24/01/2025

Trung Quốc đang đẩy châu Á vào cuộc chạy đua mua sắm, chế tạo vũ khí?

Trung Quốc đang đẩy châu Á vào cuộc chạy đua mua sắm, chế tạo vũ khí?

Lo ngại trước sự tiến bộ về mặt quân sự của Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á đã phản ứng lại bằng việc tự phát triển các loại vũ khí mới hoặc tìm cách mua sắm từ nước ngoài, đẩy khu vực vào thế lưỡng nan an ninh.

 

Trung Quốc đang đẩy châu Á vào cuộc chạy đua mua sắm, chế tạo vũ khí? - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ trực thăng Type 075 của Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm trên biển ngày 5-8 – Ảnh chụp màn hình

Hồi đầu tuần này, tàu đổ bộ trực thăng Type 075 đầu tiên của Trung Quốc đã thử nghiệm trên biển, một bước tiến gần hơn tới việc đưa nó vào trực chiến.

Với lượng choán nước khoảng 45.000 tấn, Type 075 tương đương một tàu sân bay hạng nhẹ và là tàu chiến mặt nước lớn thứ hai tại Đông Á, chỉ sau tàu sân bay Liêu Ninh cũng của Trung Quốc.

Trong vòng 3 năm, Bắc Kinh đã hạ thủy được hai chiếc Type 075 trong lúc đẩy mạnh việc lắp ghép tàu sân bay Type 003. Theo giới quan sát quân sự, Type 003 sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị máy phóng máy bay (CATOBAR) tương tự các tàu sân bay Mỹ.

Trung Quốc cũng tăng tốc thử nghiệm khu trục hạm Type 055 – tàu khu trục lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương với lượng choán nước hơn 10.000 tấn. Bắc Kinh kỳ vọng đây sẽ là loại tàu đóng vai trò xương sống trong việc bảo vệ hạm đội tàu sân bay tương lai.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã bắt tay vào kế hoạch đóng tàu sân bay hạng nhẹ có khả năng triển khai tiêm kích F-35B do Mỹ sản xuất. Loại tiêm kích thế hệ thứ 5 này có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng với điều kiện boong tàu được thiết kế thích hợp.

Một số nhà quan sát quân sự nói động thái của Seoul là nhằm đáp trả lại việc Nhật cải tạo boong tàu sân bay trực thăng Izumo để tiếp nhận F-35B. Số khác chỉ ra động thái của Tokyo xuất phát từ mối lo ngại với kế hoạch phát triển tàu sân bay của Trung Quốc, do hai nước này đang tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Trong quan hệ quốc tế, các động thái như trên được xem là hệ quả của tình trạng lưỡng nan an ninh: khi một nước tìm cách đảm bảo an ninh cho chính mình, nó lại tạo ra sự bất an và cảm thấy mất an ninh ở nước khác.

Trung Quốc đang đẩy châu Á vào cuộc chạy đua mua sắm, chế tạo vũ khí? - Ảnh 2.

UAV tấn công Wing Loong II của Trung Quốc – Ảnh chụp màn hình

Theo báo South China Morning Post (SCMP), một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy để đối phó lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, các nước nhỏ hơn trong khu vực đã tìm kiếm các loại vũ khí nhỏ, thông minh như máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình.

Nhật Bản hiện đang phát triển một loại tên lửa chống hạm có tốc độ siêu thanh để đối phó với nhóm tàu sân bay của Trung Quốc. Được định danh ASM-3, loại tên lửa này có thể được bắn từ các tiêm kích F-2 của Nhật Bản, vốn được sản xuất dựa trên F-16 của Mỹ.

Cũng theo SCMP, Hàn Quốc và Đài Loan đã sở hữu tên lửa có tầm bắn trên 1.500km, đủ sức đe dọa các căn cứ Trung Quốc. Một số chỉ dấu gần đây cho thấy các căn cứ triển khai tên lửa chiến lược của Trung Quốc đã được dời vào sâu trong lục địa.

Indonesia và Malaysia đã tìm cách phát triển các UAV quân sự trước các động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông. Jakarta đã đặt mục tiêu sẽ ra mắt UAV chiến đấu Elang Hitam trong vòng 4 năm tới.

‘UAV sẽ là một giải pháp tiện lợi và giá rẻ đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông. Ví dụ, nếu muốn nắm tình hình thực địa, chỉ cần triển khai UAV thay vì điều tàu chiến và máy bay’, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định với SCMP.

BẢO DUY
TTO