28/12/2024

Nhiều sản phẩm mới nhanh chóng ‘chết yểu’, bật khỏi quầy kệ

Nhiều sản phẩm mới nhanh chóng ‘chết yểu’, bật khỏi quầy kệ

Người tiêu dùng Việt Nam luôn rất cởi mở với các sản phẩm mới, với 49% cho biết họ sẵn sàng thử chúng. Chỉ riêng năm 2019, có đến 6.455 sản phẩm mới được ra mắt tại Việt Nam, tuy nhiên, nhiều sản phẩm mới lại nhanh chóng ‘chết yểu’.

 

Nhiều sản phẩm mới nhanh chóng chết yểu, bật khỏi quầy kệ - Ảnh 1.

Cà phê sen – một sản phẩm mới của thị trường cà phê đến từ Đồng Tháp – Ảnh: N.BÌNH

Theo nghiên cứu của Nielsen vừa mới được công bố, có đến 6.455 sản phẩm mới được ra mắt tại Việt Nam trong năm 2019, nhưng rất nhiều sản phẩm trong số đó không đủ tiêu chuẩn có mặt trên quầy kệ.

Điều này dẫn đến ở nhiều ngành hàng, chỉ 3% mã sản phẩm (SKUs) đã đóng góp đến 80% doanh số, trong khi đó 80% mã sản phẩm còn lại đóng góp 2% doanh số tổng của ngành hàng.

“Có một lý do các doanh nghiệp vẫn tạo ra nhiều SKUs vì muốn trưng bày sản phẩm lên kệ, giúp thương hiệu, sản phẩm xuất hiện nhiều hơn trong mắt người tiêu dùng – còn gọi là độ phủ (vision share)”, chuyên gia Nielsen phân tích.

Nghiên cứu này cũng cho thấy nhiều SKUs hơn không có nghĩa là nhiều thị phần hơn trên kênh hiện đại, vì vậy nếu nhiều SKUs được trưng bày nhưng không tạo ra được sự hấp dẫn trên quầy kệ sẽ không thu hút được tầm nhìn của người mua sắm, hoặc cho dù có lọt vào tầm mắt nhưng không đủ ấn tượng, họ cũng không lựa chọn mua.

Tốn kém chi phí đưa sản phẩm lên quầy kệ nhưng lại không mang về được doanh thu và doanh số tương xứng, buộc các doanh nghiệp cần phải suy nghĩ lại đặc biệt sau dịch COVID-19. Bởi thực tế, một SKUs phù hợp có thể mang lại 15% tăng trưởng doanh số ở kênh truyền thống.

Thêm vào đó, nếu danh mục càng phân mảnh, khả năng trống kệ càng cao và từ đó làm lỡ đi cơ hội bán hàng của doanh nghiệp.

Ngay cả việc thực hiện chương trình khuyến mãi, nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp đã lãng phí quá nhiều chi phí cho việc khuyến mãi. Khoảng 56% doanh thu được tạo ra từ chương trình khuyến mãi, tuy nhiên, hiệu quả được tạo ra từ hình thức này chỉ có 29%.

Trong số 100 đồng doanh thu được tạo ra nhờ chạy khuyến mãi thì doanh nghiệp chỉ thu về được sự tăng về mặt doanh thu là 29 đồng, một con số rất thấp so với mặt bằng chung của toàn cầu là 50%.

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 đang thay đổi hành vi tiêu dùng, nhà bán lẻ cũng như nhà sản xuất cần lên kế hoạch thích nghi với những thay đổi này, đồng thời tận dụng cơ hội để đổi mới, trong đó có cả cách giao tiếp với người tiêu dùng bao gồm việc tiếp thị, đóng gói sản phẩm và trưng bày trên quầy kệ.

N.BÌNH
TTO