23/12/2024

Đông Nam Á ‘trên bờ vực khủng hoảng kinh tế – xã hội’ vì đại dịch Covid-19

Đông Nam Á ‘trên bờ vực khủng hoảng kinh tế – xã hội’ vì đại dịch Covid-19

Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước Đông Nam Á đối phó trốn thuế, dừng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.
Hành khách đeo khẩu trang đề phòng Covid-19 tại trạm xe buýt ở Jakarta, Indonesia /// Reuters
Hành khách đeo khẩu trang đề phòng Covid-19 tại trạm xe buýt ở Jakarta, Indonesia REUTERS
Theo Reuters ngày 31.7, Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra cảnh báo về việc Đông Nam Á đang trên bờ vực khủng hoảng kinh tế-xã hội do đại dịch Covid-19, với nguy cơ đảo ngược nhiều thập niên nỗ lực xóa nghèo.
“Khủng hoảng đe dọa hủy diệt sinh kế của 218 triệu lao động không chính thức ở Đông Nam Á. Không có thu nhập thay thế, các hệ thống bảo trợ xã hội chính thức hay các khoản tiết kiệm nhằm hỗ trợ cú sốc này, lao động và gia đình họ sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo”, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Theo đó, nền kinh tế cả khu vực Đông Nam Á có thể sụt giảm 0,4% trong năm 2020, trong khi các khoản tiền gửi về nước của lao động xuất khẩu dự kiến giảm 13%, tương đương 10 tỉ USD.
Thông cáo kêu gọi các nước giải quyết tình trạng “rò rỉ ngân sách” như trốn thuế, chuyển giá, trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch, nhằm tăng cường khả năng đưa ra gói hỗ trợ lớn hơn giúp người dân và thúc đẩy kinh tế.
Giá dầu thấp hiện nay là cơ hội lý tưởng để các chính phủ thay đổi chính sách trợ giá cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhiên liệu hóa thạch, theo thông cáo.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc nêu ví dụ Indonesia, nước đông dân nhất khối, có khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch năm 2020 dự kiến vượt tổng mức hỗ trợ liên quan đến Covid-19.
Bên cạnh việc đẩy mạnh các khoản chi phúc lợi xã hội, các nước Đông Nam Á nên ưu tiên chi tiêu nhiều hơn cho y tế, theo bà Armida Salsiah Alisjahbana lãnh đạo Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc.
KHÁNH AN
TNO