23/01/2025

Tăng giá bốc dỡ container để lấy lại tiền hãng tàu thu của chủ hàng quá cao

Tăng giá bốc dỡ container để lấy lại tiền hãng tàu thu của chủ hàng quá cao

Tại hội nghị nắm bắt, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp hàng hải và khung giá dịch vụ cảng biển do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức chiều 4-8, nhiều đại biểu đồng ý tăng giá bốc dỡ container xuất nhập khẩu để tránh thiệt hại cho các cảng biển.

Tăng giá bốc dỡ container để lấy lại tiền hãng tàu thu của chủ hàng quá cao - Ảnh 1.

Chủ tàu nước ngoài thu giá bốc dỡ container của chủ hàng Việt Nam là 120 USD/container nhưng trả cho các cảng Việt Nam từ 33 đến 52 USD/container – Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tăng giá bốc dỡ container không làm tăng chi phí logistics hay CPI

“Hiện chủ tàu thu giá bốc dỡ 120 USD/container nhưng trả cho cảng Hải Phòng 33 USD/container, cảng ở TP. HCM 40 USD/container và cảng ở Cái Mép 52 USD/container, rất thấp so với khu vực và không nằm trong cơ cấu chi phí giao nhận hàng nên chủ tàu vô hình chung hưởng lợi 55 – 82 USD/container tùy cảng.

Với số lượng 10 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng chúng ta, có hơn 1 tỉ USD vào túi hãng tàu nước ngoài” – ông Phạm Quốc Long, phó chi hội trưởng Chi hội chủ tàu container Việt Nam, lý giải.

Theo ông Long, hiện ngoài giá bốc dỡ container, chủ tàu còn thu 8 loại phí khác nên 1 container đi từ Việt Nam chủ hàng phải trả 300 – 400 USD. Có những tuyến vận tải quốc tế vì cạnh tranh nên cước bằng 0 hoặc âm nhưng vì nhiều phụ phí thu từ chủ hàng nên chủ tàu vẫn hoạt động được.

Vì vậy, ông Long đề nghị Bộ GTVT sửa thông tư số 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam theo hướng tăng giá bốc dỡ container 10% theo lộ trình liên tiếp 3 năm kể từ năm 2021.

“Chủ tàu thu của chủ hàng 120 USD/container giá bốc dỡ mà trả cho cảng cao nhất 52 USD/container là vô lý” – ông Long nói.

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Văn Trung – tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam – cho biết “hiệp hội chủ yếu chở hàng nội địa, còn hàng xuất nhập khẩu không có thị phần nào do các tập đoàn vận tải biển lớn trên thế giới thực hiện”.

“Một số cảng như Cái Mép – Thị Vải vượt quá công suất nhưng tình hình tài chính không ổn. Cần tăng giá dịch vụ để nhà đầu tư cảng biển bù đắp chi phí khi giá bốc dỡ container của Việt Nam thấp hơn Campuchia. Để lỗ mãi thì không ai đầu tư cảng” – ông Trung nói.

Tuy nhiên, kiểm soát để hãng tàu nước ngoài không tăng giá với chủ hàng, tránh được chỗ nọ mất chỗ kia.

Phải bỏ tâm lý sợ nước ngoài

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, giá bốc dỡ container xuất nhập khẩu theo quy định hiện hành của Việt Nam đang ở mức tối thiểu 33 USD và tối đa 53 USD/container 20 feet có hàng. Trong khi ở Thái Lan 59 USD và Campuchia 65 USD/container 20 feet. Nếu ta tăng 10% thì mới hơn 36 USD/container 20 feet có hàng.

“Chắc chắn không phải ai cũng gật đầu nhưng vì lợi ích chung của đất nước, đa số cộng đồng doanh nghiệp, mong mọi người cho ý kiến để đến năm 2025 giá bốc dỡ container tại Việt Nam đạt 70-80% so với các cảng trong khu vực” – ông Công đề nghị.

Tăng giá bốc dỡ container để lấy lại tiền hãng tàu thu của chủ hàng quá cao - Ảnh 2.

Giá bốc dỡ container của Việt Nam thấp hơn Campuchia nên nhiều cảng biển tăng trưởng nhưng bài toán kinh doanh không hiệu quả – Ảnh: TUẤN PHÙNG

Với ý kiến cân nhắc tăng giá dịch vụ cảng biển trong bối cảnh dịch COVID-19 gây tác động xấu tới nền kinh tế của đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Công cho rằng việc tăng giá chủ yếu liên quan đến bốc dỡ container xuất nhập khẩu. Còn phí hoa tiêu, lai dắt tàu sẽ quản lý chặt hơn, phí phao neo sẽ giảm để phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng không tăng giá.

“Tăng giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu là chúng ta đi đòi lại tiền mà chủ hàng đã trả cho các hãng tàu nước ngoài. Họ thu phí cao để trả hộ cảng cho chủ hàng, nhưng thu cao mà trả thấp khiến chúng ta mất khoản tiền lớn.

Quan điểm của tôi là tăng giá bốc dỡ container xuất nhập khẩu. Nếu hãng tàu tăng giá vì việc này thì họ phải giải trình theo nghị định về niêm yết giá. Chúng ta phải bỏ tâm lý sợ nước ngoài đi. Họ sinh ra tàu thì phải có hàng để chở, nếu không có hàng, họ cũng phá sản nên chúng ta không sợ họ ép giá”.

TUẤN PHÙNG
TTO