23/12/2024

Các tỉ phú Ấn Độ quyết tâm sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ngay giai đoạn thử nghiệm

Các tỉ phú Ấn Độ quyết tâm sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ngay giai đoạn thử nghiệm

Nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, Viện Serum của Ấn Độ, đã hợp tác với ĐH Oxford triển khai kế hoạch sản xuất hàng trăm triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 ngay trong giai đoạn thử nghiệm.

 

Các tỉ phú Ấn Độ quyết tâm sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ngay giai đoạn thử nghiệm - Ảnh 1.

Một dây chuyền sản xuất vắcxin COVID-19 ở Viện Serum của Ấn Độ tại thành phố Pune, bang Maharshtra, Ấn Độ – Ảnh: NYT

Theo báo New York Times, Viện Serum là công ty thuộc kiểm soát của một gia đình nhỏ và rất giàu của Ấn Độ. Công ty này hiện chỉ do hai người đàn ông điều hành, đó là ông Adar Poonawalla, giám đốc điều hành (CEO) của Viện Serum, và cha của ông này, ông Cyrus, một tỉ phú xuất thân từ người gây giống ngựa.

Bất kể loại vắcxin ngừa COVID-19 triển vọng do ĐH Oxford (Anh) phát triển vẫn đang trong giai đoạn tiến hành các thử nghiệm lâm sàng và thậm chí có thể không cho kết quả như mong muốn, Viện Serum vẫn lên kế hoạch sản xuất hàng trăm triệu liều vắcxin để “đón đầu” nếu loại thuốc này được chứng minh khả dụng trên thực tế.

Nếu vắcxin COVID-19 do Viện Serum phối hợp ĐH Oxford phát triển cho kết quả thành công, nhà sản xuất vắcxin của Ấn Độ sẽ có trong tay thứ mà cả nhân loại đang cần, và cũng sẽ có ngay một số lượng cực lớn trước bất cứ đơn vị nào khác.

Ông Adar Poonawalla cho biết lúc đó sẽ chia đôi số liều vắcxin COVID-19 do công ty ông sản xuất, một nửa cho Ấn Độ và nửa còn lại cho thế giới, ưu tiên tập trung cho những nước nghèo.

Việc sản xuất vắcxin tốn nhiều thời gian không chỉ cho quá trình hoàn thiện chất lượng mà còn cả quá trình sản xuất. Hiện có nhiều hơn một dự án đang tiến hành đồng thời cả hai quá trình và đã bắt đầu luôn việc sản xuất vắcxin ngay khi chúng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Theo đó, có thể hiểu các bên tham gia quá trình đang đặt cược với sự thành bại của công cuộc nghiên cứu vắcxin.

Nếu vắcxin đang nghiên cứu thành công, nhanh nhất cũng phải 6 tháng nữa, khi đó các vắcxin được sản xuất cũng đã có sẵn số lượng lớn đưa vào sử dụng mà không cần chờ đợi thêm. Nhưng nếu không thành công, dĩ nhiên những vắcxin đã sản xuất ấy sẽ thành vô dụng.

Trong lúc này, Mỹ và các nước châu Âu cũng đã dốc hàng tỉ USD vào các hợp đồng ký kết với các hãng dược lớn như Johnson & Johnson, Pfizer, Sanofi và AstraZeneca để tăng tốc phát triển và sản xuất các vắcxin triển vọng với hi vọng sớm có được hàng trăm triệu liều vắcxin COVID-19 khả dụng.

D. KIM THOA
TTO