23/01/2025

Đủ kiểu thâu tóm doanh nghiệp

Đủ kiểu thâu tóm doanh nghiệp

Mua lại công ty, thu gom cổ phần, góp vốn không minh bạch… đều là những cách để tiến đến kiểm soát một doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trong nước như Nguyễn Kim, Sabeco đã bị nước ngoài thâu tóm /// Ảnh: Khả Hòa
Các doanh nghiệp trong nước như Nguyễn Kim, Sabeco đã bị nước ngoài thâu tóm ẢNH: KHẢ HÒA

Muôn hình vạn trạng

Trong những ngày qua, Saigon Co.op bị Thanh tra TP.HCM chỉ rõ vi phạm tăng vốn điều lệ bất thường khiến đơn vị này có thể bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài, và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động của mình.

Khó có thể nói việc thâu tóm DN là có lợi hay có hại vì tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nhưng đa số tôi thấy đều tích cực vì sau khi đổi chủ sở hữu, nhiều DN phát triển mạnh hơn. Nhất là với những DN có các tập đoàn nước ngoài rót vốn thì mở rộng sản xuất, người lao động vẫn được đảm bảo công việc và thu nhập. Đó là chưa kể hoạt động này làm gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nhanh hơn là việc họ sẽ phải đầu tư xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng lao động từ đầu…

Ông Đỗ Hòa

Đây là việc hãn hữu vì mô hình kinh doanh HTX không phổ biến trên thị trường, có nhiều hình thức khác để tiến hành thực hiện việc sở hữu một đơn vị khác. Phổ biến nhất là thông qua hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A). Đây là hình thức công khai và đã có sự thỏa thuận, thống nhất giữa hai bên. Chẳng hạn trong tháng 4 vừa qua, Công ty cổ phần cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable) đã chính thức sáp nhập vào tập đoàn Stark Corporation và Phelps Dodge International (Thái Lan).

Cáp điện Thịnh Phát là một trong những nhà sản xuất dây và cáp điện lớn của Việt Nam. Như vậy, thay vì rót vốn triển khai thực hiện dự án ban đầu, nhà đầu tư ngoại đã đi con đường tắt bằng cách thâu tóm DN trong nước.
Hay chuyện Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI chính thức công bố tiếp quản Công ty Thế giới Kim Cương – một trong những công ty bán lẻ trang sức lớn tại Việt Nam – vào cuối tháng 4. Công ty Thế giới Kim cương hiện có 34 chi nhánh tại các tỉnh TP với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại nhiều trung tâm thương mại và siêu thị trên toàn quốc.
Những trường hợp trên chỉ là cái tên mới nhất nối dài danh sách các thương hiệu trong nước đã rơi vào tay hoặc nằm dưới sự điều hành của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Sabeco, Điện máy Nguyễn Kim, Nhựa Bình Minh…
Theo ông Lê Duy Minh – Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, trước đây một số DN trong nước có đất đai nhưng không đủ nguồn lực tài chính để thực hiện triển khai dự án, nên liên doanh với đối tác nước ngoài. Sau khi dự án được triển khai đi vào hoạt động, liên doanh này liên tục thua lỗ và để tiếp tục duy trì hoạt động, cả hai bên đều phải tăng vốn hoạt động. Do tình hình tài chính DN trong nước hạn hẹp, phía nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu và chiếm quyền kiểm soát công ty. Hình thức này cũng được sử dụng đối với các DN sản xuất, dịch vụ khác.. Việc thâu tóm nhiều khi là để chiếm lĩnh thị phần chứ không đơn thuần là chiếm quyền kiểm soát tài sản. Ông Lê Duy Minh cho hay tình hình dịch Covid-19 hiện nay ảnh hưởng rất mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Việc chống thâu tóm DN trong hoàn cảnh khó khăn này là rất khó. DN chỉ có cách đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhà nước có chính sách hỗ trợ DN bán hàng ra các thị trường mới thông qua các đại sứ quán cũng như có gói hỗ trợ DN tiêu thụ hàng trong nước. DN có hoạt động sản xuất kinh doanh thì mới tránh được thâu tóm.

Có lợi hơn hại ?

Trước tình cảnh các DN trong nước gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc mua bán sáp nhập trong giai đoạn dịch bệnh nhằm hạn chế DN nước ngoài thâu tóm DN Việt Nam.
TS Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế tài chính) cho rằng việc thâu tóm mua bán, sáp nhập… là chuyện bình thường trong hoạt động kinh doanh, đây là cơ chế đào thải trên thị trường. Xét về mặt tích cực, một DN gặp khó khăn về tài chính và được một đơn vị khác tham gia, lúc này có thể duy trì được công việc của người lao động. Tuy nhiên cũng cần ngăn chặn các hình thức thâu tóm thù địch, đặc biệt với dòng vốn ngoại muốn thâu tóm những ngành sản xuất, dịch vụ trọng yếu trong nước.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tinh Hoa Quản Trị, nhận định ngoại trừ vụ việc tại Saigon Co.op, những vụ thâu tóm qua việc mua bán – sáp nhập thường không phải là thù địch và có thể nói là tích cực nhiều hơn. Bởi nếu công ty hết tiền, bị phá sản và có nhà đầu tư mới rót vốn để tiếp tục hoạt động, cán bộ nhân viên có việc làm… thì điều đó có lợi cho nhiều người và cả nền kinh tế Việt Nam.
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO