Chuyên gia thế giới: ‘Khả năng vắc xin tiêu diệt hết virus corona là rất mong manh’
Chuyên gia thế giới: ‘Khả năng vắc xin tiêu diệt hết virus corona là rất mong manh’
Chuyên gia và giới chức y tế thế giới cảnh báo các loại vắc xin phòng COVID-19 đang phát triển nhiều khả năng hiệu quả sẽ không cao, tức chỉ giúp làm chậm đại dịch chứ không khiến virus corona biến mất.
Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn chống dịch COVID-19 của Chính phủ Mỹ, vừa cảnh báo khả năng các nhà khoa học tạo ra được một loại vắc xin COVID-19 hiệu quả cao – tức có thể bảo vệ gần như tất cả cộng đồng – là rất mong manh.
“Các nhà khoa học hi vọng tạo ra được vắc xin có hiệu quả bảo vệ ít nhất 75%, nhưng 50-60% là đã có thể chấp nhận được. Cơ may nó hiệu quả 98% là không nhiều. Điều này đồng nghĩa anh không bao giờ được buông bỏ các biện pháp tiếp cận sức khỏe cộng đồng.
Anh cần phải xem vắc xin như một công cụ biến đại dịch không còn là đại dịch, làm sao để nó giảm xuống một quy mô chúng ta có thể kiểm soát được”, bác sĩ Fauci mô tả trong buổi nói chuyện tại Đại học Brown (Mỹ) cuối tuần này.
Theo Đài CNBC, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sẽ phê chuẩn vắcxin COVID-19 với điều kiện nó an toàn và hiệu quả ít nhất 50%.
Bác sĩ Stephen Hahn, lãnh đạo FDA, từng nói vắc xin phải chứng minh được hiệu quả trên 50%, nhưng cũng có khả năng Mỹ chỉ tìm ra được một loại vắc xin hiệu quả trung bình 50% – tức giảm nguy mắc COVID-19 ở người khỏe mạnh còn một nửa.
“Chúng tôi cảm thấy đó là mức tối thiểu cần phải đạt được. Hầu hết chuyên gia bệnh truyền nhiễm đều đồng ý rằng tiêu chuẩn đó là khả dĩ, dù tất nhiên ai cũng hi vọng hiệu quả vắc xin sẽ cao hơn”, bác sĩ Hahn cho biết.
Một loại vắc xin COVID-19 hiệu quả 50% sẽ tương đương với vắc xin cúm hiện nay nhưng thấp hơn hiệu quả của vắc xin bệnh sởi (đạt 93%), theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC).
Giới chức y tế và các nhà khoa học hi vọng đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ biết được liệu trong số hàng trăm vắc xin đang phát triển trên thế giới có loại nào vừa an toàn mà hiệu quả không. Các công ty dược như Pfizer và Moderna đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hồi tuần trước.
Nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có gì đảm bảo. Bác sĩ Anthony Fauci từng nói ông lo lắng nếu virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) mang đặc tính giống các loại virus corona khác, vắc xin có thể sẽ không có hiệu quả bảo vệ lâu dài.
Mới tuần này, Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra cảnh báo tương tự, rằng vắc xin không phải “viên đạn bạc” tiêu diệt hoàn toàn con virus. Ngoài ra, cũng cần phải hiểu chưa có loại vắc xin nào sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.
“Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 không có nghĩa là sắp xong. Giai đoạn 3 có nghĩa đây là lần đầu tiên vắc xin được thử nghiệm trên người bình thường khỏe mạnh, để xem có bảo vệ được khỏi lây nhiễm tự nhiên không”, bác sĩ Mike Ryan của WHO giải thích trên Đài NBC.
Theo Đài ABC của Úc, nhiều chuyên gia nhận xét đó là lời cảnh tỉnh cần thiết cho thế giới vào lúc này để chúng ta có thể bắt đầu hình dung một tương lai (nếu lỡ) không có vắc xin COVID-19.
“Cảnh báo đó là cần thiết. Chúng ta sẽ không chứng kiến nhiều thay đổi trong 1-2 năm tới, vậy nên hãy thắt dây an toàn thôi.
Giả sử nếu có vắc xin ngay hôm nay, sẽ cần khoảng 18 tháng trước khi nó xuất hiện ở một phòng khám gần nhà bạn. Thậm chí đến lúc đó chúng ta cũng không biết mức độ bảo vệ của nó là bao nhiêu, nhất là đối với người dễ tổn thương bởi COVID-19 như người già và người mang bệnh nền.
Chúng ta cần lên lên kế hoạch cho kịch bản xấu nhất, đơn giản là sống chung với với COVID-19 trong một thời gian dài”, giáo sư Bruce Thompson của Đại học Swinburne (Úc) bình luận.