Bản tin COVID-19 ngày 1-8: ‘Khủng hoảng y tế trăm năm xảy ra, nhưng hệ luỵ sẽ kéo dài hàng thập kỷ’
Bản tin COVID-19 ngày 1-8: ‘Khủng hoảng y tế trăm năm xảy ra, nhưng hệ luỵ sẽ kéo dài hàng thập kỷ’
Sau 6 tháng kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp với dịch COVID-19, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng hơn 680.000 người trong số ít nhất 17,7 triệu người nhiễm bệnh.
Ngày 31-7 Ủy ban khẩn cấp của WHO đã có cuộc họp đánh giá tình hình dịch bệnh kể từ khi bùng lên tại Trung Quốc cuối tháng 12 năm ngoái.
Ủy ban khẩn cấp của WHO gồm 18 thành viên và 12 cố vấn tới nay đã họp lần thứ 4 về dịch COVID-19.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhắc lại thời điểm 6 tháng trước, khi ủy ban khẩn cấp đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp với dịch COVID-19 (ngày 30-1), vẫn còn chưa có tới 100 ca bệnh và không có ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc.
“Đại dịch này là một cuộc khủng hoảng y tế một trăm năm nay mới xảy ra một lần, những tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
*Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng
Các chỉ số thống kê kinh tế quý 2-2020 công bố ngày 31-7 cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế ở mức kỷ lục đã ghi nhận tại nhiều nước trong bối cảnh tổng số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn cầu chạm mức 300.000 ca.
Nhiều nước Tây Âu công bố các mức sụt giảm kinh tế lịch sử trong khi ngày 31-7 Vương quốc Anh buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại tại nhiều hạt phía bắc bất kể sức ép mở cửa lại nền kinh tế đã rất căng thẳng.
Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh sẽ dừng nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong ít nhất 2 tuần sau khi số ca COVID-19 tăng. Như vậy, việc mở lại các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ bị lùi lại ít nhất tới 15-8.
Cụ thể kinh tế Pháp trong quý 2 đã giảm 13,8%, Tây Ban Nha giảm 18,5% trong khi Bồ Đào Nha và Ý lần lượt giảm 14,1% và 12,4%.
Về tổng thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khối eurozone giảm 12,1% trong khi toàn liên minh châu Âu giảm 11,9%.
Trong khi đó tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nhất, GDP quý 2 cũng đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, một tỉ lệ tồi tệ nhất từng ghi nhận ở Mỹ.
*Tình hình vắc-xin ngừa COVID-19
Liên minh châu Âu cho biết đã đại diện cho 27 quốc gia thành viên đạt được thỏa thuận với hãng dược Sanofi của Pháp để đặt mua 300 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 tiềm năng do công ty này phát triển.
Hai công ty Sanofi và GSK cũng đã nhận được 2,1 tỉ USD từ chính phủ Mỹ để bào chế vắc-xin và 100 triệu liều sẽ dành cho Mỹ.
Nhật Bản cũng đã ký thỏa thuận mua 120 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 do tập đoàn dược BioNTech của Đức và hãng dược Pfizer của Mỹ cùng phát triển.
Mỹ nói Nga và Trung Quốc nên thực sự ‘thử nghiệm’ vắc – xin
Cũng liên quan tình hình vắc-xin, ngày 31-7, ông Anthony Fauci, chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Mỹ, bày tỏ những quan ngại về độ an toàn của các vắc-xin ngừa COVID-19 đang được phát triển tại Trung Quốc và Nga.
Nhiều công ty Trung Quốc đang thuộc nhóm dẫn đầu của cuộc đua vắc-xin trong khi Nga kỳ vọng trở thành nước đầu tiên trên thế giới sản xuất được vắc-xin trong tháng 9.
Ông Fauci nêu ra quan điểm này khi trong phiên điều trần cùng ngày của ông trước Hạ viện, các nghị sĩ hỏi ông liệu Mỹ có thể dùng vắc-xin của Nga hay Trung Quốc không nếu họ có thuốc trước không.
“Tôi hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ thực sự thử nghiệm vắc-xin trước khi họ dùng nó cho bất cứ ai”, ông Fauci nói. Chuyên gia này cũng nói ông tin rằng nước Mỹ đang triển khai nghiên cứu vắc-xin rất nhanh và ông không tin Mỹ sẽ phải lệ thuộc vào các nước khác trong vấn đề này.
Thống kê theo thời gian thực của trang Worldometers tới 6h00 sáng nay 1-8, toàn thế giới đã có 17.727.774 người mắc COVID-19, trong đó 681.936 người đã chết và 11.142.804 người đã khỏi bệnh.
Ba quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm hiện này là Mỹ, Brazil và Ấn Độ với lần lượt tổng số ca bệnh tới nay là 4.700.588; 2.662.485 và 1.696.780. Số người đã chết vì COVID-19 của 3 nước này là 156.701; 92.475 và 36.551.