23/01/2025

Dịch COVID-19 ngày 31-7: WHO kêu gọi các nước xem xét mở cửa hàng không

Dịch COVID-19 ngày 31-7: WHO kêu gọi các nước xem xét mở cửa hàng không

Theo thống kê của worldometer.info, đến sáng 31-7, toàn thế giới có hơn 17,4 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 675.000 người đã tử vong. Trong số đó, gần 11 triệu người đã hồi phục.

 

 

 

Dịch COVID-19 ngày 31-7: WHO kêu gọi các nước xem xét mở cửa hàng không - Ảnh 1.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro xác nhận còn yếu, có nấm phổi

Theo hãng tin Reuters, ngày 31-7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro xác nhận ông đang phải dùng kháng sinh sau khi nhiễm COVID-19 và bị cách ly trong 3 tuần. Trên một cuộc họp trực tuyến, ông cho biết có nấm trong phổi.

“Tôi vừa làm xét nghiệm máu. Hôm qua tôi thấy khá yếu. Họ phát hiện tôi bị nhiễm trùng nhẹ, và tôi đang dùng kháng sinh. Sau 20 ngày cách ly tại nhà, tôi gặp thêm vấn đề khác. Tôi đã bị nấm phổi”.

Ông Bolsonaro đã được xét nghiệm âm tính trở lại vào ngày 25-7. Tuy nhiên, ngày 30-7, bà Michelle Bolsonaro, đệ nhất phu nhân Brazil cũng bị dương tính với virus corona.

Bà Michelle, 38 tuổi, “hiện trong tình trạng sức khỏe tốt”.

Trong 24 giờ qua, Brazil có thêm trên 54.000 người mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh của nước này lên 2.613.789 người với 91,377 trường hợp tử vong.

Úc: số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày kể từ đầu dịch

Bang Victoria của Úc ngày 31-7 ghi nhận thêm 627 ca nhiễm virus corona mới, và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua. Báo News của Úc gọi đây là ngày chết chóc nhất của dịch bệnh và cũng là ngày Úc có số ca nhiễm cao nhất trong một ngày từ trước tới nay, với tổng cộng 723 ca mắc mới trên cả nước.

Thủ tướng Scott Morrison và Thủ hiến bang Victoria Daniel ­Andrews đã có cuộc nói chuyện với dân chúng, khẳng định sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế mới ở Melbourne, như đóng cửa tất cả dịch vụ không thiết yếu, trừ chợ, nhà thuốc, cây xăng và phòng phám.

Ông Duterte hứa miễn phí vắcxin COVID-19 cho người dân

Tổng thống Philippines – ông Rodrigo Duterte – ngày 31-7 đã quyết định tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế phòng virus corona ở thủ đô Manila đến giữa tháng 8-2020.

Ông cũng hứa miễn phí vắcxin phòng bệnh COVID-19 vốn đang làm hệ thống y tế của cả nước quá tải một khi có loại vắcxin này. Người nghèo và tầng lớp trung lưu, cảnh sát và quân đội sẽ được ưu tiên.

Theo ông Duterte, Trung Quốc đã hứa ưu tiên phân phối vắcxin cho Philippines.

Dịch COVID-19 ngày 31-7: WHO kêu gọi các nước xem xét mở cửa hàng không - Ảnh 2.

Hàng ngàn người dân các địa phương bị mắc kẹt ở Manila, một điểm nóng về COVID-19 ở Philippines, ngủ tạm trên các băng ghế trên khán đài của sân bóng chày tại khu phức hợp thể thao Rizal cùng hành lý của họ – Ảnh chụp ngày 25-7: Phil Star

WHO hối thúc các nước ưu tiên đi lại trong các trường hợp khẩn cấp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước gỡ bỏ dần các biện pháp đi lại quốc tế dựa trên đánh giá rủi ro và ưu tiên đi lại trong các trường hợp khẩn cấp, hành động nhân đạo, việc đi lại của những cá nhân quan trọng và hồi hương công dân.

Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại nhiều nơi trên thế giới đang buộc nhiều quốc gia tái áp áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

WHO cho biết các nước cần tự đánh giá rủi ro, lợi ích, cũng như đưa ra các ưu tiên của mình. Các nước cần cân nhắc khuynh hướng lây nhiễm trong nước, các biện pháp xã hội và y tế đang áp dụng. Nếu cần phải cách ly toàn bộ khách du lịch đến, các nước cũng phải đánh giá rủi ro và tình hình.

Hồi đầu tuần này, WHO cho biết các biện pháp cấm du lịch toàn cầu không thể kéo dài vô thời hạn và các quốc gia phải hành động mạnh mẽ hơn để giảm sự lây lan của virus corona chủng mới trong nước.

Trước đó, tổ chức này khuyến cáo du khách đeo khẩu trang trên máy bay và cập nhật thông tin về những nước có số ca nhiễm tăng cao.

Dịch COVID-19 ngày 31-7: WHO kêu gọi các nước xem xét mở cửa hàng không - Ảnh 3.

Mỹ: cháy hàng ngũ cốc khi người dân làm việc ở nhà

Khẩu trang và nước rửa tay là sản phẩm thiết yếu, tuy nhiên nhiều công ty khác ở Mỹ cũng ghi nhận tăng trưởng kinh doanh.

Công ty Kellogg, bán ngũ cốc ăn sáng, được lợi khi người dân làm việc ở nhà và chủ động cho những bữa sáng tiện lợi. Doanh số bán ngũ cốc tăng 16% trong quý 2. Nhiều món ăn vặt khác của hãng này như bánh Cheez-It, khoai tây chiên Pringles, bánh waffles Eggo cũng tăng trưởng đáng kể.

Ngoài ra, công ty Procter & Gamble (P&G) cho biết họ tăng doanh số về xà phòng và các sản phẩm làm sạch.

Theo hãng tin Reuters ngày 31-7, số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua tăng thêm ít nhất 1.183 người và số ca nhiễm mới là 67.783 ca.

Tổng số ca nhiễm virus corona của Mỹ tính đến nay, theo worldometers.com là 4.634.985 ca, trong đó, 155.285 người đã tử vong do dịch bệnh này.

Tây Ban Nha có số ca mới kỷ lục kể từ khi bỏ phong toả

Chính quyền Tây Ban Nha khẳng định không có “làn sóng dịch thứ hai” dù số ca COVID-19 tăng kỷ lục kể từ khi nước này gỡ bỏ phong toả.

Theo thống kê của Bộ Y tế Tây Ban Nha, nước này ghi nhận 1.229 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 30-7. Sự bùng phát dịch trở lại buộc nhiều khu vực tại nước này phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Anh mới đây cũng tuyên bố cách ly toàn bộ du khách từ Tây Ban Nha.

Tuy nhiên chuyên gia y tế hàng đầu của chính phủ Tây Ban Nha, ông Fernando Simon, khẳng định đó không phải là làn sóng dịch thứ hai. “Làn sóng thứ hai chỉ xảy ra khi chúng ta mất kiểm soát, sự lây lan trong cộng đồng lan rộng”, ông Simon nhấn mạnh.

Ông Simon cũng cho rằng hiện dịch COVID-19 ít làm chết người hơn so với lần bùng phát đỉnh điểm vào tháng 4-2020 khi số người chết hàng ngày vượt hơn 1.000. Trong 7 ngày qua, chỉ có 10 người tử vong tại Tây Ban Nha do COVID-19.

Dịch COVID-19 ngày 31-7: WHO kêu gọi các nước xem xét mở cửa hàng không - Ảnh 4.

Một bãi biển đông đúc ở Barcelona Tây Ban Nha ngày 30-7 – Ảnh: REUTERS

Đệ nhất phu nhân Brazil dương tính COVID-19

Bà Michelle Bolsonaro được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 30-7, sau khi chồng bà vừa chịu cách ly 14 ngày nhiễm virus corona chủng mới.

Thông tin đệ nhất phu nhân Brazil mắc bệnh được đưa ra 5 ngày sau khi tổng thống Jair Bolsonaro cho biết đã khỏi bệnh và trở lại làm việc bình thường sau 2 tuần cách ly.

Theo văn phòng tổng thống, bà Michelle, 38 tuổi, “hiện trong tình trạng sức khỏe tốt và sẽ tuân thủ mọi thủ tục”.

“Đệ nhất phu nhân đang được đội ngũ y tế của Tổng thống điều trị”, hãng tin AFP dẫn thông báo cho biết.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Marcos Pontes cũng thông báo kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19. Ông Pontes, hiện đã được cách ly, là thành viên thứ 5 trong chính phủ Brazil mắc bệnh.

Tổng thống Bolsonaro, 65 tuổi, hiện bị dư luận chỉ trích về cách thức ứng phó đại dịch trong bối cảnh Brazil đã trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới cả về số ca mắc và tử vong do COVID-19, chỉ sau Mỹ, với hơn 2,5 triệu ca mắc và 90.000 trường hợp tử vong.

Theo Bộ Y tế Brazil, nước này ghi nhận thêm 57.837 ca bệnh và 1.129 ca tử vong trong ngày 30-7.

TRẦN PHƯƠNG – HỒNG VÂN
TTO