Hạt điều và ngành gỗ ‘lội ngược dòng’
Hạt điều và ngành gỗ ‘lội ngược dòng’
Tưởng chừng đổ vỡ, không thể đạt mục tiêu do COVID-19 nhưng hai ngành gỗ và hạt điều nhờ nắm bắt tốt thông tin, nhanh nhạy nên đã đạt kết quả tích cực…
Theo Tổng cục Thống kê, hạt điều của VN trong 7 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 1,7 tỉ USD (gần 40.000 tỉ đồng), dù giảm 4% về giá trị nhưng vẫn tăng trên 10% về lượng.
Chớp được cơ hội từ dịch bệnh
Cụ thể hơn, theo thông tin từ Hiệp hội Điều VN, lượng xuất khẩu vào Mỹ cập nhật hết 6 tháng đầu năm của hiệp hội đã tăng gần 25% về lượng và 10% về trị giá so với cùng kỳ.
Có được kết quả này, ngoài thông tin định kỳ hằng quý, hiệp hội đã thành lập hội đồng chuyên phân tích thông tin đặt trong bối cảnh COVID-19, họp online liên tục để đưa ra các thông tin, khuyến cáo doanh nghiệp để có hướng xúc tiến thị trường hiệu quả.
Cụ thể như khi Bờ Biển Ngà tăng dữ trự hàng trăm ngàn tấn điều nhân, hiệp hội đã nhanh chóng thông tin cho các doanh nghiệp “xí” thị phần của nước này và bán ra lượng lớn. Hay nhờ tích cực làm việc với hiệp hội tại Mỹ, các cơ quan ngoại giao nên các doanh nghiệp đã tăng mạnh lượng xuất vào thị trường này.
“Người Mỹ rất thích dùng hạt điều, năm nay giá bán phù hợp nên họ chọn. Do đó nếu biết nắm bắt thị trường, doanh nghiệp vẫn sống ổn” – ông Phạm Văn Công, chủ tịch Hiệp hội Điều VN, nói.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu điều tại TP.HCM, nhờ thông tin phân tích thị trường, VN nhập được lượng lớn điều thô châu Phi với giá tốt nhất trong hàng chục năm qua, từ đó sản xuất điều nhân với giá thành tốt, tránh thua lỗ.
Theo hiệp hội điều, những tháng cuối năm dù khó khăn nhưng lượng xuất dự kiến không giảm nhờ có đơn hàng ổn định. Thậm chí, thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh lượng nhập so với đầu năm nhờ người dân quen dần với dịch COVID-19 và được các hỗ trợ từ chính phủ.
Nông dân, doanh nghiệp “không nản”
Trữ hơn 10 tấn điều thô trong hơn 2 tháng qua và thuê 5 mẫu điều cho niên vụ tới, bà Nguyễn Thị Nga (xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cho hay việc trữ hàng nông sản trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, là điều bình thường, nên khi thị trường gặp khó vì rơi vào giai đoạn dịch COVID-19, gia đình càng có lý do để trữ hàng, thậm chí mua thêm vào chờ giá lên.
Dù giá thấp kéo dài với hiện chỉ từ 40.000-45.000 đồng/kg tiêu khô nhưng ông Quang (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cũng kiên trì đổ vốn chăm sóc hơn 2ha hồ tiêu của mình. “Dịch COVID-19 rồi cũng qua. Đầu tư sản xuất thời điểm này để sẵn sàng nắm cơ hội khi thị trường ổn định trở lại” – ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng – tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) – cho biết hiện đơn vị đã phục hồi lại 80-90% đơn hàng trái cây xuất khẩu so với bình thường và đang có kế hoạch mở rộng thêm thị trường do đơn hàng xuất khẩu hiện khá tốt.
Ngành gỗ vẫn tăng trưởng nhờ thị trường quen và chuyển đổi số
Theo ông Nguyễn Chánh Phương – phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tính đến hết tháng 7, trị giá xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Không bằng mức tăng trưởng 17-18%/năm như trước đây nhưng kết quả trên vẫn là tín hiệu rất tốt trong bối cảnh nhiều ngành hàng khác có số liệu tăng trưởng âm do COVID-19.
Ngành gỗ cho đến nay là một trong những ngành chưa giảm sâu do người dân các nước ở nhà nhiều hơn, sức mua các mặt hàng nội thất tăng đáng kể. Ngoài ra, hiện nay thị trường các nước xuất khẩu chính của VN đang bước vào mùa hè, một khi không thể đi du lịch, người dân sẽ tập trung chăm chút cho không gian sống của mình.
Tuy vậy, ông Chánh Phương cho biết những doanh nghiệp chuyên cung cấp nội thất cho các khách sạn, công sở đang chịu giảm đến 90% doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Phương, trong khó khăn, HAWA vẫn ghi nhận nhiều công xưởng, nhà máy đang hoạt động ngày đêm để kịp các đơn hàng. Tại sao ngành gỗ vẫn bán được hàng?
Theo đại diện HAWA, thực tế hiện nay các doanh nghiệp đang bán những đơn hàng cũ, mẫu mã cũ theo dạng gia công OEM. Khách hàng mới chưa nhiều. Thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt vừa tham gia showroom 3D, giới thiệu gian hàng trên các nền tảng số ngay lập tức đã có khách.
N.BÌNH