23/01/2025

Tội phạm thẻ bùng phát mùa COVID-19

Tội phạm thẻ bùng phát mùa COVID-19

Hàng loạt ngân hàng vừa phát đi cảnh báo khách hàng trước nạn tội phạm với nhiều chiêu thức nhắm vào khách hàng của ngân hàng trong thời gian gần đây.

 

 

Tội phạm thẻ bùng phát mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Ngân hàng cảnh báo khách hàng cảnh giác với yêu cầu mở thẻ mất phí, không nhận và sử dụng thẻ tín dụng giả mạo – Ảnh minh họa: THANH ĐẠM

Ngân hàng Xây Dựng (CB) vừa cảnh báo cho biết gần đây nhiều khách hàng phản ánh về việc một số đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo, thu phí mở thẻ tín dụng giả.

Để tạo niềm tin, các đối tượng lập trang web, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu ngân hàng hoặc gọi điện thoại tự xưng mình là nhân viên để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước theo quy trình cấp thẻ tín dụng.

Sau đó, kẻ lừa đảo chuyển 1 thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 200.000 – 300.000 đồng, thậm chí có khi lên đến 5 – 10% hạn mức thẻ tín dụng giả này. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này.

Thẻ tín dụng giả được làm bằng tấm nhựa bình thường có thông tin sơ sài, mặt trước có tên “thẻ đa năng” và dãy số, phía dưới là dòng chữ “khách hàng thân thiết”. Mặt sau thẻ giả có ô chữ ký của khách hàng đi kèm một số nội dung điều khoản thẻ.

CB khẳng định tính đến thời điểm hiện tại, ngoài sản phẩm thẻ CB ghi nợ nội địa (thẻ ATM), ngân hàng chưa phát hành bất kỳ loại thẻ đa năng hay thẻ tín dụng nào ra thị trường. CB lưu ý khách hàng cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi không rõ ràng, yêu cầu khách hàng chuyển tiền, mở thẻ mất phí; không nhận và sử dụng thẻ tín dụng giả mạo…

Trong khi đó Techcombank cảnh báo việc điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đang gặp nguy cơ bị tin tặc tấn công rất cao, khi các ứng dụng độc hại có thể dễ dàng đánh cắp thông tin người dùng qua hình thức giả mạo giao diện các ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng.

Rủi ro này có thể xảy ra với tất cả các điện thoại phổ biến sử dụng hệ điều hành Android chưa nâng cấp lên phiên bản mới nhất, hoặc chưa cập nhật phần mềm cho thiết bị nhằm vá các lỗ hổng của hệ thống bảo mật cần thiết.

Bên cạnh đó, các máy điện thoại đã bẻ khóa cũng sẽ đối mặt với nguy cơ rò rỉ thông tin và bị chiếm dụng quyền sử dụng ngân hàng điện tử rất cao.

Techcombank cảnh báo người dùng không sử dụng điện thoại với hệ điều hành đã bị bẻ khóa. Không tải các phần mềm không rõ nguồn gốc và không mở ứng dụng ngân hàng điện tử khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Ngoài ra không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, hoặc nhập vào bất kỳ ứng dụng nào không phải của Techcombank.

A.HỒNG
TTO