Cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ vẫn chưa thôi lận đận sau 2 năm trễ hạn. Vốn vay không kịp nhận hết, dự án phát sinh nhiều khiếu nại, nợ nần và đường chưa biết bao giờ mới xong – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, trong thời gian qua, phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Ở toàn khu vực này tồn tại nhiều hạn chế khó khắc phục, chưa có sự liên kết vùng, mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, hạ tầng hạn chế, chất lượng đô thị thấp… nhiều tuyến đường kết nối từ TP.HCM đi các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã quá tải.
Trong khi đó, hầu hết dự án kết nối giao thông liên tỉnh khu vực Đông Nam bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt nhưng việc triển khai còn lắm điểm nghẽn.
Các gói thầu của dự án bị đình trệ. Gói thầu J3 xây cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu đã dừng thi công từ tháng 9-2019 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cầu Bình Khánh (gói thầu J1) dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đã ngưng thi công. Theo đơn vị tư vấn C5 ở dự án, từ khi nhà thầu dừng dự án gói thầu J1 đến tháng 2-2020, chi phí phát sinh do kéo dài hợp đồng sẽ gây thiệt hại khoảng 32 triệu USD và gói thầu J3 là 38 triệu USD – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các thiết bị và vật tư thi công của cao tốc Bến Lức – Long Thành “nằm im” một chỗ từ lâu – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn giao với QL50 đoạn qua huyện Bình Chánh, TP.HCM cũng đang dở dang vì chưa thể đền bù giải tỏa – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dự án đường Vành đai 2 thuộc đoạn 3 từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) có vốn 2.400 tỉ đồng thực hiện theo hình thức BT. Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết đến thời điểm này nhà đầu tư đã chi 1.500 tỉ thi công, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa được giao đất – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hiện tại, dự án Vành đai 2 đoạn 3 đang dừng thi công chờ rà soát – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chỉ cho 4 làn xe và theo thiết kế chỉ đáp ứng 44.000 xe/ngày đêm, trong khi lượng xe lưu thông thực tế 52.414 xe/ngày đêm. Được thiết kế cho tốc độ 120km/h, nhưng có thời điểm phải chạy rất chậm vì xe quá đông, ùn tắc phải “chôn chân” hàng giờ liền trong những ngày cuối tuần hoặc dịp hè, lễ tết – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 24km, với điểm đầu là đoạn từ cầu Bà Đạt (phường An Phú, quận 2, TP.HCM) đến điểm giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với lượng xe tăng mạnh, cao tốc thường xuyên xảy ra kẹt xe nặng nề, nhất là đoạn từ TP.HCM đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài khoảng 20km, bởi đây là đoạn kết nối du lịch TP.HCM và Vũng Tàu – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nút giao An Phú tại quận 2, TP.HCM, điểm đầu của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cũng chưa được khởi công. Nút giao An Phú có lượng xe qua lại rất lớn, bởi đây là nơi giao thoa của ba hướng giao thông quan trọng: cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây kết nối về miền Đông, miền Trung và miền Bắc; đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào các cảng biển hàng đầu của cả nước như: Cát Lái, Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành Dầu Giây. Trong đó có đoạn từ An Phú đến vành đai 2 mở rộng ở hai bên nâng bề rộng mặt đường lên 36m cho 8 làn xe. Đoạn từ vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu mở rộng mặt đường lên 42,5m cho 8 làn xe – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Suốt 2 thập niên, cầu Cát Lái nối đôi bờ TP.HCM và Đồng Nai vẫn là mơ ước của người dân ở hai địa phương này – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết hai Sở GTVT (TP.HCM và Đồng Nai) đã ngồi lại bàn phương án xây cầu thay phà. Hai bên đã đồng ý theo phương án quy mô cầu có 6 làn xe. Điểm đầu cầu kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và cầu kết nối vào đường Vành đai 2 – TP.HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ được kéo dài từ ga Suối Tiên đến TP Biên Hòa (Đồng Nai) và thị xã Dĩ An (Bình Dương) – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khi được đưa vào sử dụng, tuyến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, thu hút thêm lượng hành khách vận chuyển trên tuyến metro số 1, Bến Thành – Suối Tiên, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các trục đường phía Đông Bắc của thành phố – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) với quy mô lên tới gần 10.700 tỉ đồng, góp phần rút ngắn thời gian tới cửa khẩu trong vòng chưa tới một giờ, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. Đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ được xây dựng song song với quốc lộ 22. Trong ảnh: quốc lộ 22 đoạn qua huyện Hóc Môn, TP.HCM hướng đi tỉnh Tây Ninh – Ảnh: QUANG ĐỊNH