25/12/2024

Thời COVID, kháng thể nào cho những khát khao được học?

Thời COVID, kháng thể nào cho những khát khao được học?

Trong nghiên cứu “Ảnh hưởng của COVID-19 tới sự lo âu của sinh viên đại học tại Trung Quốc” trên tạp chí Frontiers in Psychology hồi tháng 5 vừa qua, hai tác giả Chongying Wang và Hong Zhao đã hỏi các sinh viên về điều mà các em lo ngại nhất.

 

Thời COVID, kháng thể nào cho những khát khao được học? - Ảnh 1.

Minh họa: www.smh.com.au

Một trong những từ xuất hiện nhiều nhất là “bắt đầu học kỳ mới”. Các trường đại học địa phương, giáo viên và cha mẹ có thể giúp gì cho các em?

Mùa hè với tuổi học trò vốn như những thảo nguyên đầy màu sắc, một khoảng nghỉ chân để chuẩn bị cho một hành trình dài phía trước, chứa những giấc mơ lớn và háo hức khám phá. Nhưng đại dịch Covid-19 năm nay biến tất cả trở nên mong manh và bất định. Những giấc mơ bị thế chỗ bởi các mối lo âu, thất vọng và phập phồng về tương lai.

Những giấc mơ bị rút ống thở

Một học trò cũ của tôi đã quyết định dành cả năm 2019 làm gap-year – một năm nghỉ học để khám phá bản thân và thế giới – trước khi bắt đầu học đại học chính thức. So với chục năm về trước, gap-year giờ đã không còn xa lạ với học sinh và phụ huynh Việt Nam.

Tuy nhiên việc sẵn sàng dành trọn một năm để khám phá và chuẩn bị cho quãng đường học đại học lại không phải việc đơn giản mà bất kỳ gia đình hay học sinh nào cũng có thể lựa chọn bởi cả lý do tài chính và tâm lý. Trong suốt một năm qua, cô học trò ấy đã làm gia sư, làm online marketing, nhận các công việc thiết kế tự do để trang trải mọi kinh phí chu du đó đây và học thêm những điều mới.

Trước Tết Nguyên đán, em đã rất hào hứng nhờ tôi góp ý về bài luận và hồ sơ xin học bổng. Thời điểm giãn cách xã hội là thời điểm em căng thẳng nhất, đối diện nỗi lo đa chiều về dịch bệnh và cả lộ trình học tập. Ngày em nhận được thông báo học bổng cũng là ngày Chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh tạm ngừng cấp mới visa cho sinh viên quốc tế. Em nói với tôi: “Em có thể dành thêm một năm gap-year nữa để tự mày mò, khám phá, nhưng…”.

Một bạn trẻ khác, vốn rất tự hào khi trúng tuyển một chương trình học bổng chính phủ, cũng trở nên hụt hẫng vì kế hoạch của mình bị gắn thêm dấu chấm lửng… Mới tháng trước, cậu tung tăng từ bắc tới nam để học những khóa dự bị, để chuẩn bị năng lực và tâm thế sẵn sàng cho một giai đoạn mới đầy thử thách.

Giữa tháng này, chính phủ nước bạn thông báo hoãn việc nhập học ít nhất đến kỳ mùa xuân năm sau. Công việc tại cơ quan cũ đã tạm ngưng để chuẩn bị cho việc đi học, anh bạn trẻ bỗng dưng phải có một gap-year bất đắc dĩ.

Đầu tháng 6, một người bạn của tôi đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ (PostDoc) tại một trường đại học ở châu Âu đã khóc trước một tình huống vô cùng éo le. Cô ở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ tết, đã rất mừng vì sự an toàn và ấm cúng của Tổ quốc trong suốt mùa dịch, nhưng rồi lại không quay trở lại được trường đại học mà mình đang công tác.

Trong diễn biến khó lường của COVID-19, dự án cô tham gia bị cắt giảm kinh phí. Là một nhà nghiên cứu chưa vào biên chế, lại đang không hiện diện ở nước sở tại, hợp đồng của cô bị đưa vào diện không được gia hạn.

Những dự định của cô bỗng chuyển từ hứa hẹn sang tuyệt vọng. Vị trí nghiên cứu viên trong một dự án khoa học không phải dễ dàng tìm được, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp. Không giống như những sinh viên mười tám, đôi mươi, gap-year là thứ quá xa xỉ với người như cô.

Đó chỉ là vài ví dụ trong vô vàn nghịch cảnh mà học sinh, sinh viên, học viên sau đại học trên khắp thế giới đang phải đối mặt. Theo khảo sát mà các đồng sự của tôi tại EdLab Asia tiến hành vào đầu tháng 5 với 410 du học sinh, có tới 43,15% kế hoạch du học của học sinh, sinh viên Việt Nam bị hủy bỏ hoặc phải hoãn lại chưa rõ thời hạn.

Dưới 15% du học sinh được khảo sát nhận được thông tin về các phương án học tập trực tuyến đối với học kỳ mùa thu 2020. Trong sự rối ren ấy, chỉ 5,12% du học sinh được khảo sát nhận được các hỗ trợ về tâm lý từ nhà trường. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là sinh viên đang theo học, còn những tân sinh viên của năm học 2020-2021 thì hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào về tâm lý.

Các giáo viên cũng đang đương đầu nhiều áp lực tâm lý do tác động của COVID-19. Khảo sát của chúng tôi với 373 giáo viên các cấp tại Hà Nội vào tuần đầu tháng 4 ghi nhận 37,8% giáo viên cảm thấy mệt mỏi vì các xáo trộn do COVID-19, và 53,6% giáo viên lo lắng về khó khăn kinh tế trong thời gian sắp tới.

Trong một khảo sát khác với 307 giáo viên nước ngoài đang giảng dạy tại các nước Đông Nam Á, chúng tôi ghi nhận 45,6% cho rằng họ bị kỳ thị bởi người bản xứ vì những lo ngại liên quan đến COVID-19.

Đừng hỏi “Khi nào thì cháu đi du học” nữa!

Từ giữa tháng 3, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ra nhiều nước, các cuộc thảo luận chuyên môn trên diễn đàn Hiệp hội các nhà giáo dục toàn cầu NAFSA đã bắt đầu xoay quanh những ảnh hưởng đối với các hệ thống giáo dục.

Những lo ngại ban đầu về quá trình chuyển đổi số (như một giải pháp tạm thời) đã dần nhường chỗ cho mối lo ngại về tình hình tuyển sinh và tính bền vững của các chương trình học cho sinh viên quốc tế. Đối với các trường đại học có mức độ quốc tế hóa cao, sinh viên quốc tế đóng vai trò thiết yếu về cả phương diện tài chính, lẫn sự đa dạng văn hóa của từng trường.

Trong phiên thảo luận bàn tròn ngày 17-6 với chủ đề “Thiết kế trải nghiệm học tập liên văn hóa: Quan hệ đối tác sáng tạo; Quan hệ ảo toàn cầu và địa phương”, các diễn giả đã đi đến đồng thuận với nhiều quan điểm để đảm bảo chất lượng giáo dục dưới tác động của COVID-19.

Ý tưởng đạt được nhiều sự tán thành nhất là: “Học sinh không cần phải đi du học để có được những lợi ích từ các trải nghiệm quốc tế. Các giảng viên có thể thiết kế một chương trình giảng dạy phù hợp với cộng đồng địa phương và giúp người học tiếp cận những trải nghiệm mới”.

Từ đây, có ba thông điệp đáng chú ý dành cho các trường đại học địa phương trong quá trình tự xây dựng các kịch bản ứng phó của mình, hỗ trợ các du học sinh bị ảnh hưởng do COVID-19. Thông điệp thứ nhất là “Lấy sự chiêm nghiệm của người học làm trọng tâm để kết nối các trải nghiệm học tập”.

Cụ thể, việc đầu tiên mà các trường đại học cần làm là tiến hành đánh giá về các nhu cầu thực sự của người học. Kế đến, cần thiết lập những không gian an toàn trong thực tại cũng như trực tuyến, phát triển các mối quan hệ đối tác nhằm mở rộng cơ hội cho sinh viên.

Thay vì việc đưa các em ra ngoài thế giới, hãy tìm cách đưa thế giới đến với các em. Và bên cạnh việc tăng cường các hoạt động tham vấn học đường dành cho sinh viên, các trường đại học cũng nên xem xét việc tăng cường hoạt động về tâm lý cho phụ huynh, từ đó giảm bớt các áp lực đè nén lên sinh viên.

Thông điệp thứ nhì là “Bản thân nhà trường phải có sự thích ứng, nhanh nhạy trong việc thiết kế các trải nghiệm học tập để có thể châm ngòi cho những sáng tạo bất ngờ trong nghịch cảnh”. Thay vì bắt sinh viên phải tuân thủ lộ trình học tập thông thường, các trường đại học nên tăng cường các hoạt động mới, mang tính sáng tạo, xoay quanh những vấn đề mới phát sinh trong mùa dịch.

Các bài tập lý thuyết có thể được xem xét và thay đổi bằng những dự án thực hành, tác động trực tiếp tới cộng đồng mà các em đang sinh sống. Bằng việc hướng đến gia đình, bạn bè và cộng đồng với tâm thế họ là những người cần được giúp đỡ, sinh viên không chỉ giải tỏa được áp lực tâm lý tự thân, mà còn nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu từ mọi người.

Cuối cùng, “Hãy tổ chức các nhóm học tập với sự đa dạng về đặc điểm cá nhân và khuyến khích học trò cùng làm việc hướng tới mục tiêu chung: những trải nghiệm học tập mới, thay vì chỉ nhìn vào điểm số”.

Đánh giá quá trình chuyển đổi số trong giai đoạn đầu bùng phát COVID-19, các chuyên gia cho rằng đó là giai đoạn “emergency learning – học tập trong tình huống khẩn cấp”, chứ chưa hẳn là “online learning – học tập trực tuyến”. Để triển khai được học tập trực tuyến hiệu quả, các biện pháp kỹ thuật phải được bắt nguồn từ gốc rễ sư phạm.

Sự áp dụng công nghệ một cách máy móc vào giáo dục có thể gây ra hiệu quả ngược và tâm lý chán nản, nhất là khi nó được áp dụng kèm theo kỳ vọng về điểm số. Thay vì được tin tưởng như những trợ thủ đắc lực, công nghệ có thể bị thù ghét bởi những áp lực mà thầy và trò không mong đợi.

Nhà trường và gia đình không nhất thiết phải áp dụng triệt để công nghệ cho mọi hình thức học tập, mà có thể cân nhắc những khoảng thời gian để người học tự học tập, trải nghiệm mà không cần dùng tới công nghệ.

Giáo dục không phải là hệ thống nội dung, chương trình hay các bài kiểm tra. Mỗi thế hệ đều có những giá trị nhất định mà thế hệ ấy tin rằng họ nên bảo tồn và truyền lại cho thế hệ sau. Giáo dục không chỉ giúp cho quá trình lựa chọn và chuyển tiếp ấy được diễn ra, mà còn giúp cho những thế hệ sau có khả năng tạo ra và phát triển những hệ giá trị của riêng mình.

Bốn thông điệp kể trên chỉ là những gợi ý nhất thời để khỏa lấp chỗ trống về trải nghiệm thực tế mà các du học sinh có thể bị mất đi do ảnh hưởng của COVID-19.

Theo một góc độ nào đó, đó sẽ là những cải tổ mang tính chiến thuật để giúp cho các trường đại học địa phương và quốc tế có thể giữ được mối liên hệ chặt chẽ với sinh viên hiện tại và các sinh viên tiềm năng.

Ở góc độ rộng hơn, chúng ta cần sự cảm thông và chia sẻ với giới trẻ về các khó khăn mới xuất hiện, thay vì những câu cảm thán hay hỏi dò xã giao như “Bao giờ thì cháu đi nước ngoài? Vì COVID nên không đi du học à?”.

“Một học kỳ mới” không nên là nỗi sợ của bất kỳ ai. Cho dù được bắt đầu dưới dạng thức nào, “một học kỳ mới” cũng cần những niềm vui, sự hứng khởi và khát khao. Chúng ta đều biết rằng vắcxin cho những bệnh truyền nhiễm được tạo ra dựa trên cơ chế ghi nhớ và tạo ra các kháng thể.

Để làm ra những liều vắcxin cho tinh thần, cho khát khao và đam mê chính đáng – đam mê được học, có lẽ kháng thể hữu hiệu nhất chính là tinh thần thấu hiểu, sẻ chia và tương trợ.

HOÀNG ANH ĐỨC (thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục toàn cầu NAFSA)
TTO