18/11/2024

Kiếp ve chai: ‘Ốc đảo’ ve chai

Kiếp ve chai: ‘Ốc đảo’ ve chai

“Rác của người ta, cơm áo của mình” là câu cửa miệng của những người mưu sinh dựa vào ve chai. Hàng tháng trời theo chân “dân lượm rác”, PV Thanh Niên xin gửi đến bạn đọc những câu chuyện chân thật nhất.
Phòng trọ tạm bợ trong “ốc đảo ve chai” /// NHƯ LỊCH
Phòng trọ tạm bợ trong “ốc đảo ve chai” NHƯ LỊCH
Tại TP.HCM, có những xóm ve chai tập trung người lượm rác hoặc mua bán phế liệu. Một trong những xóm tồn tại khá lâu và có cái tên dân dã đặc biệt là “ốc đảo ve chai” (QL50, Q.8).
Qua sự kết nối của anh Nguyễn Hồng Phúc (nhân viên công tác xã hội), chị S., cư dân “ốc đảo ve chai”, đồng ý gặp tôi trước Trạm điều hành xe buýt Q.8. Đúng hẹn, mặc cho tôi gọi điện, nhắn tin liên tục, chị S. vẫn không trả lời và cũng chẳng xuất hiện. Tôi chợt nhớ lời S. trong lần trò chuyện trước đó: “Em không có điện thoại. Đây là máy em mượn của mẹ”.
Anh Phúc không cung cấp địa chỉ cụ thể cho tôi đến “ốc đảo ve chai” bởi anh cho rằng nếu người dân tự nguyện dẫn tôi vào nơi ở của họ sẽ hay hơn. Vốn xuất thân từ trẻ đường phố, anh Phúc chia sẻ: “Có nhiều nhà báo nhờ giới thiệu “ốc đảo ve chai” nhưng em ngại khi báo đăng lên, họ sẽ bị ảnh hưởng đủ điều từ con cái cho đến công việc, nơi trú ngụ… Em sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh như họ, nên luôn muốn bảo vệ họ”.

Ba đời lượm rác

Tôi lần mò hỏi thăm đường vào “ốc đảo ve chai”. Đến giữa con hẻm gần Trạm điều hành xe buýt Q.8, thấy một phụ nữ trạc 30 tuổi đẩy xe ba bánh cùng mấy đứa trẻ, tôi buột miệng kêu: “Có phải chị S. không?”. May thay, đáp lại tôi là cái gật đầu!
Tôi đi bộ cùng mẹ con S. lượm rác dọc QL50, qua cầu Nhị Thiên Đường rồi cầu Chà Và… Trong khi S. bới các bịch rác, hai đứa con lớn của chị (con trai 11 tuổi, con gái 8 tuổi) tản ra hai bên bán vé số, thằng út (6 tuổi, chưa đi học) ngồi trong thùng xe. Khi chị S. dừng lại chờ hai đứa con, thằng út trèo lên thành xe âu yếm hôn mẹ, cười nắc nẻ. Trong khoảnh khắc đó, tôi bắt gặp nụ cười hiền trên gương mặt đẹp mà buồn rười rượi của chị S.
Tới cầu Nhị Thiên Đường, thằng út phát hiện anh nó dưới chân cầu liền la lên: “Anh Hai không chịu đi kìa mẹ! Chắc định vô tiệm nét (internet) chơi đó”. S. nhờ tôi giữ xe, tất tả chạy xuống rồi chạy lên, gào khản giọng: “Lẹ lên, tối rồi. Ở dưới đó sao qua cầu được!”. Thấy anh mình ngồi ì, thằng út và con bé giữa thay nhau hét: “Lẹ đi, không tao xuống đá mày bây giờ”. Lập tức, thằng anh chạy như bay lên cầu, lao vào hai đứa em. Thằng út trúng đòn, khóc thảm thiết. Quay sang tôi, chị S. bất lực phân trần: “Thằng lớn là con riêng của em. Lâu lâu nó trở chứng, ôm tiền bán vé số đi chơi game”.
S. cho hay gia đình chị đã ba đời lượm ve chai, từ bà nội cho đến ba mẹ và chị em của S. Cũng như nhiều đứa trẻ trong “ốc đảo ve chai”, từ nhỏ S. đã đi lượm rác và mù chữ. S. tâm sự đôi khi thấy cuộc đời quá mờ mịt, không nhà cửa, sống tạm bợ trong “ốc đảo”, chị lại ngã vào ma túy. Hai tháng nay, S. cai nghiện trở về với căn bệnh nan y. Một người thân của chị S. chia sẻ: “Lần này, tui thấy S. lo làm và quan tâm con hơn. Có lẽ nó sợ căn bệnh đó ảnh hưởng mạng sống của mình”.
Chị S. gò lưng đẩy xe ve chai và thằng út ngồi trong thùng xe lên cầu Chà Và cao và dài, hai đứa trẻ lút cút chạy theo. Hằng đêm, mẹ con chị kiếm sống trên nhiều tuyến đường, hướng về khu Chợ Lớn. Khuya, thậm chí có những hôm đến tận 1 – 2 giờ sáng, mấy mẹ con bơ phờ trở về “ốc đảo”. Ve chai nhặt được, chị S. dồn một tuần bán được khoảng 300.000 – 400.000 đồng.
Kiếp ve chai: 'Ốc đảo' ve chai1

Hằng đêm, chị S. lượm ve chai kiếm sống

Ốc đảo… “nợ nần”

“Ốc đảo ve chai” là xóm lao động nằm cuối một con hẻm ngoằn ngoèo thuộc P.5, Q.8. Nơi đây có nhiều người nhập cư sống chủ yếu bằng lượm ve chai (sau này một số trường hợp chuyển đi nơi khác). Từ tết tới nay, giá ve chai xuống thấp nên một số người chuyển sang làm phụ hồ, hoặc kiêm bán vé số. Hiện “ốc đảo” còn hơn chục người lượm ve chai.
Vì sao gọi là “ốc đảo ve chai”? Anh Tí (36 tuổi, quê Bình Phước) giải thích: “Khoảng 20 năm trước, em đã về đây ở. Có lẽ tụi em làm nghề ve chai, cuộc sống cách biệt với sự hiện đại nên người ta đặt tên như vậy. Khoảng 1 năm nay, lần đầu tiên nhà em mới xài ti vi, tủ lạnh cũ nhờ người ta cho”.
Trong khi đó, bà Hương, mẹ anh Tí, thẳng thừng gọi đây là… ốc đảo nợ nần! Hàng chục năm nay, gia đình bà Hương cùng những người thân thích từ tỉnh Bình Phước đến ở tại “ốc đảo” này và chủ yếu kiếm sống bằng việc lượm ve chai. Bà Hương bộc bạch: “Tui theo má tui đi lụm (lượm) từ năm tui mười mấy tuổi, đến nay tui đã 61 tuổi rồi. Lụm rác dơ thiệt, nhưng nghèo quá, không có tiền thì phải lụm thôi. Đời má tui, đời tui, đời con tui lụm rác sống, nay tới đời cháu không biết có thoát nổi kiếp ve chai hay không”. Theo bà Hương, từ lúc một người con trai của bà mắc bệnh và chết, vợ chồng bà đổ nợ. Bà lượm ve chai trả góp từng ngày, đến nay lãi mẹ đẻ lãi con lên đến 50 – 60 triệu đồng. Đã vậy, đôi mắt bà Hương bị mờ sau tai nạn giao thông gần đây khi bà đẩy ve chai trên đường…
Một buổi tối ngồi trong phòng trọ của vợ chồng anh Tí ở “ốc đảo ve chai”, tôi thấy một số người đến thu tiền góp. Gương mặt ảo não, anh Tí than: “Em đâu thua gì má em về khoản… nợ nần. Đầu tắt mặt tối lượm ve chai, làm thêm phụ hồ, móc cống, bán vé số, vậy mà nợ vẫn ngập đầu. Tới ngày góp không có tiền, mượn chỗ này đắp chỗ kia, giờ nợ lên mấy chục triệu đồng”.
Là con nợ của nhiều người, thời gian đối với anh Tí trôi nhanh “khủng khiếp”. Quay đi ngoảnh lại đã tới hạn đóng tiền, trong đó tiền trọ đã hết 1,3 triệu đồng/tháng. “Có lần em đi làm hồ rồi đi lượm ve chai luôn nên chưa kịp đóng tiền trọ. Tối mịt mới về, em thấy vợ con bị đuổi khỏi phòng trọ, giăng mùng ngoài mái hiên. Lúc đó con em mới đẻ ra có chút xíu”, anh Tí chua chát.
Vợ chồng anh Tí đều lượm ve chai. Hơn một năm nay, người vợ bị bệnh huyết trắng, sức khỏe yếu nên gánh nặng kinh tế dồn lên vai anh Tí. Hằng ngày, anh Tí đẩy xe ve chai cùng ba đứa con trai lang thang lượm rác và bán vé số (đứa lớn 10 tuổi là con riêng vợ anh Tí, đứa kế 8 tuổi và đứa 4 tuổi). Nhiều hôm từ sáng đến khuya, mấy đứa con anh không dép, không nón, lấm lem bụi đường, sống nhờ cơm nước từ thiện bá tánh.
Không chỉ lo lắng chuyện nợ nần và bệnh tật, vợ chồng anh Tí còn bế tắc khi những đứa con không có giấy tờ và không được học hành. (còn tiếp)
Không có tết
Lượm ve chai từ nhỏ, ở trọ trong “ốc đảo ve chai”, chị Nguyệt (em gái chị S.) tạm chuyển sang làm phụ hồ từ đầu năm đến nay do giá ve chai xuống quá thấp. Chị Nguyệt quả quyết: “Làm gì thì làm, cứ cận tết là tụi em dẹp tất cả công chuyện để đi lượm ve chai. Lúc đó người ta dọn dẹp nhà cửa quán xá, họ thải ra rất nhiều ve chai, tha hồ lượm”.
Nghe đến mùa ve chai, anh Tí hồ hởi: “Từ ngày 20 tháng chạp, tụi em tụ về khu Chợ Lớn. Mùa đó ai nấy khóa nhà lại, đem con đi hết, lượm ve chai thâu đêm. Họ hàng nhà em đi “nguyên băng” cỡ 15 – 20 người, già trẻ lớn bé đủ cả, có mấy ông anh và người cậu ở nơi khác về. Thường tụi em lượm tới khuya 30 tết là ngưng. Nếu ve chai quá nhiều, tụi em ở lại canh để sáng mùng 1 tải hết”. Anh Tí thổ lộ: “Bao nhiêu năm nay, vợ chồng con cái tụi em chưa bao giờ đón giao thừa và ăn tết. Đi lượm về là ngủ li bì, mấy ngày tết tranh thủ bán vé số”.
NHƯ LỊCH
TNO