.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, vàng trong nước những ngày qua tăng “vượt mặt” thế giới do bất ổn cung cầu. Thông tin của các đơn vị kinh doanh cho biết, có 6 – 7 người vào mua thì chỉ 3 – 4 người bán, có thời điểm không ai bán ra nên họ buộc phải đẩy giá lên cao. Vào lúc chênh lệch giá mua và bán lên gần 2 triệu đồng và giá trong nước cao hơn thế giới 3 – 5 triệu đồng mỗi lượng thì người mua ngay lập tức đã lỗ nặng. Đáng nói, dù vàng tăng hay giảm các công ty đều duy trì mức chênh lệch mua bán gần 2 triệu đồng/lượng nên luôn lãi đậm.
Trong khi đó, tâm lý người dân những lúc giá vàng bất ổn thường hay mua vào, càng làm cho giá tăng cao. Đến khi vàng giảm, lại vội vã bán ra vì sợ còn giảm nữa. Tâm lý này đã khiến nhiều người lỗ vì mua cao bán thấp, mua đỉnh bán đáy. Ông Huỳnh Trung Khánh nhấn mạnh: Không có nước nào giá vàng lại chênh lệch khủng như ở Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước nên can thiệp thị trường để người dân không gánh rủi ro về giá như hiện nay. Điều này không ảnh hưởng đến chủ trương về chống vàng hóa trong dân.
“Để tạo nguồn cung cho thị trường, nhà nước có thể cho nhập khoảng 10 tấn nguyên liệu, tương đương 600 triệu USD để dập vàng miếng can thiệp thị trường. Dự trữ ngoại hối Việt Nam hiện nay khá dồi dào, hơn nữa giá ngoại tệ hiện cũng ở mức thấp nên biện pháp này không những bình ổn thị trường mà còn có thể tạo thêm nguồn ngân sách lớn, do chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước 3-5 triệu đồng/lượng”, ông Huỳnh Trung Khánh đề xuất.
Ý kiến chuyên gia
Vàng nhiều lần tăng sốc rồi trượt giảm sâu
Trong 25 năm hoạt động trong lĩnh vực vàng, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần vàng tăng “sốc” cũng như trượt giảm sâu. Vào năm 1997, vàng xuống còn 250 USD/ounce, thấp hơn cả giá thành sản xuất khiến các mỏ vàng ngừng khai thác.
Sau đó, sự kiện khủng bố nước Mỹ tháng 9.2001 đã kích hoạt vàng tăng liên tục và đạt đỉnh 1.923 USD/ounce vào năm 2011 nhưng sau đó cũng giảm mạnh liên tục. Nhưng trong đợt tăng giá lần này, vàng đã không đi theo chu kỳ 10 năm như nó đã từng trải qua. Trước đây, thông thường mất 3 năm vàng tăng 500 USD/ounce thì nay chỉ mất 3 tháng đã vượt mức này. Điều đó cũng khiến giá vàng có thể giảm mạnh bất cứ khi nào.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Không nên đổ tiền vào vàng lúc chênh lệch giá quá cao
Các công ty kinh doanh vàng đang nắm quyền chủ động trong việc mua bán vàng. Dựa trên nhu cầu giao dịch hằng ngày và đảm bảo cân đối cung – cầu trong hệ thống của mình nên các công ty này luôn đưa ra giá mua bán đảm bảo họ luôn có lời.
Bên cạnh đó, các công ty này cũng có khả năng dự báo và theo sát diễn biến giá vàng thế giới hơn nhà đầu tư cá nhân nên chênh lệch giữa giá mua bán trong nước với giá thế giới cũng được điều chỉnh nhanh theo hướng có lợi cho chính công ty. Vì vậy mọi rủi ro khi vàng biến động thì khách hàng đều “ôm hết”, trong khi phần lãi công ty vàng bỏ túi.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO