12/01/2025

Nông nghiệp kết hợp điện áp mái thiệt hại tiền tỉ vì thiếu hướng dẫn

Nông nghiệp kết hợp điện áp mái thiệt hại tiền tỉ vì thiếu hướng dẫn

Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhằm tạo thêm nguồn điện tự dùng và phát lên lưới đang phải chịu thiệt hại hàng tỉ đồng do thiếu văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương.

 

Nông nghiệp kết hợp điện áp mái thiệt hại tiền tỉ vì thiếu hướng dẫn - Ảnh 1.

Trang trại nông nghiệp kết hợp với lắp đặt điện áp mái – Ảnh: N.K.

Đầu tư trang trại nông nghiệp hữu cơ có quy mô hơn 20ha tại Ninh Phước (Ninh Thuận) để canh tác, trang trại nông nghiệp Hữu cơ Tiên Tiến gặp khó khăn khi thiếu nguồn điện cho sản xuất.

Do đó từ năm 2018, ngoài việc phải tự đầu tư đường dây 22kV, thì chủ trang trại này đã bỏ tiền lắp đặt hệ thống điện mặt trên các mái nhà của hệ thống trang trại, vừa tự phục vụ nhu cầu, vừa phát lên lưới bán điện cho EVN.

Trong văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Công thương, doanh nghiệp này cho biết dù Quyết định 13 về cơ chế phát triển điện mặt trời (thay thế Quyết định 11) đã được ban hành và có hiệu lực, nhưng chủ trang trại này vẫn không thể ký hợp đồng và thanh toán tiền điện.

Hiện mới chỉ có 2/12 dự án được ký hợp đồng, còn lại chỉ được gắn đồng hồ, ghi nhận sản lượng mà không được thanh toán. Lý do là EVN chưa xác định được điện mặt trời của các dự án trên thuộc diện điện mặt trời nối lưới hay điện mặt trời áp mái vì vẫn chờ hướng dẫn của Bộ Công thương.

Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ trang trại, cho rằng thực tế này gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp khi phải bỏ vốn đầu tư, thiệt hại hàng tỉ đồng.

“Chúng tôi đã đề xuất EVN ký hợp đồng, thanh toán cho nhà đầu tư với mức giá thấp nhất đối với điện mặt trời tại Ninh Thuận là 1.943 đồng/kWh, và khoản tiền này giữ tại ngân hàng, nhà đầu tư cam kết không sử dụng khoản tiền này cho tới khi có hướng dẫn. Song vẫn chưa nhận được bất kỳ đồng thuận nào” – ông Tiến nói.

Cũng gặp tình trạng trên, bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú, giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp CAS, cho biết đang có kế hoạch triển khai thêm mô hình nuôi cá tại An Giang, nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu, kết hợp lắp áp mái để tăng hiệu quả. Tuy nhiên do bị chậm ký kết, thanh toán hơn một năm nên việc sản xuất kinh doanh, triển khai dự án mới bị đình trệ.

Trong khi đó theo bà Tú, Quyết định 13 nêu rõ hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng.

Liên hệ trực tiếp với EVN nhưng không nhận được trả lời thỏa đáng, bà Tú cho rằng đang có tình trạng hiểu không nhất quán về hệ thống điện áp mái, nên việc áp giá mua điện áp mái không đồng nhất ở nhiều nơi.

Trong văn bản gửi Bộ Công thương, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, EVN cũng cho biết hiện đang có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời kết hợp trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, các đơn vị điện lực chưa thể ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống này do chưa xác định được giá mua điện là điện mặt trời mái nhà hay điện mặt trời mặt đất nối lưới.

“EVN đề nghị Bộ Công thương xem xét, sớm hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời nối lưới, tạo thuận lợi cho việc xác định giá mua bán điện đối với hệ thống điện mặt trời theo đúng quy định” – văn bản EVN nêu.

Sản xuất nông nghiệp kết hợp điện áp mái mang lại nhiều lợi ích

Đánh giá về hiệu quả những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp lắp đặt điện áp mái, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là mô hình kinh tế tuần hoàn không có thứ gì bỏ đi, triệt để khai thác để tạo ra chuỗi giá trị với hệ thống điện mặt trời ở trên còn bên dưới là sản xuất nông nghiệp.

Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha đất mà còn tạo ra những giá trị to lớn ở vùng đất khó khăn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững.

Trên thực tế, nhiều nước đã triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ kết hợp với sản xuất năng lượng tái tạo là mô hình sử dụng tiết kiệm, tối ưu tài nguyên, tạo việc làm cho nông dân. Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng cũng đặt ra yêu cầu khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng.

NGỌC AN
TTO