ASEAN trước ‘bài toán’ Mỹ – Trung
ASEAN trước ‘bài toán’ Mỹ – Trung
Cả công khai lẫn bí mật, Mỹ lẫn Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo ASEAN về phía mình. Suốt một tháng kể từ khi Mỹ tuyên bố lập trường mới về Biển Đông, chuông điện thoại từ Washington và Bắc Kinh liên tục reo ở một số nước Đông Nam Á.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bước qua tuổi 53 vào hôm qua 8-8. Vượt qua được những nghi kỵ và chấp nhận sự đa dạng nội khối để cùng phát triển trong hơn nửa thế kỷ, ASEAN hiện đang đứng trước thách thức lớn đến từ ngoại khối: cuộc đấu giữa hai người khổng lồ Mỹ và Trung Quốc tại điểm nóng Biển Đông.
Đừng buộc chúng tôi phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ” hay những từ ngữ có tác dụng như vậy là thần chú hiện tại của nhiều nước Đông Nam Á.
Donald K. Emmerson (học giả Mỹ chuyên nghiên cứu về ASEAN)
Mỹ – Trung đua nhau thăm dò
Đối với các nước ASEAN, tháng 7 mở đầu bằng hai cuộc tập trận nắn gân nhau của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông.
‘Thiện chí hay ước ao không giúp có được đảm bảo tự do đi lại. Nhưng sức mạnh thì có thể. Biển Đông là tấm gương trước mắt’ – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper từng mạnh mẽ tuyên bố trên Twitter cá nhân ngày
12-7, khi các tàu sân bay Mỹ đang rẽ sóng ở Biển Đông. Không lâu sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lập trường mới của Mỹ về tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, bác bỏ yêu sách ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc và lên án các hành vi quấy rối, bắt nạt các nước trong khu vực.
Tuyên bố ngày 14-7 của ông Pompeo đã mở màn cho một giai đoạn thăm dò ngoại giao sôi động ở Đông Nam Á. ASEAN có 10 nước thì ngoại trưởng Mỹ đã điện thoại hết 6 nước liên quan trực tiếp tới Biển Đông hoặc có tiếng nói trong khu vực.
Ngoại trừ Brunei, đến giờ ông Pompeo gọi cho nước nào thì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng gọi tới nước đó, trong một số trường hợp còn chủ động hơn Mỹ.
Chẳng hạn trong ngày 14-7, ông Vương Nghị đã gọi điện đến Philippines và kêu gọi Manila ‘nhìn về phía trước, đừng ngoảnh lại phía sau’. Ông cũng đồng thời đưa ra nhiều hứa hẹn hợp tác chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kinh tế cho Philippines – nước được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ lập trường mới của Mỹ.
Khoảng một tuần sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc nói chuyện với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte. Cuộc điện đàm có lẽ đã được giữ kín nếu ông Duterte không tiết lộ trong bài phát biểu trước quốc hội vào ngày 27-7.
Trong mỗi thông cáo sau các cuộc điện đàm, Bộ Ngoại giao Mỹ đều nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington và tầm quan trọng của thượng tôn luật quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ở phía bên kia, dựa trên những gì được Trung Quốc công bố, nội dung điện đàm xoay quanh hai chuyện: thứ nhất, Bắc Kinh cam kết giúp các nước chống dịch và hợp tác kinh tế; thứ hai, Mỹ là nước ngoài khu vực đang tìm cách gây bất ổn.
ASEAN thận trọng
Phản ứng của các nước ASEAN trước lập trường mới của Mỹ về Biển Đông đều né tránh đề cập tới Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, các nước chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Giới quan sát không bất ngờ trước phản ứng mang tính ‘truyền thống’ này. Một vài học giả trong khu vực, tuy vậy, lưu ý việc Brunei – quốc gia được xem là im lặng nhất trong vấn đề Biển Đông, cũng lên tiếng vào dịp này.
Brunei sẽ giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2021 – năm mà Trung Quốc đặt ra mục tiêu hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử các bên trên Biển Đông (COC) với ASEAN.
Sự khác biệt về lợi ích và cách tiếp cận của mỗi nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông dẫn tới các lo ngại khối này sẽ bị chia rẽ, làm phát sinh những lời kêu gọi không chọn phe từ một số nước.
‘Không nên để tranh chấp Biển Đông trở thành vấn đề gây mất đoàn kết nội bộ ASEAN. Khi đối mặt với các siêu cường, chúng ta phải đoàn kết như một khối, để sức mạnh của chúng ta được hiệp đồng một cách hiệu quả’ – Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi hôm 5-8.
Theo giới phân tích, Mỹ và Trung Quốc có lẽ đã rút ra được một số kết luận sau các cuộc điện đàm tới Đông Nam Á. Những đánh giá này có thể dẫn tới các động thái mới hoặc không. Cách ASEAN phản ứng tiếp tục cho thấy khối này vẫn thận trọng với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.