24/01/2025

Những “quả đấm thép” ra sao sau tái cơ cấu ?

Những “quả đấm thép” ra sao sau tái cơ cấu ?

Được “nắn” đúng hướng, không ít tập đoàn, tổng công ty làm ăn có lãi.
Xi măng Hạ Long từ thua lỗ lớn, nguy cơ mất vốn nay đã có lãi, nộp ngân sách lớn và tự cơ cấu dòng tiền trả nợ /// Ảnh: Tiêu Phong
Xi măng Hạ Long từ thua lỗ lớn, nguy cơ mất vốn nay đã có lãi, nộp ngân sách lớn và tự cơ cấu dòng tiền trả nợ  ẢNH: TIÊU PHONG

Đứng lên từ vũng lầy

Từng một thời được ví như “con tàu đắm”, ngập trong thua lỗ, nợ nần, nhưng đến nay, theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, trong năm 2019, sản lượng vận tải biển của Vinalines đạt 23 triệu tấn, vượt 15,6% với kế hoạch, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 266 tỉ đồng.
Sau bao sóng gió với cuộc khủng hoảng của giá dầu và các vụ án tham nhũng, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) tái cơ cấu đã có kết quả tích cực hơn. Năm 2019, khai thác dầu trong nước vượt 6,2% kế hoạch năm (tổng sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 11,04 triệu tấn; tổng doanh thu đạt trên 736.000 tỉ đồng, vượt 20% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2018; nộp ngân sách 108.000 tỉ đồng, vượt 23,5% kế hoạch.

Quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên cũng mang lại nhiều điểm sáng. Xi măng từ khủng hoảng thừa, nợ nần cũng đã dần đi vào quỹ đạo với lựa chọn công nghệ môi trường bền vững. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không nhiều tập đoàn làm được như vậy và chúng ta rất nên ủng hộ để họ tiếp tục phát triển lớn mạnh.

TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính)

Một trong những “điểm sáng” khác là Tổng công ty xi măng VN (Vicem). Trước năm 2015, các nhà máy xi măng “mọc như nấm sau mưa” khiến cung vượt cầu, nhiều công ty rơi vào thua lỗ, nhà nước phải đứng ra gánh nợ thay cho các khoản bảo lãnh, như: xi măng Sông Thao, xi măng Hạ Long… Sau 4 năm cơ cấu lại, kết quả giai đoạn 2015 -2020, Vicem đạt tổng lợi nhuận trước thuế 14.778 tỉ đồng (bình quân 2.955 tỉ đồng/năm), tăng 2,3 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Đáng chú ý, Vicem nộp ngân sách 11.584 tỉ đồng, tăng 1,97 lần so với giai đoạn 2011 – 2015…

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết năm 2017, tổng doanh thu của tổng công ty này đạt 2.714 tỉ đồng (tăng 205% so với năm 2016); lợi nhuận thực hiện đạt 1.403 tỉ đồng (tăng 529% so với năm 2016)…
Đối với Nhà máy xi măng Hạ Long (XMHL), trước khi tái cơ cấu, tổng tài sản 5.361 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là 8.029 tỉ đồng, lỗ lũy kế 3.649 tỉ đồng. Quỹ tích lũy Bộ Tài chính đã phải trả nợ thay 7 kỳ cho các ngân hàng nước ngoài với tổng số tiền 52,2 triệu euro.
Kể từ khi về Vicem vào năm 2016, Công ty cổ phần XMHL đã trả được các khoản nợ trong năm 2017, 2018. Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, XMHL đã tự cân đối và trả nợ nghĩa vụ phát sinh của các khoản vay lại vốn vay ADB (1,6 triệu USD), khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh (20 triệu euro), khoản vay lại NIB
(3,3 triệu euro). Tổng dư nợ các khoản vay nước ngoài khoảng 27,43 triệu USD và 21,4 triệu euro. Công ty đã tự cân đối và trả nợ nghĩa vụ phát sinh từ Quỹ Tích lũy là 29,17 triệu euro… Tại xi măng Sông Thao, khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho dự án đã hoàn thành nghĩa vụ nợ với bên cho vay nước ngoài và đã thu hồi bảo lãnh.

Dám đương đầu, không sợ trách nhiệm

Theo các chuyên gia, tư duy nhiệm kỳ, sợ trách nhiệm… là nguyên nhân chính khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty tái cơ cấu nửa vời. Ngược lại, nơi nào dám làm, không ngại khó, tư duy sáng tạo, sẽ hái được “trái ngọt”. Tại cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong năm 2020, khi đề cập đến vấn đề con người, Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ rõ tâm trạng ngại việc, sợ trách nhiệm, sợ làm là dính đến quy định của pháp luật nên cầm chừng, thoái lui.
“Anh nào cũng muốn có vị trí, được bổ nhiệm, nhưng đề xuất thì sợ trách nhiệm. Anh nào sợ trách nhiệm thì thôi xin nghỉ để người khác làm, nếu trì trệ quá, không hoàn thành nhiệm vụ phải kiểm điểm, kỷ luật…”, Phó thủ tướng nói.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường và Phát triển cộng đồng, đánh giá: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm của các vị lãnh đạo. Một nhiệm kỳ chỉ có 5 năm, nếu anh nào cũng tư duy giữ ghế, né trách nhiệm thì sẽ chẳng làm nổi việc gì. PVN, Vicem đã trải qua những giai đoạn làm ăn khó khăn, thua lỗ và nhà nước phải gánh nợ thay. Đến nay, nhiều công ty con làm ăn có lãi, tự trả nợ được, đó là điều rất tích cực. Nỗ lực thay đổi các nguồn nguyên liệu không tái tạo (than, đá vôi, đất sét…) bằng rác thải, bùn thải công nghiệp tạo chuỗi sản xuất kinh doanh tuần hoàn, khép kín vừa tăng năng suất vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lại xử lý được rác thải công nghiệp và sinh hoạt cho nhiều ngành nghề khác là rất đáng ghi nhận.
PGS-TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, tái cơ cấu các “ông lớn” nhà nước khó trăm bề. Thua lỗ, nợ nần, khởi tố, bắt giữ, tham nhũng… chỉ nghĩ đến đó thì nhiều lãnh đạo đã “sợ vỡ mật”, còn nghĩ gì đến cải tiến, sáng tạo. Đó là chưa kể đến nhóm lợi ích cũ họ chống lại khi việc cắt bỏ các khối u, sáp nhập nhà máy khiến nhiều người mất ghế, mất nồi cơm. “Xi măng, dầu khí là những ngành trải qua nhiều sóng gió. Nhiều công ty trước kia nợ nần như chúa chổm, giờ làm ăn có lãi, tự cân đối dòng tiền, lương lao động 13 – 14 triệu đồng/tháng là quá tốt”, ông Long đánh giá.
Chủ tịch Vicem Bùi Hồng Minh chia sẻ, giai đoạn 2015 – 2020, ban lãnh đạo của tổng công ty chỉ đạo tái cấu trúc mô hình, áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến và thực hiện kỷ luật công nghệ, tập trung xử lý “nút thắt”; nghiên cứu triển khai thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng. Vẫn theo Chủ tịch Vicem, cấu trúc bộ máy của một doanh nghiệp nhà nước mang tính quyết định tới thành công. Vicem không đụng đến kinh doanh của các thành viên mà chỉ có bộ máy điều hành theo mô hình holding (quỹ đầu tư). Công ty mẹ Vicem chỉ đầu tư vốn, quản trị, giám sát, định hướng chiến lược, tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.
“Công ty mẹ phải đủ khả năng dẫn dắt các công ty con đi đúng hướng, đúng đường ray, chứ chúng tôi không ký từng hợp đồng than, bán từng tấn xi măng. Một người ở công ty thành viên bên dưới làm mà lãnh đạo trên công ty mẹ đứng ra ký hợp đồng, chắc chắn sẽ xung đột lợi ích, làm sao họ tự chủ kinh doanh để phát triển được”, ông Minh bày tỏ.
ANH VŨ
TNO