23/01/2025

Mỹ hi vọng vắcxin của Moderna

Mỹ hi vọng vắcxin của Moderna

Trong bối cảnh người chết vì COVID-19 ở Mỹ vượt cột mốc u ám 150.000, những thông tin tích cực trong tiến trình thử nghiệm vắcxin mRNA-1273 của hãng Moderna trở thành niềm hi vọng lớn nhất lúc này.

 

Mỹ hi vọng vắcxin của Moderna - Ảnh 1.

Dược sĩ Michael Witte tiêm cho chị Rebecca Sirull mũi vắcxin trong giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng một loại vắcxin tiềm năng ngừa COVID-19 ngày 16-3 tại Seattle, Mỹ – Ảnh: AP

Hôm 27-7, vắcxin mRNA-1273 bước vào giai đoạn 3 trong thử nghiệm lâm sàng, thêm một bước quan trọng nữa trong lộ trình đưa mRNA-1273 vào phục vụ cộng đồng và các thị trường thương mại.

Tín hiệu hứa hẹn

Chỉ 3 ngày trước 28-7, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin loại vắcxin triển vọng có tên mRNA-1273 do các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ và hãng công nghệ sinh học Moderna hợp tác phát triển sau khi thử nghiệm trên khỉ đã giúp con vật nhanh chóng loại bỏ virus corona trong phổi, và đã có thể đánh bại căn bệnh.

“Virus đã bị loại bỏ rất nhanh trong các con vật được tiêm vắcxin” – tiến sĩ Barney S. Graham, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu vắcxin tại Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, nói.

Ông Graham cũng là tác giả chính của báo cáo khoa học “Đánh giá hiệu quả của vắcxin mRNA-1273 với virus corona trên loài linh trưởng không phải con người” công bố ngày 28-7 trên tạp chí y khoa danh giá The New England Journal of Medicine.

Nhiều người cũng thận trọng với những kết quả dù rất lạc quan trên khỉ đó cũng chưa có gì đảm bảo sẽ có hiệu quả tương tự trên người. Tuy vậy, kết quả thử nghiệm trên khỉ vẫn là tín hiệu đáng mừng, cũng là một dấu ấn trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19 của nhân loại. Vì giả sử thử nghiệm với khỉ thất bại, nó sẽ được coi là tín hiệu xấu về tác động của vắcxin với con người.

Theo báo New York Times, vắcxin mRNA-1273 sử dụng một dạng thức vật chất di truyền tổng hợp của virus corona, gọi là RNA hay mRNA, được bọc trong những hạt chất béo giúp nó thâm nhập vào tế bào người. Sau đó, mRNA sẽ kích hoạt các tế bào người tạo ra một mẩu nhỏ của virus, giúp “huấn luyện” hệ miễn dịch của con người biết cách tấn công nếu “gặp” phải virus conora chủng mới thật xâm nhập cơ thể sau đó.

Ứng viên dẫn đầu

Moderna đã đưa “ứng cử viên” vắcxin của họ từ phòng thí nghiệm đến các thử nghiệm trên người trong khoảng thời gian kỷ lục là 63 ngày, và đang trở thành “ứng viên” dẫn đầu cuộc đua bào chế vắcxin ngừa virus corona.

Theo trang National Geographic, việc vắcxin mRNA-1273 bước vào giai đoạn thử nghiệm 3 là một chuyện không bình thường, nếu căn cứ vào việc công ty Moderna vẫn chưa hoàn tất giai đoạn 2 của thử nghiệm bắt đầu cuối tháng 5.

Trong khi giai đoạn 1 là kiểm tra độ an toàn bước đầu của vắcxin với những người khỏe mạnh, giai đoạn 2 nhằm tìm ra những chỉ dấu đầu tiên cho thấy một vắcxin có thể được dùng cho những người đang bệnh, và giai đoạn 3 nhằm đánh giá khả năng phòng bệnh của vắcxin.

Những người hoài nghi cho rằng việc vắcxin tiềm năng của Moderna được đẩy nhanh tốc độ kỷ lục như thế giống như một canh bạc trong lịch sử thất thường của các loại vắcxin mRNA.

Triển vọng của các loại vắcxin mRNA đang làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận vấn đề tạo miễn dịch với virus corona. Lâu nay những phương pháp phát triển vắcxin quen thuộc là đưa vào cơ thể virus ở dạng đã bị bất hoạt hoặc làm yếu đi, từ đó kích hoạt cơ chế phản ứng của hệ miễn dịch và tạo kháng thể chống lại những protein cụ thể của loại virus đó.

Các vắcxin mRNA chọn một cách tiếp cận khác và cho tới nay vẫn chưa được cấp phép sử dụng trên người. Quy trình bào chế vắcxin mRNA nhanh hơn nhiều so với những phương pháp bào chế vắcxin truyền thống vì nó bỏ qua được các nhiệm vụ khó nhọc như bất hoạt virus hay phân lập các protein.

Theo bà Margaret Liu – chủ tịch một ủy ban của Hiệp hội Vắcxin quốc tế, về lý thuyết, phương pháp này sẽ giúp các nhà khoa học bào chế vắcxin nhanh hơn, thay vì nhiều tuần một ứng cử viên vắcxin mRNA có thể sẵn sàng cho thử nghiệm trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Tin tặc Trung Quốc lấy dữ liệu của Moderna?

Một quan chức an ninh Mỹ giấu tên chuyên theo dõi các hoạt động tấn công mạng từ Trung Quốc tiết lộ với Reuters ngày 30-7 về vụ tấn công mạng Moderna nhằm đánh cắp các dữ liệu.

Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng của tòa án ngày 7-7 với hai công dân Trung Quốc là Li Xiaoyu và Dong Jiazhi bị buộc tội làm gián điệp ở Mỹ. Cáo trạng nêu các tin tặc Trung Quốc đã “tiến hành do thám” với mạng máy tính của một hãng công nghệ sinh học ở Massachusetts (Moderna).

Cuộc đua “thần tốc”

Cùng với mRNA-1273, một loại vắcxin triển vọng khác của ĐH Oxford cũng đã bước vào giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng ở Brazil.

Trong khi đó, hãng dược Pfizer chiều 27-7 cũng thông báo đã bắt đầu nghiên cứu giai đoạn cuối với một vắcxin ngừa COVID-19 mà họ phối hợp với Công ty BioNTech của Đức bào chế.

Thử nghiệm vắcxin của Pfizer cũng liên quan tới khoảng 30.000 người ở 39 bang của Mỹ và ở các nước Brazil, Argentina và Đức.

D.KIM THOA
TTO