23/01/2025

Cuộc đua “tam mã” ngoài vũ trụ

Cuộc đua “tam mã” ngoài vũ trụ

Mỹ, Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh những kế hoạch đầy tham vọng để chiếm lĩnh lợi thế trong cuộc đua bên ngoài vũ trụ.
Các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất /// Ảnh: NASA
Các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất ẢNH: NASA
Cuộc cạnh tranh chiến lược giờ đây đã vượt ra khỏi phạm vi trái đất khi các cường quốc nhận ra những lợi thế để dẫn trước đối thủ nếu chiếm lĩnh cuộc chơi bên ngoài khoảng không vũ trụ. Mỹ, Nga và Trung Quốc hiện là ba nhân tố chính của cuộc đua này.

Quân sự hóa không gian

Theo giới chuyên gia, vệ tinh đóng vai trò phòng thủ như trinh sát các mục tiêu, cơ sở quân sự của đối phương, đồng thời phát hiện các vụ phóng tên lửa, giải quyết vấn đề liên lạc giữa các đơn vị và cải thiện tính chính xác của hệ thống vũ khí tấn công. Do đó, việc phá hủy hoặc gây nhiễu mạng lưới vệ tinh có thể khiến một quốc gia chiếm ưu thế to lớn trước đối thủ của mình. “Vũ trụ vốn đã là một phần của xung đột quân sự từ cuối thập niên 1990. Thế nhưng điều khác biệt nằm ở tương lai, khi cuộc xung đột giữa các cường quốc có thể liên quan nhiều hơn tới các cuộc tấn công trực tiếp vào vệ tinh”, Nikkei Asian Review dẫn lời chuyên gia Brian Weeden, người từng tham gia lên kế hoạch cho các chiến dịch không gian của quân đội Mỹ, nhấn mạnh.
Trên thực tế, Nga, Mỹ, Trung Quốc đã có những cáo buộc lẫn nhau liên quan vấn đề quân sự hóa trên vũ trụ. Mỹ nghi ngờ Nga đang phát triển vũ khí dưới dạng vệ tinh để phá hủy các tài sản của nước khác trên quỹ đạo. Mới đây nhất, Bộ Tư lệnh không gian Mỹ cáo buộc Nga phóng thử vệ tinh diệt vệ tinh hôm 15.7. Bộ Ngoại giao Nga thì khẳng định vệ tinh này đang kiểm tra một phương tiện không gian khác của nước này và không vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Nga phản đối việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian. Theo AFP, Nga cho rằng Mỹ có ý định biến vũ trụ thành chiến trường mới sau khi Lầu Năm Góc hồi tháng 6 công bố “Chiến lược không gian phòng thủ”, trong đó nhấn mạnh muốn ngăn chặn Nga và Trung Quốc kiểm soát không gian vũ trụ. Mỹ cũng có kế hoạch thiết lập mạng lưới vệ tinh được trang bị cảm biến tinh vi, có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa, cũng như phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa từ không gian.
Liên quan Trung Quốc, Mỹ dự đoán Bắc Kinh sẽ triển khai vũ khí laser trong năm nay để làm mù cảm biến trên các vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Trung Quốc được cho là đã lắp đặt thiết bị gây nhiễu điện tử trên các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành các cơ sở trái phép ở Biển Đông. Theo các chuyên gia, những thiết bị này có thể nhằm mục đích vô hiệu hóa hoạt động của máy bay không người lái Mỹ, bằng cách gây nhiễu tín hiệu định vị GPS.

Cạnh tranh quyết liệt

Đến nay, vấn đề phát triển bên ngoài vũ trụ chỉ bị chi phối bởi một số ít luật lệ quốc tế. Điều này khiến cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt và khó kiểm soát nếu các bên quyết đẩy mạnh tham vọng của mình. Hiệp ước ngoài vũ trụ (Outer Space Treaty) đa phương bắt đầu có hiệu lực vào năm 1967, quy định cấm các vệ tinh được trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên với tình hình mới, các chuyên gia cho rằng hiệp ước này không đủ để giải quyết vấn đề kiểm soát vũ khí ngoài không gian. Tờ Nikkei Asian Review ngày 29.7 dẫn ví dụ về việc Trung Quốc hồi năm 2007 phóng tên lửa bắn hạ một vệ tinh và các mảnh vỡ có nguy cơ gây tổn hại vệ tinh của các nước khác. Các nước khác chỉ có thể lên tiếng quan ngại về vụ phóng của Trung Quốc vì hiện chưa có cơ chế giải quyết cụ thể các tranh chấp liên quan nghĩa vụ của các bên tham gia Hiệp ước ngoài vũ trụ.
Hôm 27.7, phái đoàn Nga và Mỹ lần đầu tiên gặp nhau sau 7 năm tại thủ đô Vienna (Áo) để thảo luận về an ninh vũ trụ. Vấn đề mà Mỹ và Nga khó tìm thấy tiếng nói chung nhất là mức độ quân sự hóa vũ trụ của mỗi bên và việc bảo vệ vệ tinh cũng như các tài sản khác trên quỹ đạo. Kết quả cuộc họp chỉ dừng lại ở việc thiết lập đường dây nóng quân sự giữa Nga và Mỹ, đồng thời hướng tới một cuộc gặp ba bên với Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng rất khó để có chuẩn tắc quốc tế về an ninh vũ trụ khi mà Mỹ mở rộng khai thác không gian vì mục đích quân sự, Nga vẫn có ưu thế nhất định còn Trung Quốc thì đang ra sức lao vào cuộc đua.
NGỌC MAI
TNO