18/11/2024

Tăng tốc phát triển vắc xin Covid-19

Tăng tốc phát triển vắc xin Covid-19

Thế giới hiện có 5 vắc xin phòng Covid-19 tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và một số đã được các nước đặt hàng từ trước.
Tình nguyện viên được tiêm thử vắc xin ở Brazil /// Ảnh: AFP
Tình nguyện viên được tiêm thử vắc xin ở Brazil ẢNH: AFP
Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có 141 vắc xin phòng Covid-19 đang được phát triển và 25 vắc xin trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Hiện có 5 vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, bước cuối cùng trước khi được phê chuẩn.

Những vắc xin tiềm năng

Một trong số những vắc xin có triển vọng nhất là loại do Đại học Oxford và Hãng dược AstraZeneca của Anh phối hợp phát triển, theo đánh giá của WHO. Vắc xin này đang được thử nghiệm giai đoạn 3 tại Brazil với 5.000 tình nguyện viên là các bác sĩ và nhân viên y tế. Chính phủ Brazil ký kết thỏa thuận với AstraZeneca để sản xuất hơn 100 triệu liều vắc xin cho nước này nếu nó được chứng minh là hiệu quả.
Hồi tuần rồi, Brazil cũng bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin phòng Covid-19 của công ty Trung Quốc Sinovac, với khoảng 900 tình nguyện viên tham gia.
Trong khi đó, chính phủ Nga ngày 29.7 tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất hai vắc xin Covid-19 “đầy hứa hẹn” của Viện Nghiên cứu Gamaleya ở Moscow và một phòng thí nghiệm tại Siberia lần lượt vào tháng 9 và 10. Tuy nhiên, Nga không công bố dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng và hai vắc xin này không được nêu trong báo cáo của WHO. CNN dẫn lời các quan chức Nga cho biết hai vắc xin tiềm năng có thể được phê duyệt vào ngày 10.8 hoặc sớm hơn.
Tăng tốc phát triển vắc xin Covid-19

5 vắc xin tiềm năng của các hãng trên thế giới NGUỒN: WHO – ĐỒ HỌA: PHÚC DUY

Chạy đua đặt hàng trước

Dù chưa chắc hiệu quả thế nào, các nước phát triển đang chạy đua ký thỏa thuận với những hãng dược, đặt hàng trước những vắc xin tiềm năng, theo tờ Economic Times.

Nguy cơ hệ thống y tế Hồng Kông sụp đổ vì Covid-19

Trong đoạn video mới công bố, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng vọt gần đây và “có nhiều ca nhiễm không xác định được nguồn gốc”. Bà Lâm cảnh báo điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống bệnh viện và khiến nhiều người tử vong, nhất là người cao tuổi. Phát biểu được đưa ra sau khi Hồng Kông ghi nhận 149 ca nhiễm mới vào ngày 30.7, trong đó có 145 trường hợp lây trong cộng đồng. Số ca nhiễm gia tăng ở Hồng Kông trong những ngày gần đây sau khi chính quyền nới lỏng lệnh cấm ăn tại nhà hàng, nhưng vẫn áp dụng các quy định phòng dịch khác, bao gồm không tụ tập quá 2 người, bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Chính phủ Mỹ đã ký kết thỏa thuận với hãng Moderna, Johnson and Johnson, AstraZeneca, Novavax, Pfizer và BioNTech để thực hiện 5 dự án phát triển vắc xin khác nhau, theo Reuters. Ngân sách chính phủ Mỹ đầu tư cho mỗi dự án là 1 tỉ USD, dưới hình thức tài trợ và đặt hàng trước. Những thỏa thuận này sẽ mang đến 100 – 400 triệu liều vắc xin đầu tiên cho Mỹ.

Moderna, Pfizer và BioNTech bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin vào đầu tuần này với hàng chục ngàn tình nguyện viên ở Mỹ, đồng thời kỳ vọng có vắc xin thương phẩm vào cuối năm nay. Tờ The Financial Times dẫn các nguồn tin tiết lộ Moderna đang lên kế hoạch định giá vắc xin ở mức 50 – 60 USD/liều, còn vắc xin do Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển là khoảng 39 USD/liều. Ngoài Mỹ, các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Ý cũng đặt hàng trước với những hãng dược nhằm bảo đảm có sẵn 100 – 400 triệu liều vắc xin.
Giới chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ nước giàu “đầu cơ” vắc xin Covid-19, hãng dược thao túng giá cả, khiến các nước nghèo chịu thiệt thòi.
PHÚC DUY
TNO