24/01/2025

Kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao

Kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao

Để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh kiến thức đã học thì kỹ năng làm bài giúp thí sinh tối ưu bài thi của mình.
Học sinh lớp 12 nhận giấy báo dự thi chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tuần này /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Học sinh lớp 12 nhận giấy báo dự thi chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tuần nàyẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Viết đúng, viết đủ khi làm bài môn ngữ văn

Giáo viên Phạm Thị Thanh Nga, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), chia sẻ: “Thời tiết tháng 8 không dễ chịu, không khí phòng chấm thi thường rất căng thẳng nên giám khảo sẽ dễ bực mình khi gặp phải những bài thi hoành tráng về số chữ nhưng mỏng manh về nội dung. Đã thế văn chương các em vừa lủng củng vừa rối rắm khiến người chấm cảm thấy “hại não” lẫn đau mắt. Một khi bài làm đã không gây thiện cảm với giám khảo thì điểm của bài cũng khó cao”.
Vì vậy, ngay ở phần đọc hiểu văn bản, cô Thanh Nga lưu ý điều đầu tiên các thí sinh (TS) cần làm là tuân thủ phương châm: Viết đúng, viết đủ hơn viết dài, viết dai và viết thừa. Nên trả lời thẳng vào vấn đề chứ không dẫn dắt dài dòng rồi mới bắt đầu đi vào trọng tâm.
“Chẳng hạn, không đưa ra tất cả các phương thức biểu đạt khi đề yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính, không cố nói nguyên nhân khi trong đề không hỏi vì sao”, cô Nga đưa ra lời khuyên.
Khi viết đoạn nghị luận xã hội, đề yêu cầu bàn về ý nghĩa thì chỉ nói về ý nghĩa, không giải thích, mở rộng, phê phán, bài học. Hay đề yêu cầu đưa ra giải pháp thì chỉ tập trung vào giải pháp, không giải thích, chứng minh, mở rộng, phê phán… Để đoạn văn thuyết phục người đọc, TS nên có nhiều lý lẽ nhưng tất cả các lý lẽ ấy đều phải phục vụ cho luận điểm chính của đoạn văn.
Ở phần nghị luận văn học, những năm trước, TS thường rơi vào tình trạng diễn xuôi thơ hoặc kể chuyện về nhân vật. Thay vì chú trọng đến những điểm sáng nghệ thuật của văn bản, các em chỉ thuần túy nêu lại nội dung văn bản. Nên khi làm bài thi, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ năng phân tích dẫn chứng thì cần lưu ý xác định những nội dung chính của mỗi tác phẩm. Với mỗi nội dung, cần học thuộc một số dẫn chứng và ghi nhớ những điểm đáng chú ý về nghệ thuật.
Những lưu ý trên, theo cô Nga, chính là chìa khóa để vượt qua những lo lắng khi làm bài môn ngữ văn.

Tránh những lỗi hay mắc phải trong môn toán

Đối với môn toán, thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cũng chỉ ra một vài sai lầm TS những năm trước hay mắc phải để lưu ý TS năm nay. Chẳng hạn như đọc không kỹ đề hoặc nhầm lẫn giữa các khái niệm. Đem kết quả trong trường hợp đặc biệt để kết luận cho trường hợp tổng quát là không đúng. Không đặt điều kiện, hoặc đặt điều kiện không đúng dẫn đến thừa hoặc thiếu đáp số. Không xét hết các trường hợp có thể xảy ra đối với bài toán mang tham số.
Theo thầy Toàn, từ cấu trúc đề thi, TS cần chuẩn bị kỹ năng làm bài cho từng phần để đạt kết quả tốt nhất. Cụ thể, mức độ dễ thể hiện trong 25 câu đầu, trong đó đề chỉ yêu cầu tái hiện các kiến thức cơ bản và có nhiều câu chỉ đòi hỏi kiểm tra công thức, kể cả các công thức liên quan đến lớp 11. Do vậy cần đánh giá nhanh câu dẫn để loại bỏ ngay các phương án sai hoặc thấy ngay phương án đúng.
Trong 13 câu tiếp theo cần kết hợp một số kỹ năng giải toán. Đối với các câu cần tính toán, có thể lấy kết quả của phương án thay vào câu hỏi hoặc sử dụng máy tính.
Tiếp đến, 12 câu sau ở mức độ khó dần, phần này nên làm thành nhiều lượt. Trước hết làm các dạng câu đã được chuẩn bị tốt ở nhà, sau đó dành thời gian cho các câu còn lại và không nên dừng quá lâu cho một câu hỏi nào đó.
Trong quá trình làm bài, theo thầy Toàn, nếu không nhận ra phương án đúng thì nên sử dụng phương pháp loại trừ để chỉ ra chỗ không hợp lý nếu có trong mỗi phương án. Ngoài ra có một số câu hỏi mang tính tổng quát thì chuyển ngay bài toán đó về dạng đặc biệt để giải.

Chọn phần thế mạnh để lấy 50% điểm

Theo thầy Phạm Hùng, giáo viên Trường THPT Marie Curie (Q.3), ngoài yếu tố tự tin, để làm bài thi tiếng Anh đạt hiệu quả tối ưu thì kỹ năng làm bài rất cần thiết.
Và đề thi có 2 phần rõ nhất, phần 1 (50% số điểm) bao gồm: ngữ âm (phonetics) 4 câu, giao tiếp (speaking) 2 câu, ngữ pháp (grammar) 9 câu, từ vựng (vocabulary) 10 câu. Phần 2 (50% điểm) bao gồm: đọc hiểu (reading) 17 câu, viết (writing) 4 câu, tìm lỗi sai (error identification) 4 câu.
TS nên giải quyết phần chủ lực (thế mạnh) trước để lấy 50% số điểm. Tùy năng lực của mỗi TS mà chọn phần nào là chủ lực của mình. “Và nếu là phần chủ lực thì chúng ta nhất định phải lấy từ 3 điểm đến 5 điểm. Số điểm còn lại tùy vào khả năng các TS để nâng điểm bài thi của mình”, thầy Hùng nhấn mạnh.
BÍCH THANH
TNO