Trượt lớp 10 công lập, ‘cửa’ vẫn rộng
Trượt lớp 10 công lập, ‘cửa’ vẫn rộng
Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập không có nghĩa là “cửa” đã đóng. Bởi vẫn còn các mô hình trường khác như ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp… sẵn sàng chào đón học sinh.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay các trường THPT công lập ở TP.HCM sẽ tuyển 66.520 học sinh vào lớp 10. Trong khi đó, TP có 96.697 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 – 2021, toàn TP có 81.269 thí sinh dự thi, như vậy gần 15.000 em sẽ không trúng tuyển.
Không nên quá lo lắng
Theo Sở GD-ĐT, hằng năm có khoảng 10.000 học sinh chủ động thực hiện phân luồng hoặc vào lớp 10 các mô hình trường khác như ngoài công lập, các trường nghề…
Hơn nữa, theo bảng hệ thống trường lớp tuyển sinh lớp 10 mà sở đã công bố, hệ thống các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trường tư thục… tại TP.HCM tuyển hàng chục ngàn chỉ tiêu lớp 10 trong năm học sắp tới. Vì vậy, theo sở, học sinh không thiếu chỗ học nếu rớt lớp 10 công lập.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết trước khi thi vào lớp 10, các trường THCS đã tư vấn cho học sinh nhiều hướng lựa chọn.
“Nếu các em thi không đạt 15, 16 điểm thì nên nghĩ đến con đường học tập khác, nếu tiếp tục học THPT công lập sẽ rất mệt mỏi. Học hệ nào thì bằng tốt nghiệp THPT cũng như nhau, trong khi hệ GDTX số môn ít hơn, học phí thấp, ra trường dễ dàng tìm được việc làm và nếu muốn vẫn có thể thi liên thông để học lên bậc CĐ, ĐH.
Các trường nghề đã đầu tư trang thiết bị, có trường đào tạo theo chuẩn khu vực nên hệ thống giáo dục rất ổn, thừa sức đáp ứng chỗ học cho học sinh” – ông Hiếu nói.
Cửa này đóng, cửa khác sẽ mở
TP.HCM có 10 trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 so với năm học trước. Trong đó, 2 trung tâm GDNN-GDTX có số lượng chỉ tiêu tăng mạnh nhất là Q.6, Q.11 với 400 chỉ tiêu tăng thêm ở mỗi trường.
Ông Đỗ Minh Hoàng – giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An – cho biết học ở trung tâm thì đầu ra giá trị bằng cấp như học sinh phổ thông, nhưng học sinh chỉ học 7 môn theo chương trình Bộ GD-ĐT.
Ngoài các môn văn hóa, trung tâm có dạy tiếng Anh giáo trình Smart Time gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với giáo viên nước ngoài giảng dạy; tin học theo chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của bộ; thể thao; giáo dục công dân đào tạo phát huy lòng nhân ái của học sinh…
“Trung tâm phát triển theo hướng trường phổ thông ứng dụng, định hướng nghề nghiệp. Năm học 2020 – 2021, trung tâm sẽ phối hợp với các trường nghề tổ chức dạy cho tất cả học sinh lớp 10 được miễn phí chương trình trung cấp nghề các môn: quản trị mạng máy tính, thiết kế thời trang; điện – điện tử công nghiệp…
Như vậy, sau 3 năm theo học tại trường, các em có thêm bằng trung cấp nghề ngoài bằng tốt nghiệp THPT. Lúc đó, các em có thể lựa chọn học tiếp hoặc bước chân vào thị trường lao động” – ông Hoàng nói.
Bên cạnh đó, hơn 90 trường THPT ngoài công lập ở TP cũng có hàng ngàn chỗ đang chờ học sinh. Hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở Q.Tân Phú cho biết: “Trường dự kiến tuyển 900 em lớp 10, có bán trú, có cả nội trú, chương trình giảng dạy không nặng nề, học sinh không phải đi học thêm, môi trường giáo dục mềm mỏng với học sinh cá tính”.
Ở các trường CĐ và trung cấp, đối với hệ tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 – 2021, chỉ tiêu cũng tăng lên nhiều. Ông Phạm Hữu Lộc – hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng – thông tin trường tăng 800 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học trước, nâng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trong năm học này lên 3.000 chỉ tiêu.
“Các em tiếp tục học chương trình phổ thông ở trường nghề, vẫn theo đúng chương trình của bộ. Ngoài ra học xen kẽ những kỹ năng, học giáo dục định hướng, kỹ năng mềm. Tất cả học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào trường đều được miễn 100% học phí. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có cơ hội nhận cùng lúc bằng trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp THPT” – ông Lộc nói.
Học phổ thông trong trường ĐH công lập cũng là con đường cho học sinh. Theo ông Nguyễn Văn Khả – giám đốc Trung tâm Giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):
“Các em thi trượt lớp 10 có thể học THPT theo chương trình GDTX. Nhà trường đã tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS. Dự kiến năm học này tuyển 500 chỉ tiêu”.
Quan trọng là vui, tích cực
Chị Nguyễn Thị Ánh (Q.1, TP.HCM), có con học Trường THCS Nguyễn Du, cho con đăng ký nguyện vọng duy nhất vào Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1).
Chị chia sẻ: “Con tôi được 31 điểm. Tôi không đặt nặng chuyện phải vào cho được lớp 10 công lập. Nếu cháu không đạt, gia đình sẽ cho đi du học. Còn nếu con không thích, tôi sẽ chọn học trường tư thục. Quan trọng là con tôi cảm thấy vui khi học, sống tích cực dù ở môi trường nào”.